Nhầm tưởng con chỉ bị sốt thông thường, nhiều bậc cha mẹ chủ quan không đưa con đến viện mà chỉ mua thuốc cho uống tại nhà. Từ đó đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Dù hiện tại chưa phải là mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH) nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, số ca nhập viện do SXH tại TP.HCM tăng liên tục, trong đó có nhiều ca nguy kịch, biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Nơi đang điều trị, theo dõi những ca SXH nhi nặng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Một bệnh nhi mới được chuyển đến khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực- Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
Số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế từ đầu năm 2019 đến nay cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 10 trường hợp tử vong, số mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương. Hiện nay với sự diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Dự báo thời gian tới số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.
Đưa đến bệnh viện trễ, nhiều bệnh nhi đã rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết.
Ghi nhận của PV vào sáng 31/7 tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố hiện có 3 trẻ SXH rơi vào tình trạng sốc đang được theo dõi tích cực, còn tại khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực- Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện đang điều trị tích cực cho khoảng 10 trẻ mắc SXH đã ở giai đoạn nặng.
Thuật lại với phóng viên, chị Mai Thị Ánh Tuyết (38 tuổi, ngụ huyện Bình Đại, Bến Tre) cho biết cách đây 5 ngày, bé Nguyễn A.T (10 tuổi, con trai chị) bắt đầu có dấu hiệu sốt, chán ăn. Nghĩ con chỉ bị nóng sốt thông thường nên chị đến tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc. 4 ngày liên tục bé T không có dấu hiệu giảm sốt mà còn nôn ói, mệt lả. Hốt hoảng, chị Tuyết đưa bé đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển đến bệnh viện tỉnh và chuyển cấp cứu ngay lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Một bé trai mắc SXH đang được nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Tại đây, các bác sĩ cho biết con trai chị mắc sốt xuất huyết và đã vào sốc, hiện đang được theo dõi tích cực tại Khoa nhiễm của bệnh viện.
Theo Bác sĩ Chuyên Khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, tính đến nay đã có khoảng 1600 trường hợp bệnh nhi đến khám vì SXH, nhập viện điều trị khoảng 600 trường hợp. Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chỉ trong tháng 6 và 7/2019 đã có 2.545 ca nội trú điều trị sốt xuất huyết SXH, trong đó có hơn 470 ca SXH ở trẻ em, 1 ca tử vong và 4 ca chuyển nặng nên đã xin về nhà.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng 60 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết – cho biết, từ giữa tháng 7/2019, trẻ mắc sốt xuất huyết đã có dấu hiệu gia tăng, hiện tại khoa có 3 trẻ em bị sốt xuất huyết gây sốc phải thở máy.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan khi con bị sốt.
Theo bác sĩ Huỳnh Trung Triệu – Phó khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, thông thường thời tiết nắng gắt sẽ gần như không có bệnh sốt xuất huyết, nhưng hiện tại mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 3 đến 5 ca trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được chuyển đến.
Từ khoảng tháng 5/2019, ngày nào khoa cũng tiếp nhận trẻ bị sốt xuất huyết nặng chuyển vào cấp cứu, cụ thể hơn 10 giờ sáng 31/7, lại thêm một bé trai 9 tuổi chuyển đến khoa do sốt xuất huyết.
Cứ khoảng 10 ca sốc sốt xuất huyết đã có khoảng 5 ca trên cơ địa thừa cân.
Đánh giá về yếu tố khiến bệnh SXH trở nặng ở trẻ, BS Trung Triệu cho rằng tại khoa cứ khoảng 10 trẻ theo dõi SXH thì có 5 trẻ trong cơ địa thừa cân, béo phì. “Thông thường lượng dịch truyền phải dựa vào cân nặng của đứa bé. Đối với những bé dư cân, sẽ không thể điều trị dựa vào cân nặng thật để tính toán lượng dịch cần truyền đủ. Bên cạnh đó, những bé thừa cân thì rất khó tiếp cận đường tĩnh mạch, lấy ven. Các thủ thuật hồi sức cấp cứu khác cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện”, BS Triệu phân tích.