Một thay đổi nhỏ khi ăn cơm giúp bảo vệ dạ dày, tránh bệnh tiêu hóa, tiếc là ai nấy đều bỏ qua

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/06/2022 14:20 PM (GMT+7)

Khi ăn cơm nếu không tập trung, chú ý sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa. Vậy khi ăn nếu chăm chú vào món ăn và nhai lâu thì liệu có tốt cho sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng?

Trong vấn đề ăn uống hiện nay, có những thói quen rất đơn giản nhưng lại giúp ích lớn cho hệ tiêu hóa của cả người lớn và trẻ nhỏ: Nhai kỹ nhiều lần trước khi nuốt. Dù là thói quen tốt nhưng thực tế, không ít người bị ghét nếu ăn lâu, nhất là trẻ nhỏ, vì thế ai cũng muốn ăn thật nhanh cho xong bữa.

Ths.BS Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, chính việc nhai kỹ thức ăn là biện pháp đầu tiên để bảo hệ hiệu tiêu hóa. BS Nam cũng chỉ rõ, việc nhai kỹ khi ăn khác với việc kéo dài bữa ăn. Theo đó, khi dùng bữa nếu vừa ăn vừa nhậu nhẹt, tám chuyện hay vừa ăn vừa làm việc, xem Tivi, điện thoại mà kéo dài bữa ăn thì không hề tốt cho sức khỏe nói chung, hệ tiêu hóa nói riêng.

Việc nhai kỹ khi ăn là thói quen mọi người nên thực hiện để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)

Việc nhai kỹ khi ăn là thói quen mọi người nên thực hiện để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)

Theo BS Nam, nhai kỹ khi ăn sẽ kích thích tiêu hóa vì khi đó một lượng lớn nước bọt được tiết ra, giúp dạ dày hoạt động trơn tru hơn. Không chỉ vậy, lượng enzim được tiết ra nhiều cùng nước bọt sẽ giúp quá trình tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn. Bởi các enzim tiêu hóa thức ăn chỉ có ở nước bọt mà không có ở dạ dày. Đó chính là lý do khi nhai kỹ thức ăn sẽ ít mắc bệnh về tiêu hóa hơn so với người ăn nhanh nuốt vội. Lý do là khi thức ăn không được nghiền nát thì dạ dày phải làm việc vất vả gấp nhiều lần.

Về khoa học là vậy, nhưng nhìn từ thực tế, bác sĩ Nam cũng thừa nhận, trong xã hội hiện đại, việc ăn uống tập trung để nhai kỹ là điều không dễ. Bởi cuộc sống bận rộn, ai cũng cần có công việc để giải quyết, nên ngoài sống gấp thì ăn cũng phải nhanh.

Thế nhưng, những ai đã tạo được thành thói quen nhai kỹ khi ăn thì lại thấy có rất nhiều lợi ích và sẽ tiếp tục thực hiện. “Tôi là người khi ăn cơm rất tập trung, nhai rất kỹ và cũng hướng dẫn con mình thực hiện điều này. Khi ăn phải nhai ít nhất 30 lần, còn bình thường phải nhai lâu hơn đến 50 lần.

Thời gian mới tập thói quen này, nhiều người sẽ cảm thấy chán vì thức ăn thành bã. Không ít người sớm bỏ cuộc vì không thể kiên trì ngồi nhai trong khi có quá nhiều thứ dễ gây phân tán xung quanh. Nhưng với người luyện thành công, họ sẽ nhận được những lợi ít to lớn, trong đó dễ thấy nhất là sau khi ăn no bụng vẫn nhẹ, không có cảm giác nặng nề; phòng được nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe đường tiêu hóa”, bác sĩ Nam cho hay.

Việc ăn nhanh, nuốt vội sớm muộn cũng sẽ gây ảnh hưởng đến dạ dày. (Ảnh minh họa)

Việc ăn nhanh, nuốt vội sớm muộn cũng sẽ gây ảnh hưởng đến dạ dày. (Ảnh minh họa)

Dưới góc độ dinh dưỡng, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, nguyên Trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc ăn không nhai kỹ là thói quen xấu nhiều người gặp phải. Việc này sẽ khiến bộ phận tiêu hóa không nhận thức được cơn đói tự nhiên cũng như các dấu hiệu báo no, từ đó làm tăng nguy cơ ăn quá nhiều, dẫn đến béo phì. Ngoài ra, những người ăn nhanh sẽ ăn nhiều hơn. Khi ăn nhanh, cơ thể sẽ ngừng tiết hormone có nhiệm vụ thông báo lên não rằng dạ dày đã đầy.

Theo PGS Nguyễn Xuân Ninh, về cách nhai khi ăn, không có nguyên tắc nào áp dụng chung cho mọi thực phẩm. Với những thức ăn thông thường như cơm, bánh mì... tốt nhất nên nhai khoảng 32 lần trước khi nuốt. Thịt nên nhai kỹ hơn, còn với các thực phẩm mềm như cháo, súp thì có thể nhai ít lại. "Tóm lại, quá trình nhai tốt nhất là khi cảm giác được thức ăn trong miệng đã nhuyễn, điều này cho biết thực phẩm đã được nhai kỹ", chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ.

Chuyên gia lý giải việc đứng, ngồi bàn hay trải chiếu xuống sàn khi ăn cơm mới là tốt nhất
Thói quen ăn uống của mỗi cá nhân, gia đình phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ văn hóa đến sở thích, điều kiện kinh tế hoặc thậm chí là tình trạng sức...

Sống khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh dạ dày