Sống tới 117 tuổi nhưng không có con, ông Dương Minh Viễn ở Trung Quốc chẳng có bí quyết gì phức tạp, chỉ đơn giản là sống lạc quan.
Với sự phát triển của xã hội và sự tiến bộ của nhân loại, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng lên rất nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn, muốn kéo dài thời gian sống lâu hơn nữa nên tìm đủ bí quyết để trường sinh bất lão thông qua thực phẩm bồi bổ sức khỏe đắt tiền, các phương pháp trị liệu, phẫu thuật,...
Nhưng thực tế những người sống trường thọ lại thường chẳng cần đến những biện pháp tốn kém như vậy, họ sống rất giản dị, thờ ơ với những ý kiến bên ngoài cũng như vấn đề danh lợi và tài sản, đồng thời tâm lý của họ rất bình tĩnh.
Ông Dương Minh Viễn sinh vào năm 1897, mất năm 2014, thọ 117 tuổi.
Ông Dương Minh Viễn ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) chính là một người như vậy. Ông sinh vào năm 1897, đã sống tới 117 tuổi, từng chứng kiến nhiều sự thay đổi và phát triển của Trung Quốc. Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó lại đông con, ông Minh Viễn từ nhỏ đã bị bố mẹ gửi vào chùa để lao động.
Khi 26 tuổi, ông theo cha đi làm khuân vác ở bến tàu rất vất vả. Dù vậy, ông không bao giờ cảm thấy buồn bã hay chán nản cho số phận của mình mà luôn đối mặt với một thái độ tích cực.
Vì luôn lạc quan và có thái độ tốt nên ông quen biết rộng rãi, sau được bạn bè giới thiệu cho một cô gái. Sau một thời gian tiếp xúc, tìm hiểu, cả hai đã đến với nhau và sớm lập một gia đình. Đôi vợ chồng trẻ rất chăm chỉ làm việc lại thương yêu nhau nên dù không giàu có nhưng họ vẫn rất hạnh phúc. Đáng tiếc cả hai lại mãi không có con.
Suốt cuộc đời ông có nhiều khó khăn, vất vả lại không con cái nhưng ông luôn có thái độ lạc quan.
Vào thời đại đó, một người phụ nữ không thể sinh con sẽ bị người đời đàm tiếu, chê bai, chồng cũng sẽ cư xử lạnh nhạt, thậm chí còn ly hôn. Tuy nhiên, ông Minh Viễn lại không cư xử như vậy, ông cảm thấy nếu đã kết hôn thì phải có trách nhiệm với nhau, không thể chỉ vì con cái mà bỏ rơi người kia. Do đó, hai vợ chồng ông vẫn tiếp tục sống hòa thuận.
Dù không có con nhưng may mắn thay, ông Minh Viễn lại có những người cháu rất tốt bụng và chân thành, trong đó có một người được ông chăm sóc từ nhỏ, sống gần nhà nên khi lớn lên cũng rất quý người bác này và chăm sóc bác tốt chẳng khác gì cha mẹ mình. Thậm chí khi vợ của ông Minh Viễn qua đời, người cháu đã đón bác về nhà chăm sóc để ông bớt cô đơn.
Tại nhà của cháu trai, ông Minh Viễn đã trải qua một tuổi già yên bình. Khi 107 tuổi, ông không may bị ngã và từ đó nằm liệt giường, được gia đình cháu trai chăm sóc chu đáo đến khi 117 tuổi thì qua đời.
Trước khi chết, ông Minh Viễn đã nói một câu rất cảm động: “Cả đời ta không có con ruột, các cháu chính là con của ta, ta không hề hối hận".
Dù không con nhưng ông được cháu trai chăm sóc tận tình, chu đáo như cha ruột.
Có thể thấy trong suốt cuộc đời, ông Minh Viễn đã trải qua không ít khó khăn, cuộc sống nghèo khó, không được học hành tử tế, sống xa cha mẹ, không con cái nhưng ông chưa bao giờ có suy nghĩ tiêu cực, sống rất ôn hòa với mọi việc và con người, luôn giữ một tấm lòng lạc quan. Có lẽ đây chính là điều quan trọng nhất giúp ông trường thọ.
Trên thực tế, nhiều bệnh tật của con người đều bắt nguồn từ sức khỏe tâm thần, nếu nó có vấn đề mà không được giải quyết thì lâu dần sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
Sức khỏe tâm thần ảnh hưởng tới tuổi thọ như thế nào?
Sức khỏe tâm thần là một khía cạnh quan trọng của sức khỏe tổng thể, ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tuổi thọ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe tâm thần là một tình trạng mà mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và thành công và có thể đóng góp cho cộng đồng.
Sự lạc quan là một trong những thành phần thiết yếu của sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ. Lạc quan là niềm tin rằng mọi việc đều sẽ có kết quả tích cực, tốt đẹp. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người lạc quan tận hưởng mức độ hạnh phúc cao hơn, ngủ ngon hơn, giảm căng thẳng và thậm chí sức khỏe tim mạch và chức năng miễn dịch tốt hơn. Và một số nghiên cứu khác còn liên kết việc lạc quan với một cuộc sống lâu hơn.
Trong đó nói rằng những người lạc quan có nhiều khả năng sống đến tuổi 90 hơn những người bi quan. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “tuổi thọ đặc biệt”, vì tuổi thọ trung bình của phụ nữ ở các nước phát triển là khoảng 83 năm.
Vậy tại sao những người lạc quan lại sống lâu hơn? Một phần là do những người này thường có chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì hoạt động thể chất và ít hút thuốc lá hơn. Những hành vi lành mạnh này có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường và ung thư.
Một lý do khác là cách những người lạc quan quản lý căng thẳng. Khi phải đối mặt với một tình huống áp lực, những người lạc quan có xu hướng đối đầu trực diện với nó và giải quyết nguồn gốc của vấn đề hoặc nhìn nhận tình huống theo cách ít căng thẳng hơn.
Tất cả những phương pháp này có tác dụng làm giảm các phản ứng sinh học xảy ra khi chúng ta cảm thấy căng thẳng, chẳng hạn như giảm hormone cortisol - nguyên nhân gây tăng nhịp tim và huyết áp cũng như suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch. Nói tóm lại, cách những người lạc quan đối phó với căng thẳng có thể giúp bảo vệ họ phần nào trước những tác hại của nó.