Người vợ ở miền Tây hiến tạng chồng cũ để "hồi sinh" 8 cuộc đời mới, quặn lòng khi nhìn những đứa con thơ

An Thanh - Ngày 27/01/2025 10:10 AM (GMT+7)

Một người ra đi, tám người được hồi sinh. Đằng sau nghĩa cử ấy là những câu chuyện còn dang dở, những nỗi nhớ khôn nguôi…

Sống là để yêu thương và được yêu thương. Nhưng có những tình yêu không dừng lại ở những cái ôm hay lời nói, mà lại lan tỏa xa hơn qua những nghĩa cử cao đẹp. Câu chuyện về anh Lê Minh Cúc (1980, ngụ tại Tiền Giang) - người đã ra đi nhưng vẫn kịp để lại cho đời niềm hy vọng mới là một minh chứng rõ ràng nhất.

Sự ra đi của anh không hề vô nghĩa...

Anh Cúc và chị Phạm Thị Ngọc Ánh (SN 1983) đã ly dị từ nhiều năm trước, 3 đứa con được chị Ánh nuôi dưỡng. Dù cuộc sống riêng của cả hai có nhiều thay đổi, nhưng tình yêu thương dành cho con cái chưa bao giờ phai nhạt. Đó cũng là lý do mà cả chị Ánh và anh Cúc vẫn luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp để chăm lo cho các con được đủ đầy. 

“Ly hôn thì không còn vợ chồng trên giấy tờ, không ngủ chung giường nhưng anh vẫn là cha của các con tôi, tôi vẫn chăm sóc cho anh như ngày trước, cuộc sống cũng không có gì khác so với trước kia. Các dịp lễ, Tết hoặc lúc nào được nghỉ thì anh vẫn đều đặn về thăm, chở các con đi chơi đây đó. Tôi ở nhà lo cơm nước đầy đủ để khi nào mấy cha con đi chơi về là có cơm ăn”, chị Ánh kể.

Tưởng đâu mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió như thế thì biến cố ập đến. Tháng 8/2022 anh Cúc bị tai nạn giao thông, được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi, rơi vào tình trạng chết não. 

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho gia đình anh Cúc.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu trao kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho gia đình anh Cúc.

Trong lúc đau thương nhất, xót xa nhìn người từng đầu gối tay ấp với mình nằm im trên giường bệnh, nhớ về những câu chuyện hiến tạng đầy nhân văn từng nghe trên mạng xã hội, chị Ánh cố nén đau thương, bàn bạc với gia đình chồng quyết định chia sẻ tạng của anh Cúc với hi vọng nối dài sự sống cho những bệnh nhân đang chờ đợi cơ hội cuối cùng.

“Tôi nghĩ, một người chết là hết nhưng chết mà có thể giúp ai đó thêm hy vọng, thêm cơ hội sống thì ý nghĩa hơn. Nhưng mà, tôi với anh Cúc vốn đã ly dị nên tôi không thể quyết định được. Tôi bàn bạc với gia đình của anh Cúc. Anh trai ruột của anh Cúc thấu hiểu ý nghĩa của việc hiến tạng, biết rằng nó có thể mang lại sự sống cho những người cần. Sau khi suy nghĩ kỹ, anh ấy đã đồng ý ký vào giấy hiến tạng”, chị Ánh kể.

Dù chẳng biết người nhận được là ai, nhưng khi nghe tin 2 quả thận, 1 quả tim, 1 lá gan, 2 giác mạc và da của anh Cúc mang lại sự sống cho 8 người khác, chị Ánh thấy lòng nhẹ nhõm.

“Thật sự tôi rất mừng. Anh không thể sống tiếp, nhưng ít nhất, những phần cơ thể của anh đã giúp cho những người còn lại có cơ hội được sống, được cống hiến cho cuộc đời. Tôi biết rằng, cái chết của anh không hề vô nghĩa”, chị Ánh tâm sự.

Trước hành động cao đẹp của anh Cúc và gia đình, đầu năm 2025, TS. BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người và đại diện phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã cùng lãnh đạo các địa phương tới thăm, tặng quà và trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho gia đình.

Con nhớ cha...

Anh Cúc ra đi để lại cho chị Ánh 3 đứa trẻ còn đang trong tuổi ăn, tuổi học, mọi gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai người phụ nữ vừa hơn 40 tuổi. Có những ngày mệt mỏi, nhưng chị Ánh không cho phép mình dừng lại vì phía sau còn có các con. 

“Hai tuần trước ngày xảy ra chuyện, anh Cúc còn gọi điện thông báo vài ngày nữa được nghỉ sẽ về thăm các con. Nhưng rồi biến cố ập đến, tất cả dự định chỉ nằm lại ở dự định…”, chị Ánh ngậm ngùi.

Hơn 4 tháng kể từ ngày anh Cúc mất, những kí ức về anh vẫn hiện hữu trong từng câu chuyện, từng cử chỉ, từng ánh mắt của con trẻ. Sự ra đi của anh không chỉ cuốn theo bao dự định còn đang dang dở mà còn để lại khoảng trống không thể nào bù đắp được cho 3 đứa con thơ. 

Anh Cúc mất để lại khoảng trống to lớn trong lòng con trẻ.

Anh Cúc mất để lại khoảng trống to lớn trong lòng con trẻ.

Nỗi đau ấy lớn đến nỗi cậu con trai lớn dù hiểu chuyện, vẫn chưa thể chấp nhận được sự ra đi của cha. Đứa con trai nhỏ thường lặng lẽ ngồi nhìn di ảnh cha hàng giờ. Cô con gái út non nớt vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi nhớ cha, lục tìm kỷ niệm với cha còn lưu lại trong chiếc điện rồi lại hôn lên mấy bức hình cũ.

“Có hôm con bé đi học, nhìn các bạn có cha đưa đón rồi bật khóc giữa trường. Mẹ các bạn lại hỏi lý do thì bé mới nói “Con nhớ cha!”. Nhưng mà khi ở nhà, trước mặt tôi thì bé không khóc, chỉ lấy điện thoại xem hình của cha rồi lén khóc thôi. Hỏi ra thì mới biết vì sợ mẹ buồn nên con không khóc…”, chị Ánh chua xót kể.

Nhớ Tết những năm trước, anh Cúc về sớm, chở các con đi chơi đây đó, thăm họ hàng, căn nhà rộn rã tiếng nói cười. Bây giờ, mỗi lần nhìn con thơ thẫn thờ, lòng chị Ánh lại dậy nỗi xót xa.

Tết này, mâm cơm trong nhà khuyết đi một chỗ, chiếc ghế nơi góc bàn ăn trống hoác, ba đứa trẻ không còn được nghe lời chúc mừng năm mới từ cha, không còn ai dẫn đi chợ Tết, mua những món đồ chơi yêu thích. Chiếc xe máy mà anh Cúc từng chở các con đi dạo phố giờ nằm im lìm nơi góc nhà. Cành mai trước sân vẫn nở rực rỡ, nhưng không còn ai nhắc các con ráng ngoan để được lì xì từ cha.

Người vợ ở miền Tây hiến tạng chồng cũ để amp;#34;hồi sinhamp;#34; 8 cuộc đời mới, quặn lòng khi nhìn những đứa con thơ - 3

Người mẹ hiến tạng gieo mầm sống cho 5 người khác, con gái nghẹn ngào: Em tự hào về mẹ lắm!
Dù chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ nhưng khi nghe tin tạng do mẹ hiến tặng cứu được 5 người, em Võ Thiên Kim (sinh năm 2004, sinh viên năm 3...

Khởi đầu vững vàng - Ất Tỵ bình an

Theo An Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]27/01/2025 09:00 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Khởi đầu vững vàng - Ất Tỵ bình an