Sau khi xuất hiện tình trạng sốt cao, rét run, xuất hiện vết trầy xước ở chân người phụ nữ đến viện khám và phát hiện mắc căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa cấp cứu và điều trị thành công cho một nữ bệnh nhân mắc căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Điều đáng nói, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong chỉ sau 48 giờ.
Bệnh nhân vừa được cứu sống là Quách Thị K. (39 tuổi, ở Lạc Sơn, Hòa Bình), khi nhập viện người bệnh ở trong tình trạng sốt cao, rét run; có vết trầy xước ở chân; có tiền sử làm nghề nông nghiệp tiếp xúc với đất và nước; bản thân bệnh nhân bị bệnh viêm khớp mạn tính... Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết.
Bằng kinh nghiệm lâm sàng, với những dấu hiệu định hướng của bệnh (là nông dân có tiếp xúc với đồng ruộng, có vết thương trầy xước da, có bệnh lý mạn tính, có tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng) và qua xét nghiệm các bác sĩ đã chẩn đoán kịp thời, điều trị theo phác đồ của bệnh Whitmore. Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu đã khẳng định bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Whitmore. Đến nay sau khoảng 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã được cứu sống.
Sau 1 tháng điều trị bệnh nhân K. đã được cứu sống.
Chia sẻ về căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này, PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh Whitmore do trực khuẩn B.pseudomallei gây ra không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu ở mọi lứa tuổi. Bệnh chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết…
Bệnh tiến triển nhanh và có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện. Thông thường, 40-60% bệnh nhân mắc Whitmore sẽ tử vong. Tỉ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn.
Điều đáng nói, vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Những người nông dân thường xuyên tiếp xúc với đất bùn và nước đồng ruộng cần chú ý phòng bệnh.
Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính...dễ bị mắc Whitmore với các biểu hiện lâm sàng rất đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp-xe cơ, áp-xe gan, viêm phổi...
Được biết, đây không phải bệnh mới và hiếm gặp mà bị "bỏ quên" trong cộng đồng. Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936. Trong thời gian gần đây bệnh đang có xu hướng gia tăng. Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, bệnh chủ yếu gặp ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Do mắc nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau nên các bệnh nhân điều nhập viện, điều trị tại nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa trước khi đến truyền nhiễm.
Để giải quyết bệnh Whitmore các chuyên gia cho rằng cần có chiến lược tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp nhiều chuyên khoa lâm sàng, y tế dự phòng, vi sinh, môi trường, nông nghiệp, truyền thông… thì mới có hiệu quả.
Trước mắt phải nâng cao nhận thức của người dân và nhân viên y tế, cải tiến kỹ thuật xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn tại các labo xét nghiệm, tăng cường phổ biến phương pháp chẩn đoán và phác đồ điều trị cho các cơ sở y tế tuyến dưới.