Chỉ trong một tuần, có 8 trường hợp mắc bệnh này, nâng con số người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này lên 16 ca.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua (tính từ 20-27/1), Hà Nội ghi nhận 8 trường hợp mắc ho gà, lũy tích năm 2019 ghi nhận 16 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, bệnh sởi ghi nhận sự gia tăng số người mắc. Cụ thể, tuần qua có 32 trường hợp mắc sởi, tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó. Như vậy, trong 27 ngày đầu năm 2019, Thủ đô có 64 trường hợp mắc sởi.
Với tay chân miệng, số ca mắc được ghi nhận đến nay là 44 trẻ, riêng tuần qua có 4 trẻ. Với 6 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, tuần qua ghi nhận việc giảm số ca mắc (30 ca so với tuần trước). Tháng 1/2019, Hà Nội có gần 80 ca mắc sốt xuất huyết.
Tất cả các bệnh truyền nhiễm trên đây tại Hà Nội trong tháng 1/2019 chưa ghi nhận ca tử vong.
Điều trị cho trẻ mắc bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TL
Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trong nhà, trường học…
Thời gian đầu mắc bệnh ho gà, trẻ thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều hơn, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ. Tới giai đoạn kịch phát, trẻ có cơn ho kéo dài, xuất hiện một cách tự nhiên hay do một kích thích nhỏ.
Trẻ ho rũ rượi, đỏ mặt, thở rít (khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà), nôn nhiều đờm, đặc quánh. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những cơn ngừng thở ngắn. Giữa các cơn ho, thông thường trẻ cảm thấy dễ chịu và có thể sinh hoạt bình thường. Ngoài ra trong giai đoạn này còn thấy một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.
Nếu kèm theo một trong các yếu tố sau, trẻ bị ho gà sẽ đối diện với tiên lượng nặng: Trẻ dưới 6 tháng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng; Ăn uống kém, nôn nhiều; Cơn ngừng thở kéo dài; Co giật; Viêm phổi.
Để phòng bệnh ho gà, tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%.
Cùng đó, cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng. Nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, tính đến ngày 26/1, Hà Nội đã tiêm vaccine ComBE Five phòng 5 bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – viêm màng não mủ do Hib cho gần 17.000 trẻ.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn Thành phố, kết quả tiêm đạt 95,59%. Hiện còn 4 đơn vị có kết quả tiêm chưa đạt quy định gồm Đống Đa (57,9%), Hoàng Mai (85,6%), Ba Đình (93,4%), Hoàn Kiếm (94,4%).
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, sởi, ho gà, tay chân miệng hay sốt xuất huyết được xếp vào nhóm B: Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo đó, ngoài 4 bệnh trên, các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm: Bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh quai bị; bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh viêm gan virus; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não virus; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do virus Rô-ta (Rota);... |