Theo bác sĩ Châu, những phụ nữ sinh ít/không sinh con dễ có ít nội tiết tác động lên biểu mô vú hơn người sinh nhiều con. Do đó, các yếu tố bảo vệ an toàn cho tuyến vú ít hơn khiến nguy cơ cao mắc ung thư vú cao hơn.
Phụ nữ sinh ít/không sinh con có nguy cơ cao mắc ung thư vú?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư vú là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc đứng hàng thứ nhất trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên thế giới và tại Việt Nam. Theo thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng 2 triệu người mắc ung thư vú mới và khoảng 600.000 người tử vong vì bệnh này.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 183.000 trường hợp mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới, với gần 22.000 trường hợp mắc mới và hơn 9.000 ca tử vong.
Theo bác sĩ Châu, phụ nữ trên 40 tuổi nên đi tầm soát ung thư vú. Ảnh: Diệu Thuần.
Tại buổi ra mắt khoa Giải phẫu bệnh - Tế bào, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), Ths.BS Huỳnh Giang Châu, trưởng khoa cho biết, người mắc ung thư vú đang ngày một tăng. Nếu như trước đây, phụ nữ mắc bệnh này thường từ 40 tuổi trở lên thì hiện nay tuổi người bệnh đang dần trẻ hóa, có những cô gái 20 tuổi, hay bé gái chỉ mới 15-16 tuổi cũng phát hiện bệnh.
Dù ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, nhưng cho đến nay ngành y vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác. Vì vậy, các bác sĩ đánh giá nguyên nhân dẫn đến ung thư vú có sự phối hợp của nhiều yếu tố như di truyền, trên 40 tuổi, ăn uống và cách sống, thói quen sinh hoạt và đột biến gen…
Nhiều năm làm trong ngành giải phẫu bệnh tế bào, bác sĩ Châu nhận thấy phần lớn chị em mắc ung thư vú ở tuổi mãn kinh và những phụ nữ không sinh con hoặc sinh ít con. Các bác sĩ tại Bệnh viện K (Hà Nội) cũng cho biết phụ nữ không sinh con có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người sinh con.
Bác sĩ Châu giải thích ung thư vú ảnh hưởng bởi nội tiết tố tác động lên tuyến vú. Với những người phụ nữ nhiều lần mang thai, sinh con, cho con bú thì thời gian nội tiết tác động lên biểu mô vú nhiều hơn, nên có nhiều yếu tố tốt bảo vệ khỏi nguy cơ mắc ung thư vú. Còn với những chị em không sinh con hoặc sinh ít con, thời gian nội tiết tác động lên biểu mô vú ít hơn, do đó có các yếu tố bảo vệ an toàn cho tuyến vú ít hơn, từ đó có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho một bệnh nhân bị ung thư vú. Ảnh: Bệnh viện K.
Bác sĩ Châu kể về trường hợp sinh ít con và hơn 40 tuổi là bác sĩ Đinh Kim Nguyệt (54 tuổi), đang làm việc tại một bệnh viện ở TP.HCM đến Bệnh viện Hùng Vương khám sức khỏe định kỳ thì phát hiện căn bệnh ung thư vú giai đoạn muộn. Khi nghe thông báo kết quả mình mắc căn bệnh ác tính, bác sĩ Nguyệt rất sốc. Bởi trước đó, bác sĩ Nguyệt chăm sóc sức khỏe tốt lại không có dấu hiệu nào của bệnh nên không nghĩ mình mắc ung thư.
Từng tiếp xúc với nhiều chị em khi phát hiện bị ung thư vú có tâm trạng giống bác sĩ Nguyệt, bác sĩ Châu rất hiểu. “Tôi chỉ biết động viên, khích lệ tinh thần chị ấy”, bác sĩ Châu nhớ lại.
Bác sĩ Châu cho biết, hiện chị Nguyệt vẫn còn điều trị bệnh. “Tôi vẫn liên lạc để hỏi thăm sức khỏe và tình hình điều trị bệnh của bác sĩ Nguyệt. Vừa rồi, tôi cũng có gọi để chúc mừng sinh nhật chị ấy và thấy chị cũng vui hơn rồi”, bác sĩ Châu kể.
Phụ nữ trên 40 tuổi, có bất thường ở vú hãy đi tầm soát ung thư càng sớm càng tốt
Theo bác sĩ Châu, phụ nữ trên 40 tuổi hoặc có các bất thường ở ngực nên đi tầm soát ung thư vú thường xuyên để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Châu, ung thư vú là gánh nặng với phụ nữ, gây ra nhiều hậu quả khó lường. Việc chẩn đoán sớm, chính xác sẽ giúp việc điều trị hiệu quả để người bệnh có thời gian sống lâu hơn. Tuy nhiên, ung thư vú cũng phải có thời gian tích lũy, tức là chịu tác động của nhiều yếu tố, đến một thời gian nhất định mới có thể phát hiện. Chính vì điều này, nhiều chị em khi biết mắc bệnh thì đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tỉ lệ sống ít hơn.
Bác sĩ Châu khuyên các chị em trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú ít nhất 6 tháng một lần để được phát hiện bệnh sớm giúp cho việc điều trị bệnh dễ hơn. Hiện nay, có nhiều phụ nữ phát hiện u vú lành tính, u tuyến vú hoặc u sợi tuyến vú khi đi khám bệnh cũng cần được theo dõi định kỳ, tốt nhất không nên ngưng điều trị. Bởi nếu ngưng điều trị sẽ có nguy cơ rất cao bệnh chuyển thành ung thư gây khó khăn hơn.
Chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau xanh cũng là một cách giúp các chị em phụ nữ ngừa ung thư vú. Ảnh minh họa.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, các bác sĩ ở Bệnh viện K khuyên các chị em cần làm tốt các điều sau:
- Ăn nhiều rau củ quả xanh, nhất là các loại rau có thể ngừa ung thư như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn…
- Giảm ăn một số thực phẩm chứa nhiều chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… vì các thực phẩm này chứa nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Hạn chế đồ uống có cồn.
- Thường xuyên kiểm tra ngực để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà.
- Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.
* Tên nữ bác sĩ đã thay đổi.