Khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, tỷ lệ người mắc bệnh sốt xuất huyết tương đối cao. Hiện tại, dịch sốt xuất huyết bùng phát nghiêm trọng ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.
Hiện nay đang vào mùa mưa, là thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi, thủ phạm chính gây nên bệnh sốt xuất huyết. Trường hợp người phụ nữ bị suy đa tạng, cuối cùng tử vong sau khi trở về từ chuyến du lịch tuần trăng mật đang là lời cảnh báo cho mọi người, cần phải biết phòng tránh căn bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát thành dịch.
Gần đây, vợ chồng cô Lý đã đến Thái Lan để hưởng tuần trăng mật, khi chơi chưa đến 1 tuần, cô Lý bắt đầu bị sốt nên quay trở về Quảng Châu (Trung Quốc). Trở về Quảng Châu ngày thứ 2, cô Lý bắt đầu ho ra máu, đến ngày thứ 3, người chồng của cô Lý cũng bắt đầu có triệu chứng sốt, đau đầu.
Cô Lý bị suy đa tạng, biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, cuối cùng dẫn đến tử vong
Hồng Văn Hân, bác sĩ trưởng của Trung tâm bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện nhân dân số 8 thành phố Quảng Châu cho biết: “Khi mới bắt đầu họ đều không nghĩ đến sốt xuất huyết, sau đó bệnh tình nghiêm trọng, 2 người mới đến bệnh viện chúng tôi, trên đường đến bệnh viện người vợ đã bị hôn mê, sau khi nhập viện phát hiện các cơ quan đã bị suy yếu, xét nghiệm máu phát hiện virus sốt xuất huyết ở cả 2 vợ chồng. Người chồng đã hồi phục và được xuất viện sau một tuần điều trị. Nhưng người vợ vì bệnh tình quá nghiêm trọng nên đã không thể cứu được”.
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp. Virus Dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Muỗi là thủ phạm gây bệnh sốt xuất huyết
Dấu hiệu thường gặp của bệnh như sốt cao đột ngột, liên tục 2 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ nhiệt. Người mệt mỏi, đau phần đầu, bụng, cơ, khớp và sau hốc mắt. Xuất huyết từ ngày thứ 2, 3 trở đi sẽ có biểu hiện dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, mũi, nôn hoặc tiểu ra máu, phụ nữ bị hành kinh sớm hoặc nhiều.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết
- Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:
- Nằm nghỉ ngơi.
- Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.
- Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.
Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.
Nhắc nhở quan trọng
Phun thuốc diệt côn trùng là cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Trước khi đến khu vực dịch sốt xuất huyết, bạn nên tìm hiểu về tỷ lệ mắc bệnh do muỗi truyền tại nơi bạn đến.
- Sống hoặc đi du lịch ở vùng sốt xuất huyết, nên mặc quần áo dài tay và bôi thuốc chống côn trùng.
- Để phòng tránh bệnh, người dân nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng.
- Đậy kín dụng cụ chứa nước, tiêu hủy các vật phế thải đọng nước, thay ly nước cúng ở bàn thờ.
- Để tránh muỗi chích nên ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi. Mọi người có thể phun thuốc, dùng nhang diệt muỗi, tẩm màn bằng hóa chất, dùng vợt diệt muỗi...
- Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.