TPO - Nước dừa là thức uống được đặc biệt ưa chuộng trong mùa hè vì có vị ngọt dịu nhẹ, công dụng giải nhiệt nhanh. Tuy nhiên, theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Hà (Viện dinh dưỡng), không phải ai cũng có thể uống nước dừa thoải mái, không cẩn thận nó còn trở thành độc dược với một số người.
Theo chia sẻ của bác sĩ Hà, nước dừa có khả năng giải nhiệt và cung cấp năng lượng cho cơ thể trong thời tiết nóng bức. Thức uống này chứa hàm lượng cao các chất điện giải thiết yếu như kali, magiê, canxi,... đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng, điều hòa huyết áp và tăng cường chức năng cơ bắp.
Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời, nước dừa cũng tiềm ẩn một số tác hại nếu không được sử dụng đúng cách và phù hợp.
Ngoài ra, nước dừa còn cung cấp vitamin C, B6, folate và các khoáng chất vi lượng như mangan, kẽm,... góp phần tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Chưa kể nước dừa còn có tính lợi tiểu tự nhiên, giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể hiệu quả. Nhờ hàm lượng kali cao, nước dừa có khả năng hỗ trợ chức năng thận, giảm nguy cơ sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nước dừa cũng được biết đến như là một thứ thức uống giảm cân vì chứa ít calo và chất béo, đồng thời tạo cảm giác no lâu, giúp bạn kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Việc chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu chính là một điểm mạnh của nước dừa giúp dưỡng da từ sâu bên trong. Đây cũng là nguyên nhân mà chị em phụ nữ thường khuyên nhau uống nước dừa để giúp da sáng mịn, tăng độ đàn hồi và giảm nguy cơ lão hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tuyệt vời, theo khuyến cáo của bác sĩ Hà, nước dừa cũng tiềm ẩn một số tác hại nếu không được sử dụng đúng cách và phù hợp.
Nước dừa cũng được biết đến như là một thứ thức uống giảm cân vì chứa ít calo và chất béo.
Thứ nhất, uống nước dừa quá nhiều có thể gây rối loạn đường tiêu hóa và đường huyết. Vì vậy, một người không nên uống quá 2 ly nước dừa (250ml) trong ngày. Ngoài ra, mọi người cũng nên uống nước dừa trong vỏ dừa để đảm bảo vệ sinh và tránh bị nhiễm khuẩn.
Thứ hai, nước dừa có thể gây rối loạn điện giải vì chứa hàm lượng kali cao. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều nước dừa, lượng kali dư thừa có thể gây ra tình trạng tăng kali máu, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tim đập nhanh, thậm chí là rối loạn nhịp tim.
Thứ ba, uống nhiều nước dừa sẽ ảnh hưởng đến huyết áp vì loại đồ uống này có khả năng hạ huyết áp hiệu quả. Đối với những người mắc chứng huyết áp thấp, việc uống quá nhiều nước dừa có thể khiến huyết áp giảm đột ngột, gây ra tình trạng chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu.
Bên cạnh đó, vì nước dừa chứa một lượng nhỏ oxalate, một chất có thể góp phần hình thành sỏi thận, do đó, những người có nguy cơ cao bị sỏi thận nên hạn chế uống nước dừa. Trường hợp uống nước dừa cùng với các món khác hoặc là thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bởi nước dừa có thể tương tác với một số loại thuốc, làm giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Bác sĩ khuyên không nên uống nước dừa với thuốc.
Những người có tiền sử dị ứng với dừa hoặc chất béo cũng cần hạn chế hoặc tránh uống nước dừa.
Ở một mức độ cao hơn, bác sĩ Hà nhấn mạnh, nước dừa gần như được khuyên chống chỉ định cho một số trường hợp có vấn đề sức khỏe bao gồm:
Người bị tiểu đường: Nước dừa có hàm lượng đường tự nhiên cao. Do vậy, người bị tiểu đường nên hạn chế uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ.
Người bị các bệnh lý thận: Nước dừa có hàm lượng kali cao, do đó, những bệnh nhân có bệnh lý thận, tăng kali máu nên hạn chế uống nước dừa hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Người bị dị ứng với dừa hoặc chất béo: Nhóm này nên tránh uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ.
Người bị rối loạn tiêu hóa: Nước dừa có khả năng kích thích tiêu hóa, vì vậy, nếu bị rối loạn tiêu hóa, bạn nên hạn chế uống nước dừa.
Người bị tăng triglycerides (một dạng mỡ máu): Nước dừa có hàm lượng chất béo và triglycerides cao, do đó, nếu bị tăng triglycerides máu, bạn nên hạn chế uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ.
Trẻ em dưới 6 tháng tuổi: Nước dừa không thể thay thế được sữa mẹ hoặc thức ăn đặc biệt cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Đừng bao giờ nên thay thế nước lọc bằng nước dừa, ngay cả với những người khỏe mạnh.
Để dùng nước dừa an toàn và phát huy hết hiệu quả của nó, bác sĩ Hà khuyến cáo: mọi người nên uống nước dừa với lượng vừa phải, tối đa 2-3 quả mỗi ngày; lắng nghe cơ thể và điều chỉnh lượng nước dừa phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bản thân; không nên thay thế hoàn toàn nước lọc bằng nước dừa; nên chọn mua nước dừa tươi nguyên chất, không qua chế biến để đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng.