Sau khi điều trị viêm, tinh hoàn của người đàn ông dần teo đi và chỉ bé bằng hạt lạc. Khi có bạn gái mới, bệnh nhân tự ti, sợ chê nên quyết đi trùng tu.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc - Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, mới đây các bác sĩ tại khoa vừa tiếp nhận và tư vấn cho một nam bệnh nhân khá đặc biệt, đến khám vì bị teo một bên tinh hoàn.
Nam bệnh nhân ở Hà Nội, năm nay 48 tuổi, từng có gia đình nhưng đã ly hôn. Cách đây khoảng 8 năm, bệnh nhân bị viêm tinh hoàn và đã được điều trị. Sau khi điều trị viêm xong, tinh hoàn bệnh nhân cũng teo dần và hiện chỉ nhỏ bằng hạt lạc.
Qúy ông có bạn gái kém 23 tuổi lo lắng, tự tin khi một bên tinh hoàn chỉ bé bằng hạt lạc. (Ảnh minh họa)
Dù một bên tinh hoàn teo nhỏ nhưng chưa ảnh hưởng gì đến cuộc sống, sinh hoạt nên bệnh nhân không lo lắng và cũng không đi khám. Cách đây 2 năm, bệnh nhân ly hôn vợ, sau đó quen bạn gái mới và mong muốn sẽ kết hôn.
“Bạn gái tôi mới 25 tuổi, rất xinh xắn và chưa từng lập gia đình. Do bộ phận sinh dục của tôi không hoàn thiện nên tôi rất tự ti, cảm giác sợ người yêu chê mình bị dị dạng sinh học nên lo lắng vô cùng”, bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ.
Chính vì lý do trên, bệnh nhân đã tìm đến bác sĩ nam khoa, có nguyên vọng đặt một tinh hoàn giả để bộ phận sinh dục trở nên hoàn thiện hơn, từ đó tự tin đến với bạn gái mà không lo bị chê bai.
Bác sĩ Hoài Bắc cho biết đặt tinh hoàn giả được chỉ định với các trường hợp sinh ra không có tinh hoàn, đã cắt một hoặc cả hai bên tinh hoàn do bệnh lý hoặc chấn thương hoặc những người bị teo tinh hoàn bệnh lý.
Một số trường hợp chống chỉ định khi đặt tinh hoàn giả đó là đang gặp vấn đề nhiễm trùng đường tiết niệu sinh dục hoặc vùng bẹn bìu chưa được điều trị triệt để. Như vậy, trường hợp bệnh nhân trên đủ điều kiện chỉ định đặt tinh hoàn giả.
Khiếm khuyết bộ phận sinh dục ảnh hưởng tâm lý của nam giới rất nhiều. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Bắc, tinh hoàn giả là một bộ phận giả hình trứng được đặt vào khoang bìu, để thay thế cơ học cho tinh hoàn không có trước đó. Có rất nhiều vật liệu có thể được sử dụng để chế tạo tinh hoàn giả, nhưng hiện nay đa phần tinh hoàn giả được làm bằng silicon hoặc túi nước muối (do tạo được cảm giác tự nhiên hơn).
Quá trình thăm khám, bác sĩ Bắc đã nhận được nhiều câu hỏi về việc đặt tinh hoàn giả để làm gì? Bởi tinh hoàn giả không có chức năng như tinh hoàn bình thường.
Vị chuyên gia này lý giải, tinh hoàn giả giúp cải thiện thẩm mỹ, từ đó giúp bệnh nhân trở nên tự tin, xoa dịu tâm lý lo lắng, sợ hãi về tình trạng khiếm khuyết cơ thể của mình.
Do tinh hoàn giả không thay thế được chức năng sinh học của tinh hoàn, vì vậy khi lắp tinh hoàn giả cần phải tầm soát chức năng sản xuất testosterone và sản xuất tinh dịch của bệnh nhân để có kế hoạch theo dõi và điều trị cho phù hợp.
“Khiếm khuyết cơ thể của bản thân có thể làm cho người ta trở nên mặc cảm, đặc biệt là khiếm khuyết về cơ quan sinh dục - vốn là biểu trưng của người đàn ông. Do vậy, giải quyết được 1cm kích thước bộ phận sinh dục có thể giải tỏa được cả km lo lắng trong đầu của người bệnh”, bác sĩ Bắc lý giải.