Đồ ăn, thức uống ngày Tết rất đa dạng nhưng cha mẹ cần chú ý không cho trẻ ăn những thứ dưới đây để tránh gây tổn hại sức khỏe của trẻ.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, gia đình nào cũng đều có rất nhiều đồ ăn, thức uống và thường xuyên tổ chức các buổi tiệc tụ tập gia đình, bạn bè. Vào thời điểm này, mọi người thường mải mê vui chơi, nhậu nhẹt mà ít quan tâm tới việc ăn uống sao cho đảm bảo, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Mỗi khi thấy những đứa trẻ dễ thương, mọi người lại thường cho đủ thứ đồ ăn vặt như bánh kẹo, thạch... Tuy nhiên, một số thực phẩm có thể gây hại tới sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng của trẻ.
Làm thế nào để tránh những sai lầm khi cho trẻ ăn và đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ trong dịp lễ hội mùa xuân? Bác sĩ Yu Wen, Giám đốc Khoa Chăm sóc Trẻ em kiêm Bác sĩ trưởng Khoa Nhi tại Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Hòa bình Quốc tế thuộc Hiệp hội Phúc lợi Trung Quốc, cảnh báo về những thực phẩm có thể gây tổn hại tới trẻ trong dịp Tết, người lớn nên chú ý.
1. Các loại hạt
Trong dịp Tết, khay đồ ăn vặt đãi khách của các gia đình thường có rất nhiều các loại hạt, quả hạch. Mặc dù các loại hạt rất giàu lecithin và protein thực vật, có thể làm tăng hoạt động của tế bào, nhưng cần lựa chọn phương pháp phù hợp để trẻ ăn các loại hạt an toàn.
Bác sĩ Yu Wen cho biết đã gặp nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi bị hóc dị vật đường thở do vô tình nuốt phải quả hạch hay hạt. Trẻ nhỏ trước 3 tuổi không nên ăn các loại hạt trực tiếp. Những loại hạt hay quả hạch có kết cấu cứng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể nhai được, nếu nuốt nguyên hạt rất dễ bị sặc vào khí quản, trượt vào đường hô hấp do ho, cười… gây ngạt thở, thậm chí tử vong.
Nếu bạn muốn cho trẻ dưới 2 tuổi ăn các loại hạt, cần phải nghiền nhỏ thành bột cho vào cháo. Với trẻ 2-3 tuổi, bạn có thể tách lấy hạt, tán nhuyễn rồi mới cho trẻ ăn.
Tuy các loại hạt rất giàu chất dinh dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều, vì các loại hạt có nhiều chất béo và calo sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa sau khi ăn.
2. Kẹo ngọt
Các gia đình giờ có điều kiện tốt hơn nên nhà ai cũng mua rất nhiều bánh kẹo ngọt vào dịp Tết. Trẻ nhỏ đặc biệt thích kẹo ngọt, nếu cha mẹ không kiểm soát, trẻ dễ ăn rất nhiều dẫn tới sâu răng. Chất đường có trong đồ ngọt sẽ khiến vi khuẩn trong miệng trẻ sinh sôi phát triển.
Ngoài ra, trẻ ăn nhiều đồ ngọt sẽ dễ bị phá vỡ giấc ngủ, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và làm giảm độ nhạy cảm của vị giác. Vì vậy, cha mẹ đừng cho trẻ ăn quá nhiều kẹo, và nhớ đánh răng sau khi ăn.
3. Thạch rau câu
Bác sĩ Yu Wen cho biết: "Sụn nắp thanh quản là nơi giao nhau giữa khí quản và thức ăn. Ở trẻ 2-3 tuổi, bộ phận này chưa phát triển hoàn thiện chức năng". Thạch rau câu không có nhiều giá trị dinh dưỡng lại trơn trượt, nếu trẻ nhỏ vừa ăn thạch vừa nô đùa có thể vô tình khiến thạch trượt vào khí quản, gây ngạt thở. Thậm chí so với một số trường hợp hóc dị vật có góc cạnh thì hóc thạch còn nguy hiểm hơn. Bởi các dị vật có góc cạnh sẽ vẫn có khe hở giúp oxy lọt qua nhưng thạch có hình tròn, nhẵn dễ bịt chặt khí quản.
Nếu muốn cho trẻ ăn thạch, bạn nên cắt thành từng miếng nhỏ và không trêu đùa trẻ khi đang ăn hay để trẻ vừa ăn vừa vui chơi.
4. Nước ngọt có ga
Trẻ nhỏ rất thích uống nước ngọt có ga và vào dịp tết thì hầu hết các gia đình đều có loại đồ uống này. Tuy nhiên, bác sĩ Yu Wen cho biết đồ uống có ga chứa nhiều khí cacbonic, chất này không chỉ ức chế vi khuẩn trong đồ uống mà còn ức chế vi khuẩn có lợi trong cơ thể người, vì vậy hệ tiêu hóa sẽ bị tổn thương.
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nếu uống quá nhiều một lúc, khí cacbonic thải ra dễ gây chướng bụng, ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, thậm chí gây rối loạn tiêu hóa và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.
Hơn nữa, đồ uống có ga là chất lỏng có tính axit, có thể ăn mòn lớp men răng, khiến răng ngày càng nhạy cảm. Tiêu thụ đồ uống có ga trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến loãng xương, vì axit trong đồ uống có ga là axit photphoric sẽ làm thay đổi tỷ lệ canxi và phốt pho trong cơ thể con người. Nếu để trẻ uốngmột lượng lớn đồ uống có ga giàu axit photphoric , nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi, không có lợi cho sự phát triển xương của trẻ. Axit photphoric trong đồ uống có ga cũng sẽ cản trở quá trình hấp thụ sắt.
5. Rượu bia
Khi người thân và bạn bè tụ tập ngày lễ Tết thì không thể không uống rượu. Tuy nhiên một số người lớn thường thích trêu đùa trẻ nhỏ bằng cách cho chúng nhấp thử một ít rượu hoặc bia. Điều này rất nguy hiểm nhưng không phải ai cũng nhận thức được.
Bác sĩ Yu Wen giải thích rằng thành phần chính của rượu là ethanol, chất này được gan chuyển hóa thành acetaldehyde sau khi vào cơ thể người, sau đó chuyển hóa thành axit acetic để đào thải ra ngoài cơ thể. Một số người lớn có thể uống tốt vì các enzyme trong cơ thể phân hủy rượu đang hoạt động.
Ở trẻ em gan còn non nớt nên khả năng giải độc của gan tương đối kém, nếu uống rượu bia có thể làm tổn thương gan. Trường hợp nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Nếu trẻ uống quá nhiều rượu, chất cồn sẽ ức chế chức năng của tế bào thần kinh, khiến tế bào thần kinh bị chết, dẫn đến phù nề tế bào não.
Cha mẹ nên bảo vệ con cái, đừng để con cái uống rượu chỉ để giải trí. Tốt hơn hết là đừng uống rượu cho đến khi đứa trẻ trưởng thành.