"Tôi nuốt chửng mọi thứ có thể rồi nôn hết sau 2 phút", công nương Diana từng nói về chứng bệnh rối loạn ăn uống của mình.
Công nương Diana – một trong những người phụ nữ nổi tiếng được mến mộ nhất trong Hoàng gia Anh. Mọi người biết đến bà như một nữ công nương xinh đẹp, gần gũi với người dân. Tuy nhiên điều mà ít ai biết tới đó là nữ công nương đã từng phải trải qua một quãng thời gian hết sức khó khăn khi đấu tranh với chứng rối loạn ăn uống.
Công nương Diana có lẽ là người nổi tiếng nhất bị chứng ăn uống vô độ (bulimia) - một dạng rối loạn ăn uống. Theo các bác sĩ và chuyên gia trị liệu, cuộc chiến âm thầm với chứng bệnh này của công nương đã giúp mọi người có nhận thức rõ ràng hơn về chứng bệnh tưởng như không hề nguy hiểm lại có thể khiến một người kiệt quệ tới mức nào.
Khởi nguồn của căn bệnh bắt đầu từ hai từ "mũm mĩm"
Trong cuốn sách “Diana: Her true story” của tác giả Andrew Morton xuất bản năm 1992 lần đầu tiên tiết lộ về chứng bệnh công nương Diana mắc phải. Nhà văn Morto đã cho biết công nương bắt đầu mắc phải chứng ăn uống vô độ vào năm 1981 và vẫn còn phải liên tục đấu tranh với nó cho tới cuối những năm 80.
Chứng ăn vô độ tâm thần là một chứng rối loạn ăn uống có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng thường thấy ở nữ nhiều hơn, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì. Bệnh đặc trưng bởi những giai đoạn ăn uống vô độ sau đó là giai đoạn nỗ lực một cách điên rồ để giảm cân nặng.
Theo BS. Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia)
Cuốn hồi ký đã đưa một cái nhìn sâu sắc về nỗi đau mà công nương đã gặp phải bao gồm cả việc đấu tranh với những ý định tự tử. Năm 1995, công nương Diana đã chia sẻ với trang BBC: “Tôi không thích bản thân mình, tôi đã rất xấu hổ vì không thể đối phó với những áp lực. Tôi đã bị chứng ăn uống vô độ trong vài năm, đó là căn bệnh bí mật. Nó liên tục tái đi tái lại và tàn phá cơ thể bạn.”
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, những người có tiền sử bị béo phì, trầm cảm hoặc bị ám ảnh bởi vẻ ngoài thon gọn có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Trong trường hợp của công nương Diana, sự tác động từ công chúng và từ chính người chồng – thái tử Charles là nguyên nhân khiến bà mắc phải chứng bệnh ăn uống vô độ. Công nương Diana đã thừa nhận rằng bản thân đã bắt đầu một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt sau khi mọi người bàn tán về ngoại hình của bà trên các chương trình TV hay tạp chí rằng công nương có thân hình hơi “mũm mĩm”.
Cũng trong chính cuốn hồi ký về công nương Diana của tác giả Morto đã kể lại công nương Diana từng thừa nhận: “Chứng bệnh ăn uống vô độ của tôi diễn ra kể từ sau khi tôi đính hôn một tuần. Chồng tôi đã đặt tay lên eo tôi và nói: "Eo của em hơi mũm mĩm chút nhỉ?” và điều đó đã ảnh hướng tới tôi.”
Nỗi sợ hãi về một thân hình “mũm mĩm” bị nhiều người và ngay chính cả chồng chê bai đã khiến cho bà tìm cách giảm cân và phát hiện ra bản thân có thể gầy đi nhanh chóng nếu ăn thật nhiều sau đó nôn ra toàn bộ. “Lần đầu tiên làm vậy, tôi đã rất vui mừng”, công nương từng chia sẻ.
Nhưng vấn đề ăn uống của công nương càng trầm trọng hơn khi cuộc hôn nhân của bà trải qua một biến cố lớn (phát hiện ra mối quan hệ giữa Thái tử Charles và bà Camilla Parker). Đó cũng là thời điểm công nương mang thai đứa con đầu tiên – hoàng tử William.
Nuốt tất cả mọi thứ và nôn ra hết chỉ sau 2 phút
Để lấp đầy sự trống rỗng của bản thân, công nương đã liên tục tìm tới đồ ăn và sau đó lại nôn hết ra. "Tôi nuốt chửng mọi thứ có thể rồi nôn hết sau 2 phút", công nương Diana từng nói về chứng bệnh rối loạn ăn uống của mình.
Vào giữa tuần trăng trên du thuyền Britannia của Hoàng gia Anh, Diana lẻn vào bếp tìm kem. Tại lâu đài Windsor, lính gác bắt gặp bà ăn hết chiếc bánh bít tết cỡ lớn. Lần khác, Diana khiến bạn bè ngỡ ngàng khi ăn cùng lúc 500g kẹo rồi đến bữa tiệc từ thiện năm 1989 ở Manhattan.
Mặc dù ăn rất nhiều nhưng ngay sau đó bà lại nôn hết ra, chính vì vậy cơ thể bà ngày càng ốm yếu và cứ rơi vào vòng luẩn quẩn ăn xong ói. Vấn đề của công nương Diana lộ rõ đến mức chồng bà cũng nhận thấy. Có lần, giữa bữa ăn, thái tử Charles mỉa mai: "Lại thế nữa à? Thật là một sự lãng phí". Diana cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, chứng bệnh này là cách "kín đáo" nhất để bà làm hại bản thân hơn là uống rượu hoặc chán ăn.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí Hello!, Darren McGrady - đầu bếp từng làm việc tại cung điện Buckingham trong 11 năm, trước khi chuyển đến cung điện Kensington để nấu ăn cho Diana và các con trai của bà đã tiết lộ ông từng rất thắc mắc về thói quen ăn uống của công nương nhưng không bao giờ dám hỏi.
Vào mùa hè khi hoàng tử Charles và công nương Diana đến thăm nữ hoàng tại Balmoral, Darren đã nhận được yêu cầu chuẩn bị một số thực phẩm cho họ khi đến nơi. Với những thứ mà công nương Diana yêu cầu, đầu bếp Darren nhận ra có điều gì đó không đúng vì những thực phẩm đó có thể "nuôi dưỡng" chứng rối loạn ăn uống.
Ông đã luôn hỏi tại sao bà ấy lại muốn ăn tất cả chỗ thức ăn này nhưng vì là đầu bếp, việc của ông là chuẩn bị thức ăn được yêu cầu nên ông không có ý kiến gì.
Chiến thắng chứng rối loạn ăn uống
Năm 1988, công nương Diana bắt đầu điều trị chứng ăn - ói với bác sĩ tâm thần Maurice Lipsedge tại Bệnh viện Guy's London. Nhờ bác sĩ Lipsedge, bà nhận ra chứng bệnh bà mắc xuất phát từ trầm cảm nên cách tốt nhất để hồi phục là điều trị trầm cảm.
Không chỉ khôi phục về mặt tâm lý, công nương còn tìm tới sự trợ giúp từ việc luyện tập thể thao. Jenni Rivett, một huấn luyện viên nổi tiếng, thông qua sự giới thiệu của một người bạn đã giúp nữ công nương vượt qua chứng bệnh. Jenni Rivett tiết lộ ngay từ khi bắt đầu, công nương Diana đã tập luyện rất nghiêm túc và chăm chỉ, đều đặn ba buổi một tuần dưới sự chỉ dẫn của huấn luyện viên.
Khi công nương bận rộn hơn với lịch hoạt động dày đặc, bà vẫn không từ bỏ việc tập luyện. Jenni Rivett cho hay công nương Diana vẫn sắp xếp cân bằng giữa công việc với các buổi tập luyện. "Sau mỗi buổi tập, công nương Diana đều cảm thấy tuyệt vời. Bà ấy cười nhiều hơn và biến chứng rối loạn ăn uống trở thành một vấn đề của quá khứ", Jenni Rivett tiết lộ.
Còn đầu bếp Darren cũng đã chia sẻ về quãng thời gian công nương đối phó với chứng rối loạn ăn uống và đã có những thay đổi tích cực. “Cô ấy đã đưa cuộc sống về đúng định hướng. Mỗi ngày công nương đều tập thể dục, tìm những điều tốt đẹp nhất để làm và ăn uống thật lành mạnh. Bánh mì và bơ là món ăn ưa thích của cô nhưng cô sẽ không bao giờ ăn khi chỉ ở một mình."
Tiết lộ thêm về chế độ ăn uống khoa học của công nương Diana, Darren nói thêm: "Công nương không bao giờ ăn nhiều thịt đỏ. Bà ấy không bao giờ ăn thịt bò, không bao giờ ăn thịt heo, thỉnh thoảng bà ấy có ăn thịt cừu khi tiếp khách nhưng phần lớn là thịt gà, cá hoặc 1 quả trứng với khoai tây nướng và raubina, nước sốt.
Khi tôi nấu ăn cho bà ấy, tôi phải thay đổi phong cách. Nếu như nấu ăn cho Nữ hoàng thường nhiều nước sốt và kem thì công nương Diana lại yêu cầu nấu ít thức ăn, loại bỏ chất béo và carbs. Bà ấy sẽ nói: Ông chú ý đến tất cả các chất béo và tôi sẽ chú ý đến phần carbs ở phòng tập thể dục".
Một thói quen lành mạnh khác nữa của công nương Diana mà không thể không nhắc đến là bà thích đi ngủ sớm vào buổi tối. Bà ấy thức dậy lúc 7 giờ sáng để đi đến phòng tập thể dục, vì vậy bà cần ngủ một đêm ngon giấc vào buổi tối.
"Hiệu ứng Diana"
Sau khi nữ công nương Diana công khai nói về chứng bệnh ăn uống vô độ, một loạt các trường hợp mắc chứng ăn bệnh giống như công nương đều được công bố.
Một số người cho rằng tin tức về chứng rối loạn ăn uống của công nương đã khiến nhiều người mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, thực tế sau đó đã được tiết lộ: chính sự công khai đấu tranh với căn bệnh mà công nương mắc phải đã thúc đẩy những người mắc bệnh dám đứng lên thừa nhận về bệnh của bản thân.
Vì lòng can đảm của Công nương Diana để chống lại bệnh tật, nhiều người khác cũng đã dám đối diện với vấn đề của họ và tìm cách chữa trị. Phong trào này đã được biết đến như là “Hiệu ứng Diana”.
Và cũng nhờ sự chia sẻ cởi mở của công nương về căn bệnh rối loạn ăn uống cũng như cách mà cô đã vượt qua nó giúp các chuyên gia, bác sĩ hiểu rõ hơn về chứng bệnh này. Chứng ăn uống vô độ không phải là một triệu chứng của trầm cảm hay tâm lý yếu. Chúng là căn bệnh sinh học phức tạp mà trong nhiều trường hợp, nó có thể do chính trầm cảm hay căng thẳng gây ra.
Chứng bệnh này cũng có thể được thúc đẩy bởi những lời chê bai, chỉ trích khiến cho những người có tâm lý không vững vàng dễ dẫn tới hành vi ăn kiêng.
Ăn quá nhiều tuy có thể cung cấp sự thoải mái cho một người khi cô đơn hoặc bất lực. Nhưng sau đó, họ sẽ thấy tội lỗi và xấu hổ nên thường cố gắng loại bỏ lượng calo dư thừa thông qua nôn mửa, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc nước hoặc tập thể dục quá mức.