Nếm thức ăn, nhai hoặc mớm cơm cho trẻ nhỏ là thói quen thường gặp ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính thói quen ăn uống này lại vô tình khiến nhiều trẻ bị viêm loét dạ dày.
Nhiễm vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày, hành tá tràng ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đã có không ít ý kiến cho rằng, khi nhiễm loại vi khuẩn này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ung thư ở người. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu chỉ ra rằng, điều đó không hoàn toàn đúng.
Ths.BS Phí Thị Quang – Chuyên gia tiêu hóa (Bệnh viện Medlatec) cho biết, ung thư dạ dày do vi khuẩn Hp phần lớn gặp ở người trưởng thành, hiếm gặp ở trẻ nhỏ.
BS Quang cũng nhấn mạnh rằng, không phải ai mắc vi khuẩn Hp cũng có thể bị ung thư dạ dày. “Một nghiên cứu của Bệnh viện K Trung ương cho biết, có tới 200 loại Hp khác nhau và chỉ 1 số loại mang gen CagA có độc lực cao tăng nguy cơ ung thư”, BS Quang dẫn chứng.
Vi khuẩn Hp có tỷ lệ nhiễm chủ yếu ở dưới 10 tuổi.
Theo BS Quang, phần lớn nhiễm vi khuẩn Hp trước 10 tuổi, tỷ lệ nhiễm ở cả nam và nữ là như nhau, đồng thời tỷ lệ nhiễm liên quan mật thiết tới điều kiện kinh tế xã hội. Điển hình như những nước đang phát triển có tỷ lệ nhiễm cao hơn hẳn với những nước phát triển.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Phó Chủ tịch hội ung bướu Hà Nội (nguyên GĐ Bệnh viện E Trung ương) cho biết, vi khuẩn Hp hiện đã được chứng minh lây từ người qua người qua đường dịch tiết nước bọt, phân, thậm chí là hơi thở (tỷ lệ ít).
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, PGS Nghị cho rằng ở Việt Nam thường hay có thói quen người lớn mớm cơm cho trẻ nhỏ hoặc thử thức ăn xong cho trẻ ăn, thậm chí ăn chung bát nước chấm… là nguyên nhân khiến vi khuẩn Hp từ người mang mầm bệnh lây truyền sang người lành.
PGS Đoàn Hữu Nghị đã gặp nhiều trẻ chảy máu dạ dày vì nhiễm vi khuẩn Hp.
“Trẻ khi bị vi khuẩn Hp tấn công sẽ gây nên tình trạng viêm và chảy máu dạ dày. Thực tế chúng tôi đã gặp những cháu rất nhỏ bị loét dạ dày, hành tá tràng đến mức phải đưa vào viện cấp cứu, truyền máu.
Với kinh nghiệm vài chục năm khám chữa bệnh, tuy tôi chưa gặp trường hợp nào bị thủng dạ dày do vi khuẩn Hp, nhưng những trường hợp các cháu nhỏ dưới 10 tuổi bị viêm toàn bộ dạ dày, chảy máu dạ dày thì cũng đã gặp qua vài trường hợp”, PGS Nghị chia sẻ.
Không chỉ có vậy, vi khuẩn Hp còn có thể lây truyền qua cả hơi thở. “Nhiễm Hp qua hơi thở ít gặp hơn qua dịch tiết nước bọt. Thực tế, qua dụng cụ test hơi thở chúng tôi ghi nhận khi thở ra qua dụng cụ test đó một số chất chuyển hóa của vi khuẩn Hp làm biến đổi chỉ thị màu hóa chất. Như vậy có thế biết được Hp dương tính hay âm tính. Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại rằng nồng độ Hp qua hơi thở rất thấp”, PGS Nghị cho hay.
Phụ huynh không nên mớm cơm cho con khi ăn.
Các chuyên gia cho rằng, khi nhiễm vi khuẩn Hp đa phần các bệnh nhân đều tiến triển thành viêm bề mặt niêm mạc dạ dày mạn tính. Một số bệnh nhân tiến triển thành các bệnh lý dạ dày nặng, trong đó 90% là loét tá tràng và 70% là loét dạ dày. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp khi mới nhiễm không có biểu hiện, triệu chứng lâm sàng nên rất khó phát hiện.
Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Hp, PGS Nghị khuyến cáo mọi người tránh ăn chung, uống chung với dụng cụ cốc, bát thìa với người bị bệnh do nhiễm vi khuẩn Hp.
Không nhai, mớm, thổi thức ăn cho trẻ; vệ sinh môi trường, giữ nhà vệ sinh hợp qui cách; thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đai tiện.
Tránh ngủ chung nhiều người trên một giường đặc biệt với những người đã biết có nhiễm Hp hoặc bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/1 năm để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3 của tuyến bài Ung thư dạ dày vào lúc 9h sáng ngày 20/3 trên chuyên mục Sức khỏe.