Rau ngải cứu quen thuộc với người Việt nhưng mọi người vẫn chưa hiểu hết những tác dụng và cách sử dụng ngải cứu hiệu quả nhất.
Ngải cứu (diệp) có tên khoa học là Artemisia vulgaris L. Họ Cúc (Asteraceae). Ngải cứu có nguồn gốc từ Bắc Âu và châu Á, nó cũng có thể được tìm thấy ở nhiều vùng của Bắc Mỹ. Bộ phận được dùng chủ yếu của cây ngải cứu là phần lá. Ngải cứu cũng có thể được chiết thành tinh dầu để sử dụng.
Theo Đông y, ngải cứu vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau. Nếu phơi khô, vò nát thành ngải nhung, được dùng trong “cứu pháp” của châm cứu.
Tác dụng của ngải cứu
Những nghiên cứu về tác dụng của ngải cứu cần nhiều hơn để có thể xác thực chính xác công dụng của nó. (Ảnh minh họa)
Ngải cứu được sử dụng như một phương pháp điều trị cho nhiều tình trạng sức khỏe. Một số ví dụ về những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của ngải cứu.
Giảm viêm khớp
Một đánh giá năm 2017 đã tìm thấy đầy đủ bằng chứng cho thấy ngải cứu có hiệu quả trong việc giảm đau và kiểm soát triệu chứng ở những người bị viêm xương khớp ở đầu gối.
Lợi ích tiêu hóa
Ngải cứu cũng có thể có hiệu quả đối với một số vấn đề về tiêu hóa, bao gồm:
- Chán ăn
- Đau bụng
- Khó tiêu
- Bệnh tiêu chảy
- Táo bón
- Say xe
Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh những công dụng này.
Giảm bớt các triệu chứng kinh nguyệt
Một số người cũng tin rằng ngải cứu có thể giúp thư giãn tử cung, nhờ đó làm chậm chu kỳ kinh nguyệt và giảm bớt chứng chuột rút liên quan đến nó.
Ngải cứu có thể dùng làm thuốc, làm trà uống hay đốt ngải cứu chữa bệnh. (Ảnh minh họa)
Có thể hiệu quả cho người mắc bệnh Crohn
Nghiên cứu ban đầu cho thấy dùng ngải cứu hàng ngày trong 6-10 tuần giúp cải thiện các triệu chứng, chất lượng cuộc sống và tâm trạng ở một số bệnh nhân mắc bệnh Crohn. Nó cũng dường như làm giảm lượng steroid cho những người bị tình trạng này.
Có thể tốt cho người mắc bệnh thận
Nghiên cứu ban đầu cho thấy dùng ngải cứu hàng ngày trong vòng 6 tháng có thể làm giảm huyết áp và nồng độ protein trong nước tiểu ở những người bị bệnh thận IgA.
Tuy nhiên những tác dụng trên cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác thực công dụng của ngải cứu.
Cách sử dụng ngải cứu
Cách sử dụng ngải cứu trong trị bệnh
Chữa kinh nguyệt không đều: Lấy 8g ngải cứu khô, đem sắc với 250ml nước, giữ còn 100ml chia làm 2 lần uống trong ngày, trước khi ăn trưa và tối. Đơn thuốc trên nên uống trước kỳ kinh khoảng 1 tuần.
Chữa đau bụng do lạnh: Chuẩn bị 100g ngải cứu tươi và 100g thịt thăn lợn. Rửa sạch ngải cứu, băm nhỏ thịt xào qua, nêm gia vị, thêm nước đem đun sôi rồi cho rau ngải cứu. Khi nào thấy chín thì bắc ra ăn ngay hoặc dùng làm canh trong bữa cơm. Dùng liên tục trong 2 ngày.
Chữa đau đầu: Tráng trứng ngải cứu ăn 1 lần vào buổi sáng hoặc tối. Ăn khi còn nóng. Dùng liên tục trong 7-10 ngày. Hoặc mỗi tháng ăn trong 10 ngày để giúp máu lưu thông lên não.
Chữa đau lưng do gai cột sống: Đem 250g ngải cứu tươi rửa sạch, đun nóng 150ml dấm gạo. Dùng mảnh vải gói ngải cứu giã nát trộn với dấm đã đun nóng đem xoa dọc xương sống khoảng 15 phút. Khi xoa nên hâm nóng thuốc thường xuyên và làm vào buổi tối trước khi ngủ. Dùng điều trị trong 15 ngày, thực hiện liên tục từ 3 - 5 tháng.
Giúp tăng cường sức khoẻ cho phụ nữ sau sinh: Chuẩn bị 200g ngải cứu tươi, ý dĩ, câu kỷ tử, táo đỏ, hạt sen, tam thất, mỗi cái 10g cùng 1 con gà ri. Gà sau khi làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả nguyên liệu trên vào bụng gà, cho vào nồi thêm nước xâm xấp, nêm nếm gia vị, đun đến khi mềm nhừ. Một tuần ăn 1 lần.
Cách sử dụng ngải cứu trong làm đẹp
Chữa mụn trứng cá: Giã nát ngải cứu tươi xong đem đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rửa sạch mặt. Thực hiện thường xuyên sẽ giúp da trắng hồng, mịn màng.
Dưỡng da mặt: Rửa sạch ngải cứu rồi chần sơ với nước sôi. Sau khi vớt ra đem thái nhỏ, đun sôi với 500ml nước khoảng 20 phút. Lọc bỏ bã, lấy riêng phần nước để nguội. Dùng nước ngải cứu thoa lên mặt vào sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ.
Tẩy da chết: Nấu nước lá ngải cứu, cho vào bồn tắm hoặc chậu to để nằm ngâm mình. Cách này sẽ giúp tẩy tế bào chết, làm mềm da, giúp lưu thông máu, làm giảm đau cơ và các chỗ bị sưng hay viêm.
Một số cách dùng khác
Uống trà ngải cứu: Băm nhỏ một ít lá ngải cứu khô cho vào cốc nước sôi. Đậy kín khoảng 3-5 phút có thể uống, nếu khó uống có thể thêm chút đường. Uống trà ngải cứu giúp lưu thông mạch, trừ rôm sảy, rất tốt cho các bà mẹ đang cho con bú và những người cần được bồi bổ.
Bổ não, sáng mắt: Lấy lá ngải cứu khô cho vào vải, làm thành gối để gối đầu. Phương pháp này được cho là giúp đầu óc nhẹ nhõm, tốt cho những người hay đau đầu, bị căng thẳng do áp lực.
Đốt ngải cứu: Đốt cứu hay đốt ngải cứu là đưa sức nóng tác động vào huyệt. Đây được xem là phương pháp trị liệu và ngăn ngừa bệnh bằng cách dẫn truyền sức nóng vào các huyệt đạo hoặc các vùng nhất định của cơ thể.
Bột ngải cứu làm từ lá ngải cứu khô đem tán nhuyễn, lọc bỏ những phần cọng, xơ, chỉ lấy riêng phần thịt lá. Phần bột ngải cứu này sẽ được sử dụng để tạo thành hình các đốt cứu có hình dạng, kích thước khác nhau như hình trụ dài như điếu xì gà, viên nhỏ để gắn đầu kim, hạt đậu... Có thể dùng mỗi bột ngải cứu hoặc pha trộn thêm các loại bột dược liệu khác như xạ hương, quế...
Tác dụng phụ
Nghiên cứu về ngải cứu đến nay còn ít nên cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu về các tác dụng phụ tiềm ẩn của ngải cứu dưới nhiều hình thức và cách sử dụng.
Ngải cứu có thể gây ra phản ứng dị ứng tương tự như những thứ liên quan đến cỏ phấn hương. Những phản ứng này có thể xảy ra khi tiếp xúc vật lý với cây hoặc khi uống trà làm từ ngải cứu.
Các triệu chứng của dị ứng như vậy có thể bao gồm:
- Hắt xì
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Đau đầu
- Mắt bị kích thích
- Ngứa họng
Ngoài những tác dụng này, ngải cứu còn có thể làm tăng các triệu chứng hen suyễn, chẳng hạn như ho và thở khò khè.
Ngoài ra, ngải cứu có chứa một chất gọi là thujone, có thể gây độc nếu dùng với lượng lớn. Tuy nhiên, vì lượng độc này trong ngải cứu không quá cao nên có thể an toàn khi sử dụng. Nhưng nếu sử dụng ngải cứu dưới dạng tinh dầu thì nên đề phòng nguy cơ này vì trong dạng tinh dầu, nồng độ chất thujone sẽ cao hơn. Dùng ngoài, có thể làm cho niêm mạc da bị nóng rát, đỏ ửng. Dùng uống trong với liều khoảng 3 - 5g có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị, khiến ăn ngon hơn. Nhưng dùng liều cao có thể dẫn tới phản tác dụng hoặc bị, trúng độc.
Trong lịch sử, một số chuyên gia từng nghi ngờ về mối liên hệ giữa ngải cứu và nguy cơ sảy thai nên nhiều người khuyên bà bầu nên hạn chế dùng ngải cứu.
Lưu ý khi dùng
Khi sử dụng lá ngải cứu làm trà để uống chỉ nên sử dụng khoảng 3 - 5g khô (9 - 15g tươi).
Đối với những chị em cần dùng món “trứng gà ngải cứu” để tẩm bổ hoặc để an thai... chỉ nên dùng 3 - 5 ngọn nhỏ (khoảng 9 - 15g tươi), tránh dùng quá liều.
Người bình thường, không có bệnh, không sử dụng nước sắc ngải cứu như một thứ nước uống thường xuyên, giống như nước trà.
Nguồn tham khảo What to know about mugwort - Medical News Today - Xuất bản ngày 19/12/2016 Ngải cứu - Rau ăn, vị thuốc - Sức khỏe đời sống - Xuất bản ngày 14/12/2015 Cứu: Phương pháp điều trị hiệu quả và độc đáo - Sức khỏe đời sống - Xuất bản ngày 9/9/2018 |