Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, hoa đậu biếc chưa có trong danh sách các loại cây dược liệu điều trị bệnh ở Việt Nam, thí nghiệm duy nhất về tác dụng của loài cây này là…trên chuột.
Trước thông tin được lan truyền trên mạng xã hội về tác dụng thần kỳ của hoa đậu biếc, chữa được bách bệnh, thậm chí là ung thư khiến nhiều người săn lùng loại hoa này. Tuy nhiên, có thật sự loại dược liệu này có nhiều công dụng?
Rao bán hoa đậu biếc trên mạng xã hội, bạn H.N cho biết: "Không thua kém gì rễ và hạt, hoa và lá cây đậu biếc cũng có nhiều công dụng thần kỳ trong điều trị bệnh cho con người. Lá và hoa cũng có tác dụng tiêu viêm, giảm đau hiệu quả. Đun nước hoa và lá cây đậu biếc lên uống giúp giảm sưng đau do viêm họng hoặc có thể dùng để rửa vết thương, giảm phù nề và ngăn mưng mủ. Nước hoa đậu biếc được hãm như trà uống cùng mật ong còn giúp bổ não, kích thích lưu thông máu huyết, tránh bạc tóc và tăng cường khả năng thị lực. Uống trà hoa đậu biếc đều đặn mỗi ngày giúp người già cải thiện khả năng ghi nhớ và ngăn chặn nguy cơ ung thư, làm chậm tiến trình lão hóa của cơ thể."
Với công dụng "thần kì" như thế, người bán này cho biết mỗi gói hoa đậu biếc (khoảng 100 gram) có giá 50 nghìn đồng, nếu mua sỉ sẽ được giảm giá nhiều hơn.
Những bài viết quảng cáo về tác dụng của loại hoa này đối với sức khỏe
Theo BS Nguyễn Quốc Phong, Khoa Y học cổ truyền BV Thống Nhất TP.HCM, hoa đậu biếc (hay dây bông biếc có tên gọi khoa học là Clitoria ternatea Lnn, thuộc họ đậu Fabaceae). Tuy nhiên loài hoa này vẫn chưa có tên trong danh sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” cũng như tuyển tập “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”.
Loài hoa này vẫn chưa có tên trong danh sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” cũng như tuyển tập “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.
“Tới hiện tại, chưa có bất kì thử nghiệm nào về tác dụng của hoa đậu biếc trên người. Chỉ có duy nhất một thử nghiệm ở Ấn Độ bằng phương pháp hóa học, vật lí, dùng dịch chiết hoa đậu biết phản ứng thử trên não chuột, thấy có tác dụng điều trị đối với bệnh Alzheimer”, BS Phong cho biết.
BS Phong cho biết một loại cây được đưa vào chữa bệnh trong Đông y phải có ít nhất 20 công trình nghiên cứu về tính an toàn của nó. “Ngoài ra, nếu nói loại dược liệu nào có công dụng với sức khỏe cũng cần xem xét đến việc loại cây/hoa ấy nên thu hoạch vào tháng nào trong năm, thời điểm nào trong ngày? Mặt khác, thu hoạch nụ hay hoa, trồng hoa đơn hay hoa kép, thổ nhưỡng trồng ra sao, khí hậu phù hợp thế nào, để tạo nên lượng hoạt chất đủ chuẩn chữa bệnh.”, chuyên gia này nhận định.
Nên dùng hoa đậu biếc với lượng vừa phải, không nên dùng dài ngày và nên mua hoa có nguồn gốc rõ ràng.
Vì chưa có bất kì chứng minh nào về công dụng của loại hoa này cũng như tác hại của nó đối với sức khỏe con người nhưng người Việt lại dùng rầm rộ theo kinh nghiệm dưới dạng uống trà và chế biến thực phẩm vì người dân tin hoa đậu biếc dễ ngủ, giảm đau đầu, bớt lo âu. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu sử dụng thì nên dùng với lượng vừa phải, không nên dùng dài ngày, nên mua hoa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh việc lẫn tạp chất, phơi sấy không đảm bảo chất lượng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng.