Sữa là thức uống thơm ngon, giàu dinh dưỡng nhưng nếu xuất hiện 8 dấu hiệu sau thì bạn hãy lập tức dừng uống sữa lại ngay.
Luôn cảm thấy mệt mỏi
Sữa giàu năng lượng nên hệ tiêu hóa thường phải làm việc khá vất vả. Điều này dễ khiến chúng ta bị đầy hơi, khó tiêu, từ đó dẫn đến việc cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thậm chí ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy bạn nên giảm hoặc ngưng ngay việc uống sữa nếu như tình trạng này tái diễn trong thời gian dài. Để ngủ ngon hơn, bạn có thể bổ sung một vài loại thực phẩm giàu tryptophan như khoai lang, bông cải xanh, chuối và táo.
Bị mụn trứng cá
Uống sữa có thể khiến tình trạng mụn ngày càng nặng hơn. (Ảnh minh họa)
Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên Học viện nghiên cứu Da liễu Hoa Kỳ vào tháng 5/2008, những người thường xuyên bị nổi mụn trứng cá đều có thói quen uống sữa. Trong đó, những cô gái thực hiện chế độ ăn có sữa và các thực phẩm từ sữa thì tình trạng mụn ngày càng nặng hơn. Đáng nói tiêu thụ sữa tách béo gây ra mụn nhiều hơn sữa nguyên chất, điều này cho thấy chất béo trong sữa không phải là “thủ phạm” gây mụn.
Nguyên nhân là bởi trong sữa bò có chứa androgen, là hoạt chất liên quan trực tiếp đến việc tăng cường hoạt động của tuyến bã làm tăng bài tiết chất bã, một yếu tố gây nổi mụn. Bên cạnh đó, trong sữa bò còn có thể có thêm chất IGF-1 (Insulin-like grown factor 1) là một tác nhân khác trực tiếp tạo ra mụn.
Gặp các vấn đề về tiêu hóa
Theo khảo sát của nhóm chuyên gia đến từ trường Y khoa Đại học Johns Hopkins, trường Y tế công cộng Bloomberg và bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ), khoảng 65 – 70% dân số thế giới mắc chứng không thể dung nạp lactose, một loại đường có trong sữa. Hậu quả là họ bị tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn sau khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Không dung nạp lactose xảy ra khi cơ thể thiếu enzyme (lactase) để chuyển hóa đường lactose trong ruột. Vì vậy sau khi uống sữa nếu gặp phải các triệu chứng như trên thì bạn hãy dừng việc tiêu thụ loại thức uống này ngay lập tức.
Bị đau không rõ nguyên nhân
Sữa là thực phẩm có tính axit cao nên dễ gây ra viêm nhiễm, làm tổn thương khớp và các cơ bắp. Nếu bạn đang tập thể dục và thường xuyên bị đau cơ hoặc các khớp không rõ lý do thì hãy thử giảm lượng sữa tiêu thụ.
Bị hội chứng sương mù não
Hãy tạm dừng uống sữa nếu gặp phải các dấu hiệu của hội chứng sương mù não. (Ảnh minh họa)
Sương mù não (Brain fog) là thuật ngữ chỉ hội chứng rối loạn chức năng tập trung, học tập và trí nhớ, gây ra sự nhầm lẫn, mất phương hướng trong một thời gian ngắn. Bộ não của chúng ta hoạt động tối ưu dựa vào rất nhiều yếu tố như chất dinh dưỡng, tình trạng tâm lý, lối sống... Đó là lý do vì sao sương mù não thường xảy ra khi bạn mệt mỏi về tinh thần, căng thẳng, thiếu ngủ, thay đổi nội tiết tố, ăn uống không đủ chất, dùng một số loại thuốc và tình trạng sức khỏe. Bên cạnh đó một số thực phẩm trong đó có sữa và các sản phẩm từ sữa... có thể là “thủ phạm” đằng sau tình trạng này. Vì vậy hãy thử ngưng uống sữa nếu gặp phải các dấu hiệu của hội chứng sương mù não.
Bị dị ứng và các bệnh về da
Dị ứng sữa là phản ứng miễn dịch của cơ thể với một trong nhiều protein có trong sữa động vật. Phản ứng này thường do alpha protein S1-casein trong sữa gây ra. Sữa bò là nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng sữa.
Phản ứng dị ứng thường xuất hiện từ vài phút đến vài giờ sau khi uống sữa. Dấu hiệu và triệu chứng dị ứng sữa có thể từ nhẹ đến nặng như thở khò khè, nôn, phát ban và các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, phân lỏng, đau bụng. Trong một số trường hợp, dị ứng sữa còn gây sốc phản vệ, một phản ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó nếu gặp phải một trong các triệu chứng trên hãy loại bỏ sữa trong chế độ ăn và theo dõi xem tình trạng bệnh có được cải thiện không.
Ngoài ra theo tìm hiểu sữa còn có thể làm kích hoạt bệnh chàm, do đó hãy ngừng uống sữa nếu bị bệnh. Thay vào đó bạn nên bổ sung những thực phẩm như các loại probiotic, cá, hạt lanh, mật ong, các thực phẩm giàu kẽm, thực phẩm giàu vitamin C, vitamin E và vitamin D để cải thiện tình trạng bệnh.
Có mức cholesterol cao
Cholesterol cao hay thấp phần lớn là do chế độ ăn uống, sinh hoạt. Theo USDA, 100g sữa bò chứa 10g cholesterol, do đó nếu uống quá nhiều sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người vốn đã bị cholesterol cao.
Gãy xương hoặc mắc các chứng bệnh về xương
Khi bị gãy xương thì không nên uống nhiều sữa. (Ảnh minh họa)
Một chế độ ăn giàu các sản phẩm sữa được khuyến khích vì giảm khả năng gãy xương do loãng xương. Sữa chứa 18 trong số 22 chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm canxi, phốt pho và vitamin D có tầm quan trọng đặc biệt đối với bộ xương. Sự hấp thu của các chất dinh dưỡng này được tăng cường nhờ enzyme chuyển hóa đường sữa thành D-glucose và D-galactose. Nhưng theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển, tiêu thụ quá nhiều sữa có thể gặp tác hại không mong muốn vì sữa là nguồn cung cấp D-galactose chính. Kết quả thực nghiệm ở một số loài động vật cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với D-galactose gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Chỉ 1 liều D-galactose thấp cũng gây ra lão hóa tự nhiên ở động vật; rút ngắn tuổi thọ do tổn thương do oxy hóa, viêm mãn tính, thoái hóa thần kinh, giảm đáp ứng miễn dịch và thay đổi phiên mã gen. Một liều tiêm dưới da 100mg/kg D-galactose làm tăng tốc độ lão hóa ở chuột. Điều này tương đương với 6-10g ở người, tương ứng với 1-2 ly sữa. Nghiên cứu này cũng cho thấy những phụ nữ uống hơn 3 ly sữa mỗi ngày có nguy cơ gãy xương cao hơn. Do đó nếu muốn hãy bổ sung sữa với liều lượng thích hợp.