Do đốt lửa trên nương, cộng thêm việc nắng nóng gay gắt khiến cho người phụ nữ bị sốc nhiệt phải nhập viện cấp cứu, tổn thương đa tạng.
Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân bị sốc nhiệt nặng do nắng nóng. Khi được chuyển từ tuyến dưới lên, bệnh nhân đã ở trong tình trạng rối loạn ý thức, rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận…
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện bệnh nhân đi làm trên nương và có đốt lửa. Cùng thời điểm đó là nắng nóng, nhiệt độ tăng cao đang trong giai đoạn đỉnh điểm. Do đám cháy lan nhanh, bệnh nhân gắng sức dập lửa dưới trời nắng nên đã bị say nắng, say nóng và hôn mê.
Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiệt, nghi ngờ hôn mê do hít khói và ngộc độc khí CO. Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua tình trạng nặng. Các chức năng về tim, gan, thận trở về bình thường, bệnh nhân tỉnh táo và tự sinh hoạt được.
Nữ bệnh nhân bị sốc nhiệt đã được cứu sống.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, với thời tiết nắng nóng như hiện nay việc di chuyển hoặc làm việc ngoài trời nắng, với nhiệt độ lên cao rất dễ xảy ra sốc nhiệt, say nắng. Theo đó, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao. Lúc này, con người sẽ rơi vào trạng thái chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức.
Theo tiến sĩ Dũng, khi thân nhiệt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh, cùng với đó là bị mất nước… vì thế dễ dẫn đến bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan.
Khi bị sốc nhiệt do nắng nóng, việc sơ cứu ban đầu là rất cần thiết và quan trọng. Trong trường hợp phát hiện người nghi ngờ bị sốc nhiệt, say nắng với biểu hiện da khô nóng, mặt đỏ, đau đầu, buồn nôn… thì cần hạ thân nhiệt thật nhanh.
Cần chuyển bệnh nhân đến nơi râm mát, nới quần áo cho thông thoáng, chườm mát vào vùng cổ nách, lau người bằng nước mát để hạ thân nhiệt cho người bệnh…
Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C, chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân có biểu hiện cấp cứu, tiến hành hô hấp theo tình trạng tại chỗ, sau đó chuyển đến cơ sở y tế để được các bác sĩ hồi sức tích cực.
Khi thời tiết nắng nóng, cần hạn chế đi ra ngoài đường nếu không thật cần thiết. Không nên làm việc lâu ngoài trời, nhất là thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao khoảng từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều.
Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng, mọi người phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng. Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol...