Luôn tự đắc mình giỏi giang, người phụ nữ ở Hà Nội đã làm những điều không tưởng. Do không thể khuyên ngăn được vợ nên người chồng đã ra tòa ly hôn.
Trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện E đã gặp rất nhiều trường hợp bị rối loạn hưng cảm, điều đáng nói đa số những bệnh nhân đều giỏi ở một lĩnh vực nhất định.
Điển hình như trường hợp chị N.M.H. (54 tuổi, ở Hà Nội) là một nhà khoa học có tài, bị mắc rối loạn hưng cảm tự cao. Từ khi còn trẻ, chị H. đã có tính cách bộc trực, quyết đoán, cảm xúc thay đổi thất thường, hay cáu gắt. Bác sĩ Chung cho biết thời điểm đến bệnh viện khám, chị H. đã có những triệu chứng hưng phấn rất nặng.
Chia sẻ với bác sĩ, người nhà chị H. cho biết, từ khi lập gia đình và sinh con, chị đã có những đợt hưng phấn khoảng 2 tuần đến 1 tháng với mức độ nhẹ. Chị còn viết văn, thơ rất hay và luôn nghĩ mình là một người phụ nữ tài giỏi, làm được mọi thứ trong gia đình.
Người phụ nữ bị rối loạn hưng cảm tự cao luôn cho mình là người tài giỏi nhất. Ảnh minh họa.
Do nghĩ bản thân là người làm bất động sản giỏi nên chị H. đã bán hết nhà cửa, vay mượn tiền để lập công ty và đầu tư vào bất động sản. Trong lúc nợ nần chồng chất, nữ bệnh nhân này vẫn bỏ số tiền lớn đi làm từ thiện.
Dù được chồng và người thân khuyên ngăn nhưng chị H. không nghe, vẫn nghĩ mình giỏi giang hơn người và sẽ làm được mọi việc. Kết quả, chị H. và chồng đã ra tòa ly hôn, nhiều người thân trong gia đình cũng từ mặt chị.
Sau đó, chị H. đã vào viện khám và được điều trị bệnh lý nội khoa. Bác sĩ Nguyễn Viết Chung tham gia hội chẩn ca bệnh này. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn hưng cảm tự cao và được điều trị nội trú. Sau quá trình điều trị, hiện chị H đã ổn định sức khỏe tâm lý, quay lại cuộc sống bình thường.
Trường hợp tương tực khác là một nam thanh niên còn rất trẻ, mới 20 tuổi. Trước khi nhập viện, bệnh nhân theo học ở một trường chuyên có tiếng tại Nam Định và học rất giỏi. Học xong THPT, bệnh nhân thi đỗ ngành bác sĩ đa khoa của một trường đại học y nổi tiếng và luôn đạt điểm số xuất sắc trong quá trình học tập.
Vào cuối năm nhất đại học, bệnh nhân gặp stress và bị rối loạn hưng cảm. Anh không còn quan tâm đến chuyện học hành mà chỉ tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng xã hội nên đã được người thân cưỡng chế đưa vào viện điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, được ra viện và duy trì uống thuốc.
Những người bị hưng cảm cần phải sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Chung, hội chứng hưng cảm có 3 đặc điểm: Hưng phấn trong suy nghĩ (nhiều ý tưởng trong đầu, chuyển chủ đề nhanh và luôn nghĩ mình tài giỏi); Hưng phấn trong cảm xúc (lúc nào cũng vui vẻ, khi bị chống đối thì cáu gắt, bực bội và sẵn sàng tấn công người khác); Hưng phấn trong hành vi (đi lại thường xuyên, làm nhiều việc, không thể ngồi yên một chỗ…).
Nguyên nhân hưng cảm có thể do tổn thương não hoặc bệnh nội sinh liên quan tới yếu tố gen và di truyền. Ở giới trẻ ngày nay, bệnh có thể khởi phát do sử dụng các chất tác động tâm thần như cần sa, ma túy đá, bóng cười hoặc sau giai đoạn stress tâm lý.
Bác sĩ Chung khuyến cáo, để nhận biết sớm và điều trị hiệu quả chứng hưng cảm, cần lưu ý các dấu hiệu như:
- Người đó trở lên thay đổi khác thường: nói liên tục, đi lại nhiều, có vô số ý tưởng, hoài bão, tính rộng rãi thích làm từ thiện… Trước đó, bệnh nhân không như vậy.
- Người bệnh có thể bị rối loạn giấc ngủ.
- Bệnh thường khởi phát ở nhóm tuổi trẻ, từ 15-30 tuổi, nên các bậc phụ huynh, người thân cần chú ý để phát hiện sớm.