Một nữ Tiktoker kiêm HLV yoga và là bạn tập thân thiết của Hồ Ngọc Hà đã có chia sẻ gây tranh cãi khi cho rằng ăn cơm gạo trắng không tốt.
Mới đây, trên mạng xã hội đang bùng nổ tranh cãi khi một hot tiktoker kiêm HLV yoga đã đăng tải một đoạn clip nói ăn cơm trắng không tốt, ăn những thực phẩm màu đậm mới tốt cho sức khỏe.
Cụ thể, nữ Tiktoker này nói: "Ăn cơm có gì đâu mà ngon. Ăn cơm trắng trắng toàn chuyển hóa thành đường. Thực phẩm màu đậm mới tốt, giúp tiêu hóa chậm hơn. Còn những thực phẩm không có màu như màu trắng, cơm gạo. Ăn cơm trắng thực sự không tốt vì nó hấp thụ rất là nhanh, dễ mập và chuyển hóa những chất đó thành đường. Vậy nên ăn cơm không có tốt đâu".
Nữ Tiktoker với phát ngôn gây tranh cãi "ăn cơm không có tốt đâu". (Ảnh cắt từ clip)
Nữ Tiktoker này được biết đến với tên gọi Jessica Diễm, sở hữu kênh với gần 400.000 lượt người đăng ký. Cô người thường xuyên đăng tải những bài viết chia sẻ về kiến thức ăn uống, giữ dáng trên nền tảng Tiktok.
Hiện tại, đoạn clip của cô gái đang khiến dân mạng nảy sinh tranh cãi vì cho rằng những lời nói này không đúng bởi ngoài Việt Nam, có nhiều quốc gia khác cũng ăn cơm gạo trắng như Nhật - một quốc gia nổi tiếng về tuổi thọ cao.
Nữ Tiktoker này được biết đến với tên gọi Jessica Diễm có phát ngôn gây tranh cãi về cơm trắng.
Ăn cơm gạo trắng có lợi hại ra sao?
Theo như chia sẻ của nữ Tiktoker trên thì ăn cơm gạo trắng có 2 vấn đề, đó là không tốt và gây tăng cân. Trước tiên về vấn đề có lợi hay hại cho sức khỏe thì gạo trắng có ưu và nhược điểm gì
Ưu điểm
1. Cơm trắng một nguồn năng lượng nhanh chóng
Bởi vì gạo trắng thiếu cám và mầm cũng như hàm lượng chất xơ và chất béo đi kèm với chúng nên nó là một loại carbohydrate đơn giản hơn, có nghĩa là cơ thể bạn có thời gian phân hủy dễ dàng hơn, cho phép hấp thụ nhanh các chất dinh dưỡng, cụ thể là carbohydrate. Điều này làm cho gạo trắng trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho những người cần một nguồn năng lượng nhanh chóng, như vận động viên hoặc bất kỳ ai tham gia vào hoạt động hoặc tập luyện lâu.
2. Cơm trắng dễ tiêu hóa
Những người bị một số tình trạng tiêu hóa có thể gặp khó khăn hơn trong việc tiêu hóa hàm lượng chất xơ, protein và chất béo phức tạp của carbs. Nhưng cơm trắng dễ tiêu, lại là một lựa chọn tuyệt vời để giảm chứng đầy hơi và kích ứng gây khó chịu.
3. Cơm trắng giúp xương chắc khỏe hơn
Hóa ra tiêu thụ gạo trắng có thể mang lại một tác động lớn tới xương. Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lauren Manaker chia sẻ với trang Eat this, Not that rằng: “Chúng ta đều biết canxi và vitamin D là những chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của xương. Nhưng một chất dinh dưỡng cũng rất cần khác là mangan và nó có nhiều trong gạo trắng".
4. Cơm trắng cung cấp tinh bột kháng
Nấu chín và làm nguội tinh bột, bao gồm cả gạo trắng, đã được chứng minh là làm tăng sự hình thành của tinh bột kháng. Tinh bột kháng là một loại carbohydrate độc đáo được chứng minh là có khả năng đốt cháy chất béo trong cơ thể một cách tự nhiên.
Một nghiên cứu từ năm 2015 trên tạp chí Asia Pacific Journal of Clinical Nutrition đã phân tích hàm lượng tinh bột kháng của gạo trắng mới nấu, cơm trắng để nguội trong 10 giờ và cơm trắng để nguội trong 24 giờ sau đó hâm nóng.
Kết quả cho thấy nấu cơm làm tăng hàm lượng tinh bột kháng. Việc tiêu thụ cả hai loại cơm nguội dẫn đến phản ứng đường huyết sau bữa ăn thấp hơn đáng kể so với cơm mới nấu. Vì vậy, nếu có thể, hãy để cơm trắng nguội đến nhiệt độ phòng trước khi ăn hoặc cho vào tủ lạnh để dùng sau.
Nấu chín gạo trắng đã được chứng minh là làm tăng sự hình thành của tinh bột kháng
Nhược điểm
1. Cơm trắng liên quan tới bệnh tiểu đường tuýp 2
Chỉ số đường huyết (GI) là thước đo tốc độ cơ thể chuyển hóa carbs thành đường để có thể hấp thụ vào máu. Gạo trắng có GI là 64, trong khi gạo lứt có GI là 55. Kết quả là, carbs trong gạo trắng được chuyển hóa thành đường trong máu nhanh hơn so với trong gạo lứt. Đây có thể là một lý do tại sao gạo trắng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn.
Trong một cuộc tổng kết các nghiên cứu trên 350.000 người, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người ăn nhiều gạo trắng nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người ăn ít nhất.
Tương tự, một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy lượng gạo trắng ăn vào cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn, trong khi lượng gạo lứt ăn nhiều hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại đưa ra kết luận khác nhau về tác động của gạo trắng đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ví dụ, một nghiên cứu từ năm 2015 được công bố trên tạp chí Annals Nutrition and Metabolism dựa trên dân số ở Trung Quốc và cho thấy rằng chế độ ăn uống với lượng gạo trắng cao dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn.
2. Bạn có thể dễ mắc hội chứng chuyển hóa hơn
Chuyên gia dinh dưỡng Manaker nói: “Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ gạo trắng và nguy cơ hội chứng chuyển hóa".
Theo Mayo Clinic, hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng xảy ra cùng nhau, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường tuýp 2. Các tình trạng bao gồm lượng đường trong máu cao, mỡ thừa quanh eo, huyết áp tăng và mức cholesterol hoặc chất béo trung tính bất thường.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Heart Asia cho rằng những người tiêu thụ nhiều gạo trắng nhất có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 30%.
Những người tiêu thụ nhiều gạo trắng nhất có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 30%.
3. Gạo lứt có thể chứa asen (thạch tín) nhiều hơn gạo trắng
Cây lúa tích tụ nhiều thạch tín hơn hầu hết các loại cây lương thực khác. Do đó nếu đất hay nguồn nước nơi trồng lúa bị nhiễm asen thì khả năng cao cây lúa cũng sẽ bị nhiễm.
Hấp thụ nhiều thạch tín có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim và tiểu đường tuýp 2 và gây ảnh hưởng đến dây thần kinh cũng như chức năng não.
Ngoài ra, asen có xu hướng tích tụ trong phần cám gạo. Vì vậy, gạo lứt có chứa lượng asen cao hơn so với gạo trắng vì vẫn còn phần vỏ cám.
Ăn gạo trắng có gây tăng cân?
Gạo trắng được phân loại là ngũ cốc tinh chế vì nó đã được loại bỏ cám và mầm. Dù nhiều nghiên cứu đã kết nối chế độ ăn nhiều ngũ cốc tinh chế với bệnh béo phì và tăng cân nhưng khi nói đến gạo trắng thì chưa có sự nhất quán giữa các nghiên cứu.
Ví dụ, một số nghiên cứu đã liên kết chế độ ăn nhiều ngũ cốc tinh chế như gạo trắng làm tăng cân, béo bụng và béo phì, trong khi các nghiên cứu khác không tìm thấy mối tương quan nào.
Thêm vào đó, chế độ ăn tập trung vào gạo trắng đã được chứng minh là có tác dụng giảm cân, đặc biệt là ở các quốc gia sử dụng gạo trắng là thực phẩm hàng ngày. Nói tóm lại, gạo trắng dường như không gây bất lợi cũng như không có lợi cho việc giảm cân.
Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt thường xuyên được chứng minh là giúp giảm cân và giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Do đó, gạo lứt là sự lựa chọn thuận lợi để giảm cân, vì nó giàu dinh dưỡng hơn, chứa nhiều chất xơ hơn và cung cấp một lượng chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật lành mạnh.
Ăn gạo trắng gây tăng cân hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Có nên ăn gạo trắng hay không?
Hơn một nửa dân số thế giới dựa vào gạo như một loại lương thực chính. Năm 2018, 485 triệu tấn gạo được sản xuất trên toàn cầu. Gạo trắng phổ biến hơn nhiều so với gạo lứt vì nó có thời hạn sử dụng lâu hơn và vận chuyển dễ dàng hơn. Mặc dù gạo trắng thực sự có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn so với gạo lứt nhưng không thể phủ nhận nó cũng có những lợi ích nhất định.
Hơn nữa, nhiều người không chỉ ăn mỗi cơm gạo trắng mà còn kết hợp với các thực phẩm giàu protein và chất xơ khác nên bữa ăn sẽ trở nên cân bằng hơn.
Nếu bạn chọn gạo trắng thay vì ngũ cốc nguyên hạt, hãy cân nhắc để nguội bớt trước khi ăn để giảm tác động của nó đối với lượng đường trong máu. Và kết hợp gạo trắng với các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.