Sợ nội soi, nhiều người lỡ cơ hội phát hiện bệnh

Ngày 10/06/2024 09:59 AM (GMT+7)

Hà Nội - Mỗi lần căng thẳng, Thu Trang, 24 tuổi, lại đau dạ dày nhưng không đi khám vì sợ phải nội soi.

Ba năm trước, Trang thường xuyên bị ợ chua, đau quặn bụng, chọn nội soi không gây mê để kiểm tra dạ dày và nói đây là trải nghiệm ám ảnh. Cô mô tả bác sĩ vừa đưa ống soi vào họng là cổ họng khó chịu, buồn nôn. Ống soi di chuyển đến đâu là cơ thể cảm nhận rõ, "cơn đau cứ âm ỉ, như kiến đốt, càng vào sâu càng đau". Về nhà, cô bị đau họng nhiều ngày, phải uống nhiều nước ấm.

"Lần này, cơn đau quặn thắt vã mồ hôi nhưng tôi không dám đi viện", Trang nói và cho rằng bệnh đau dạ dày chỉ cần nghỉ ngơi, kiểm soát ăn uống là khỏi. Cô tự mua thuốc giảm đau và thuốc bổ dạ dày, song uống không điều độ. Gần đây, Trang sụt cân nhanh, chán ăn, mệt mỏi, ợ hơi, đến bệnh viện khám kết quả nhiễm HP, viêm dạ dày, loét, phải điều trị bằng kháng sinh lâu dài. "May mắn lần này được nội soi gây mê, khá nhẹ nhàng nhưng sức khỏe không tốt", Trang nói.

Tương tự, Sơn 28 tuổi, cũng ngại đi khám vì nghĩ "lại phải nội soi". Anh từng bị dạ dày, đại tràng, trĩ, tái khám định kỳ hàng năm. Với Sơn, nội soi mất nhiều thời gian và tốn kém, cũng không thể điều trị bệnh. "Thủ thuật gây đau đớn và khó chịu nhiều ngày", anh giải thích. Đầu tháng 6, anh đến bệnh viện kiểm tra do đầy bụng, ợ hơi, hơi thở có mùi chua. Kết quả dạ dày bị viêm, loét và polyp, chỉ định sinh thiết.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, nhìn nhận thực tế suy nghĩ "nội soi đáng sợ" khiến những người có triệu chứng bệnh hoặc muốn đi tầm soát đều lo sợ. Giống hai bệnh nhân trên, nhiều người cũng bị ám ảnh bởi nội soi, dẫn đến ngại đi kiểm tra sức khỏe.

"Nỗi ám ảnh về nội soi trở thành rào cản khiến tỷ lệ người bỏ lỡ bệnh tăng, kể cả khi y học hiện đại giúp thực hiện thủ thuật nhẹ nhàng", ông Nam nói. Nguyên nhân chủ yếu do trước đây đa số bệnh nhân phải nội soi không gây mê, gây tê nên có thể đau đớn, buồn nôn, khó chịu, đặc biệt là nội soi đại tràng.

Thực tế, phương pháp nội soi không chỉ được dùng để khi tầm soát bệnh lý, mà ngay trong quá trình nội soi bác sĩ cũng có thể can thiệp phẫu thuật không cần mổ mở. Ví dụ, bác sĩ trong khi nội soi có thể cắt bỏ các polyp, khối u hoặc dị vật ống tiêu hóa, điều trị xuất huyết tiêu hóa, chẩn đoán vi khuẩn HP, nhận biết khối u lành tính hay ác tính, xác định giai đoạn tiến triển của bệnh. Trong tầm soát bệnh tiêu hóa, nội soi là "chìa khóa" giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác.

"Nhờ nội soi, bác sĩ có thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong cấu trúc mạch máu để loại trừ và đưa ra phương án điều trị phù hợp", bác sĩ nói, thêm rằng nội soi giúp sàng lọc nguy cơ, phát hiện sớm ung thư dạ dày hoặc đại tràng (nếu có).

Cùng quan điểm, PGS.TS Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó Tổng thư ký Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, nói rằng dân số Việt Nam rất đông, gánh nặng bệnh tật tiêu hóa rất lớn, đặc biệt ung thư dạ dày, đại tràng xếp hàng đầu trong các bệnh lý ác tính phổ biến.

Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globacan 2020), mỗi năm nước ta ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày, 14.000 ca đại tràng, 3.200 ca thực quản. Song, số ca ung thư phát hiện sớm lại rất ít, đa phần muộn. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, bác sĩ chỉ cần cắt dưới niêm mạc qua nội soi, còn ở giai đoạn muộn hơn bệnh nhân phải phẫu thuật, tỷ lệ sống sót hạn chế.

Do đó, nội soi tầm soát đóng vai trò quan trọng, giúp quan sát trực tiếp tổn thương, đánh giá chính xác mức độ ác tính và mức độ xâm lấn tại chỗ. Qua nội soi, bác sĩ lấy mảnh sinh thiết để chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học, cắt u ung thư.

Bác sĩ Hằng can thiệp nội soi cho người bệnh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Hằng can thiệp nội soi cho người bệnh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Hằng khuyên để không cảm thấy sợ hay ám ảnh, giảm cảm giác khó chịu và buồn nôn, người bệnh có thể lựa chọn nội soi không đau (gây mê). Người từ 40 trở lên, có triệu chứng báo động như xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đi ngoài dai dẳng, gầy sút cân, thiếu máu, hoặc tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa, nên nội soi tầm soát bệnh.

Nội soi không phải chỉ thực hiện một lần trong đời. Tùy theo tình trạng, bác sĩ chỉ định bắt buộc hoặc tái khám để kịp thời phát hiện tổn thương. "Không tầm soát thì không phát hiện bệnh, nhưng điều này không có nghĩa bạn không mang bệnh", bác sĩ nói.

*Tên nhân vật được thay đổi

Ung thư đường tiêu hóa phát hiện được qua nội soi? Bác sĩ viện K tiết lộ sự thật ít người biết
Theo các bác sĩ, khối ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm rất nhỏ và chưa sùi loét, vì vậy, khi thực hiện nội soi đường tiêu hóa cho người bệnh, bác...

Bệnh ung thư

Thùy An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác