Rau quế: Tác dụng với sức khỏe và những lưu ý khi sử dụng

H.M - Ngày 04/06/2021 16:32 PM (GMT+7)

Rau quế hay còn được gọi là rau húng quế là một loại rau gia vị phổ biến ở Việt Nam. Ngoài ứng dụng trong ẩm thực, rau quế còn có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe.

Rau quế hay còn được gọi là húng quế (Ocimum basilicum var. thyrsiflora), là một giống húng tây bản địa của Đông Nam Á. Có nguồn gốc từ Đông Nam Á, rau quế là người anh em họ với húng tây (basil) mà nhiều người đã biết đến và yêu thích ở phương Tây. Rau quế cũng rất dễ trồng trong nhà và có nhiều lợi ích với sức khỏe.

Rau quế khá đa dạng về chủng loại. Xét về hình thái có loại lá to, loại lá nhỏ; lá thân đều màu xanh hoặc lá xanh thân tím; cả lá và thân đều màu tím,... Về mùi hương thì có loại ngả mùi quế, mùi chanh, mùi sả...

Rau quế: Tác dụng với sức khỏe và những lưu ý khi sử dụng - 1

Rau quế là một loại rau gia vị phổ biến ở Việt Nam.

Rau quế ở Việt Nam thuộc loài húng phổ biến vùng Đông Nam Á (nhiều người cho rằng cây có gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ, thường được châu Âu biết đến với tên gọi húng Thái (Thai basil), và ở Việt Nam có các tên còn gọi là rau quế, é quế, húng dổi, húng chó, húng lợn. Húng quế Việt Nam có mùi dịu nhẹ hơn húng quế ở châu Âu, thoảng hương vị quế. Lá và ngọn non húng quế được sử dụng như một loại rau thơm ăn kèm trong các món như lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, bún chả, bún bò Huế, phở (miền Nam).

Tác dụng của rau quế

Bởi vì hạt của rau quế có thể được thêm vào đồ uống, nhiều người đã phát hiện ra rằng uống chúng cũng có thể chữa được nhiều bệnh như sốt, ho khan và cảm lạnh. Thêm nó vào sinh tố hoặc nước trái cây có thể hỗ trợ giảm cân và thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn. 

Rau quế có nhiều chất chống oxy hóa, chống ung thư, chống virus, chống vi khuẩn và chống nấm, đó là lý do tại sao nó đã được sử dụng trong chữa bệnh truyền thống từ nhiều thế kỷ trước.

Ngoài việc ăn rau quế, bạn cũng có thể vò lá và hít hương thơm của nó để giảm bớt căng thẳng. Nếu muốn thực hiện thêm bước này, bạn có thể biến nó thành dầu dưỡng để có thể xoa quanh trán, thái dương và bên dưới. Dưới đây là một số tác dụng điển hình của rau quế.

1. Tác dụng của rau quế trong việc chống oxy hóa

Các gốc tự do là các phân tử không ổn định phát triển do kết quả của quá trình trao đổi chất và các quá trình tự nhiên khác. Chúng cũng có thể hình thành do hút thuốc và một số lựa chọn chế độ ăn uống. Các gốc tự do này nếu tích tụ có thể dẫn tới một tình trạng gọi là stress oxy hóa (tình trạng các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể bị mất cân bằng), làm tổn thương tế bào và có thể gây bệnh. 

Chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp loại bỏ các gốc tự do này khỏi cơ thể. Cơ thể có thể sản xuất một số chất chống oxy hóa, nhưng cũng cần hấp thụ chất này từ ​​chế độ ăn uống. Một số chất chống oxy hóa có trong rau quế là anthocyanins và beta carotene.

2. Rau quế hỗ trợ sức khỏe gan

Một nghiên cứu năm 2015 trên chuột đã kết luận rằng các chất chống oxy hóa trong chế phẩm dạng bột của rau quế có tác động tích cực đến sức khỏe của gan. Các nhà khoa học đã bôi loại bột này lên những con chuột sau khi sử dụng chất độc gây tổn thương gan và nhận thấy sự thay đổi tích cực trong gan của chúng.

3. Rau quế bảo vệ chống lão hóa da

Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2011, rau quế có các đặc tính có thể giúp bảo vệ da khỏi một số tác động của quá trình lão hóa.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã áp dụng chiết xuất rau quế vào các mô hình da trong phòng thí nghiệm. Các kết quả cho thấy rằng chiết xuất rau quế trong các loại kem bôi da có thể cải thiện quá trình dưỡng ẩm cho da, giảm tình trạng da thô ráp và nếp nhăn.

Mặc dù chiết xuất từ ​​rau quế ở liều lượng nhất định có thể có tác dụng này, nhưng việc tiêu thụ rau quế không hẳn có lợi cho da. 

4. Rau quế giúp giảm lượng đường trong máu 

Một số chuyên gia y học cổ truyền thường khuyên dùng rau quế để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Một nghiên cứu năm 2019 trên chuột cho thấy chiết xuất từ ​​lá rau quế giúp giảm lượng đường trong máu. Các kết quả cũng cho thấy rằng lá rau quế có thể giúp điều trị hiệu quả tình trạng lượng đường trong máu cao.

Rau quế: Tác dụng với sức khỏe và những lưu ý khi sử dụng - 2

Rau quế giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.

Nếu có thêm các nghiên cứu sâu hơn xác nhận những phát hiện này, chất chiết xuất từ ​​rau quế có thể hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường.

5. Rau quế hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Một đánh giá năm 2011 đã báo cáo rằng chiết xuất rau quế giúp giảm huyết áp cao trong thời gian ngắn, có thể do hàm lượng eugenol của rau quế. Tuy nhiên, 2 phút sau khi các nhà nghiên cứu sử dụng chiết xuất, huyết áp đã trở lại mức cao.

Trong một nghiên cứu khác, 24 tình nguyện viên khỏe mạnh dùng giả dược hoặc viên nang chứa 300 miligam (mg) chiết xuất lá rau quế khô mỗi ngày một lần. Sau 4 tuần, những người dùng chiết xuất từ ​​rau quế có mức cholesterol và chất béo trung tính thấp hơn so với những người không dùng. Các tác giả kết luận rằng chiết xuất rau quế có thể giúp giảm một số yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch.

6. Rau quế giúp tăng cường sức khỏe tinh thần

Căng thẳng tinh thần có thể kích hoạt việc sản xuất các gốc tự do trong cơ thể. Một đánh giá năm 2014 đã xem xét vai trò của rau quế trong y học Ayurvedic, loại cây này chứa các đặc tính có thể giúp:

- Giảm bớt căng thẳng, lo lắng và trầm cảm

- Tăng khả năng suy luận

- Ngăn ngừa mất trí nhớ do tuổi tác

- Cải thiện giấc ngủ liên quan đến căng thẳng và các vấn đề tình dục

Tuy nhiên, vần cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận công dụng này của rau quế.

7. Rau quế giúp giảm viêm và sưng tấy

Stress oxy hóa có thể dẫn đến viêm, một yếu tố gây ra các bệnh khác nhau, bao gồm ung thư, tiểu đường loại 2 và viêm khớp dạng thấp. Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu đã phân tích các đặc tính chống viêm của hai chế phẩm tinh dầu rau quế.

Theo kết quả của họ, dầu rau quế có thể giúp điều trị các bệnh khác nhau liên quan đến chứng viêm do stress oxy hóa.

Tuy nhiên, không rõ liệu ăn rau quế có thể có tác dụng tương tự hay không.

8. Rau quế chống nhiễm trùng

Các nhà y học cổ truyền đã sử dụng rau quế như một chất kháng khuẩn, và một số nghiên cứu khoa học ủng hộ việc sử dụng này.

Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã áp dụng tinh dầu rau quế cho nhiều chủng vi khuẩn Escherichia coli hoặc E. coli khác nhau. Vi khuẩn đến từ những người bị nhiễm trùng đường hô hấp, ổ bụng, tiết niệu hoặc da, cũng như từ thiết bị bệnh viện. Kết quả cho thấy dầu rau quế có hoạt tính chống lại những vi khuẩn này.

Các nhà nghiên cứu kết luận một số chế phẩm của dầu rau quế có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa một số loại nhiễm trùng.

Tác dụng phụ của rau quế

Húng quế nói chung là an toàn khi tiêu thụ với số lượng nhỏ. Tuy nhiên có một số trường hợp cần lưu ý. Lá rau quế chứa nhiều vitamin K giúp đông máu. Lượng tiêu thụ cao có thể gây trở ngại cho các loại thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin.

Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, hãy cố gắng tiêu thụ đủ lượng vitamin K hàng ngày để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cho bạn. Ăn thực phẩm có nhiều rau quế có thể gây ảnh hưởng tới việc điều trị.

Ngoài ra, những người đang dùng thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc tiểu đường nên thận trọng với các chất bổ sung rau quế vì chúng có thể làm giảm huyết áp và lượng đường trong máu. Bác sĩ có thể cần giảm liều lượng thuốc của bạn.

Nguồn tham khảo:

The Benefits of Thai Basil, and Why You Should Be Growing It - đăng tải trên trang tin geturbanleaf. Xuất bản ngày 31/3/2021.

Tác dụng của rau tần ô là gì?
Rau tần ô hay còn gọi với tên quen thuộc khác là rau cải cúc có rất nhiều tác dụng và lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của bạn.
H.M (Dịch từ geturbanleaf)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe