Việc chọn các loại gạo được xay xát kỹ, đánh bóng trắng để nấu cơm không những làm mất đi giá trị dinh dưỡng của hạt gạo, mà còn không tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu ...
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gạo để các bà nội trợ lựa chọn. Theo đó, tiêu chí đầu tiên khi đi chọn gạo đó là gạo hạt phải đều, trắng bóng và có hương thơm... Nhiều người nghĩ rằng, những loại gạo trên khi nấu thành cơm sẽ tăng độ ngon, dễ ăn lại tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng lại cho rằng đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện Medlatec cho rằng, không chỉ ở các thành phố mà ngay cả vùng nông thôn hiện nay, nhiều người cũng thích ăn các loại gạo được xay xát kỹ, hạt gạo đã được đánh bóng trong quá trình sơ chế.
“Các loại gạo trắng được đánh bóng và xay xát kỹ trông rất bắt mắt. Khi ăn cũng dẻo và ngon miệng, nhưng thực tế giá trị dinh dưỡng không còn cao và không tốt bằng loại gạo xay hay gạo giã ngày xưa”, PGS Ninh nhận định.
PGS Nguyễn Xuân Ninh cho rằng loại gạo trắng tuy ăn dẻo nhưng mất nhiều chất dinh dưỡng.
Theo vị chuyên gia này, gạo xay thông thường (không xay xát kỹ hay còn gọi là gạo lứt) chỉ bỏ đi lớp vỏ trấu bên ngoài, không trải qua đánh bóng mới là gạo mang lại giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể khi nấu thành cơm.
“Gạo xay chỉ bỏ đi lớp vỏ trấu bên ngoài sẽ còn nhiều chất xơ, chất khoáng và vitamin. Bình thường chỉ cần ăn 1 bát cơm nấu từ loại gạo này có thể no từ sáng đến trưa, hơn nữa năng lượng trong gạo này thấp, cơ thể hấp thu chậm nên không làm cho đường máu, mỡ máu tăng.
Ngược lại, loại gạo xay xát kỹ, được đánh bóng sẽ không còn các chất xơ, vitamin, khoáng chất... mà chỉ còn lõi gạo ở bên trong. Tuy lúc ăn dẻo và ngon miệng và ăn được nhiều, nhưng ăn xong sẽ đói rất nhanh, khi đói lại tiếp tục ăn như vậy sẽ gây nên hiện tượng thừa và tích trữ thành mỡ. Đó là chưa kể đến gạo trắng thường hay được tẩm ướp hương thơm, chất bảo quản”, PGS Ninh phân tích.
Người dân nên chọn ăn loại gạo xay xát thông thường chỉ bỏ lớp vỏ trấu.
PGS Ninh cho biết thêm, gạo trắng có hàm lượng dưỡng chất rất ít, nhưng đường bột lại rất cao tương đương với đường kính. Bởi vậy, những người bị mỡ máu, tiểu đường, muốn giảm cân... sử dụng loại gạo này thì càng phản tác dụng.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế PGS Ninh cũng thẳng thắn cho rằng, việc sử dụng các loại gạo trắng một thời gian dài khiến người dân đã quen với khẩu vị. Bởi vậy, nếu cho sử dụng lại gạo xay xát thông thường thì sẽ rất khó ăn khi nấu thành cơm. “Nếu quyết tâm thay đổi thì hoàn toàn không có gì khó. Bởi khi đã sử dụng quen loại gạo xay rồi thì sẽ không bao giờ quay lại ăn gạo trắng nữa vì khi ăn cảm thấy rất nhạt nhẽo”, PGS Ninh nói.
Với kinh nghiệm thực tế từ bản thân, PGS Ninh tư vấn khi nấu gạo xay cần phải cho nhiều nước hơn 1 chút và ninh kỹ hơn. Nếu có thể thì nấu cùng với một số loại hạt họ đậu vừa để dễ ăn, vừa tốt cho cơ thể.
Trước khi nấu không nên vo gạo quá kỹ, bởi như vậy sẽ mất đi lớp chất xơ bên ngoài hạt gạo, khi nấu cũng không nên gạn bỏ nước cơm đi như vậy sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng.
“Tôi khuyên người dân, đặc biệt là những người có tiền sử bị cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu hoặc muốn giảm cân thì nên gạo lứt. Thực tế, nhưng người mắc các bệnh trên khi sử dụng loại gạo này một thời gian sẽ giảm hẳn việc sử dụng thuốc hàng ngày”, PGS Ninh nói.