Cảm cúm, viêm phế quản, sốt phát ban, đau mắt đỏ… là những bệnh nhiễm siêu vi dễ mắc phải khi thời tiết chuyển sang mùa lạnh.
Để “chiến đấu” với vi khuẩn còn có kháng sinh hỗ trợ, chống lại siêu vi thì hầu như phải dựa vào sức đề kháng của bản thân. Như vậy, để tránh bị bệnh mùa lạnh, cần tăng cường sức đề kháng cơ thể hằng ngày. Khi bị lây nhiễm siêu vi, người có sức đề kháng tốt sẽ không bị phát bệnh hoặc bệnh nhẹ và nhanh khỏi. Người có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị phát bệnh hơn, đôi khi lại bội nhiễm vi khuẩn hoặc biến chứng nặng hơn.
Cần chăm sóc hệ miễn dịch cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động, ngủ đầy đủ, sống vệ sinh, chủng ngừa phòng bệnh và dùng thuốc hỗ trợ khi cần.
Hãy cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và kéo dài 18-24 tháng để tận hưởng nguồn kháng thể quý giá trong sữa mẹ. Chế độ ăn đủ năng lượng với các nhóm chất dinh dưỡng (thể hiện qua việc phát triển cân nặng hằng tháng tốt), đặc biệt là các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng như đạm (mỗi bữa ăn 30-50 g thịt hoặc 70-90 g cá hay tôm, 1 quả trứng hay 1 miếng đậu hũ), chú trọng vitamin C (rau sống và 200 g trái cây tươi mỗi ngày), vitamin A (thịt, cá, gan, trứng), chất sắt (thịt, cá, gan, huyết), kẽm (hàu, sò, thịt, cá…).
Trẻ em khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM (Ảnh: Hồng Thúy)
Rau xanh chứa nhiều vitamin C nhưng dễ bị thất thoát qua quá trình lưu trữ, ngâm, rửa, đun nấu... Vì vậy, cần ăn thêm 1-2 loại trái cây tươi hằng ngày. Khi sức đề kháng có dấu hiệu giảm sút, bác sĩ có thể bổ sung chế phẩm vitamin C để tăng sức đề kháng khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm… Nhu cầu vitamin C là 100 mg/ngày nên dùng thuốc chỉ cần uống dư gấp vài lần trong thời gian ngắn là được. Sau khi uống vitamin C, 5-7 ngày sau mới giúp tăng sức đề kháng nên phải thường xuyên củng cố hệ miễn dịch phòng bệnh, chứ không để nhiễm bệnh rồi mới lo tăng sức đề kháng thì đã muộn.
Vào mùa lạnh, việc giữ ấm cơ thể bằng quần áo ấm, khăn, vớ, chăn (mền), tránh gió lùa, tắm nước ấm… là rất quan trọng. Bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị lây nhiễm siêu vi (cách ly người bệnh, đeo khẩu trang, mắt kính, không dùng chung đồ dùng cá nhân, không tiếp xúc gần người bệnh) và rửa tay bằng xà bông thường xuyên.
Tập thể dục 30-45 phút vào sáng, chiều sẽ giúp ích rất nhiều cho những người viêm xoang, viêm họng mãn… vì nó làm tăng sức đề kháng cơ thể. Người chơi thể thao đều đặn sẽ rất ít bị bệnh nhiễm trùng, chưa kể chứng táo bón, mỡ máu, loãng xương, đường huyết cao, béo phì… cũng được kiểm soát tốt.
Cần ngủ sớm và ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe khoắn. Thức khuya, chơi đêm làm sức đề kháng sụt giảm nghiêm trọng và dễ mắc bệnh nhiễm trùng như viêm họng, lao...
Trẻ 8 tuổi bị đái tháo đường type 2 Ngày 14-11, tại ngày hội “Phòng chống đái tháo đường (ĐTĐ)”, PGS-TS Nguyễn Trung Quân - Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được xác định mắc ĐTĐ type 2 là một bé trai 8 tuổi, cao 141 cm, nặng 58 kg. Tại thời điểm phát hiện bệnh, chỉ số đường huyết khi đói của cháu là 13 mmol/l. Sau 6 tháng điều trị, bệnh nhi giảm được 10 kg, cùng lúc đó, chỉ số đường huyết dao động trong khoảng 5,4-6,2 mmol/l. Theo PGS-TS Quân, tỉ lệ trẻ dưới 10 tuổi mắc ĐTĐ type 2 ngày càng phổ biến, trong đó TP HCM gặp nhiều hơn Hà Nội. Trẻ béo phì là đối tượng nguy cơ cao của bệnh ĐTĐ. Gần như các bệnh nhân ĐTĐ type 2 trong giai đoạn đầu đều có béo phì. Bên cạnh đó, ĐTĐ ở lứa tuổi dưới 30 cũng ngày càng trở nên phổ biến do những thay đổi về lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống và vận động. Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê kêu gọi người dân thay đổi lối sống lành mạnh để giảm 80% nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ, đồng thời cải thiện chất lượng sống của những người đã mắc bệnh này. Hiện tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ của người Việt là 5,7% và có thể tăng gấp đôi vào năm 2030. D.Thu |