Thực phẩm được ví như “nhân sâm động vật” bán đầy vỉa hè, dù tốt nhưng nguy cơ tồn dư hóa chất không hề nhỏ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/08/2024 19:01 PM (GMT+7)

Loại thực phẩm này có giá rất bình dân nhưng lại được ví như “nhân sâm động vật”, tuy nhiên khi sử dụng cần phải lựa chọn và chế biến đúng cách nếu không sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.

Chim cút và trứng chim cút đều là những thực phẩm quen thuộc, bổ dưỡng, được bày bán nhiều ở chợ, siêu thị... Chim cút được chế biến thành nhiều món, người dân có thể mua từ hàng quán vỉa hè, lề đường đến các nhà hàng sang trọng.

Dù là thực phẩm bình dân nhưng giá trị dinh dưỡng của chim cút lại vô cùng lớn, cực tốt cho sức khỏe. Ví dụ như trứng chim cút dù chỉ nhỏ bằng 1/5 quả trứng gà, nhưng chứa lượng vitamin A nhiều hơn trứng gà 2,5 lần. Lượng vitamin B1, vitamin B2 trong trứng cút cũng cao hơn trứng gà tới 2,8 và 2,2 lần. Hay như thịt chim cút, chúng được ví như “nhân sâm động vật”, vì so với các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật khác thì chim cút bổ toàn thân, chứ không chỉ tốt cho một vài bộ phận trên cơ thể.

Chim cút và trứng chim cút đều là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh minh họa.

Chim cút và trứng chim cút đều là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh minh họa. 

Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, chim cút có vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ ngũ tạng, ích trung khí, mạnh gân cốt. Thực phẩm này được dùng cho người suy nhược thần kinh và thể lực, trẻ suy dinh dưỡng, người già lú lẫn, phụ nữ có thai và cho con bú, người mới ốm dậy cần lấy lại sức...

Chim cút còn giúp bổ thận tráng dương, hỗ trợ điều trị đau lưng, mỏi gối. Đã có nghiên cứu của y học hiện đại chứng minh, chim cút được dùng cho trường hợp béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch vì chim cút có ưu điểm giàu chất dinh dưỡng (đạm, khoáng) nhưng rất ít mỡ.

Hiện chim cút chủ yếu được nuôi công nghiệp để lấy trứng, vì thế nguy cơ tồn dư hóa chất từ thức ăn và thuốc kháng sinh rất cao. Ảnh minh họa.

Hiện chim cút chủ yếu được nuôi công nghiệp để lấy trứng, vì thế nguy cơ tồn dư hóa chất từ thức ăn và thuốc kháng sinh rất cao. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, để chim cút phát huy hết tác dụng, ông Sáng cho rằng việc lựa chọn chim có nguồn gốc an toàn và cách chế biến khoa học là điều quan trọng nhất. Theo đó, chim cút hiện nay nuôi để lấy trứng là chính, chủ yếu ăn thức ăn công nghiệp, khi đẻ hết trứng mới thải loại để bán thịt. Do vậy, chim cút có nguy cơ tồn dư hóa chất từ các loại thuốc kháng sinh, thức ăn chăn nuôi là rất lớn.

Để có chất lượng chim tốt nhất, mọi người nên lựa chọn chim được nuôi và cho ăn từ những thức ăn tự nhiên như thóc, ngô… Hoặc chim nuôi công nghiệp nhưng được “cai cám” một thời gian, giúp chúng đào thải hết dư lượng kháng sinh ra bên ngoài trước khi bán thịt thương phẩm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cũng đồng tình với ý kiến trên và cho biết, để phát huy tác dụng của chim cút, ngoài nguồn gốc, chất lượng thì cách chế biến cũng rất quan trọng. Để tận dụng hết giá trị dinh dưỡng của chim cút, tốt nhất không nên chế biến theo cách chiên rán, ngoài làm cho thịt khô, mất dinh dưỡng thì cơ thể còn nhận lượng dầu mỡ rất lớn.

Chim cút quay, nướng bán ở vỉa hè nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất lớn. Ảnh minh họa.

Chim cút quay, nướng bán ở vỉa hè nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất lớn. Ảnh minh họa. 

“Các loại chim quay bán ngoài vỉa hè, nếu sử dụng có thể sẽ nhận tác hại kép đối với sức khỏe. Bởi vì có thể nguồn gốc chim và gia vị tẩm ướp không rõ ràng; quay rán bởi dầu mỡ không rõ nguồn gốc, dầu chiên đi, chiên lại nhiều lần; nguy cơ nhiễm khuẩn khi không được bảo quản đúng cách”, PGS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Theo đó, tùy vào mục đích sử dụng sẽ có cách chế biến thịt chim cút khác nhau, nhưng tốt nhất vẫn là hầm, tần hoặc xào, hấp vì như vậy sẽ giữ lại nhiều dinh dưỡng hơn là chiên rán.

Một số món ăn, bài thuốc từ chim cút được lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn:

- Bổ tỳ, ích thận, dưỡng tâm, an thần (dùng cho người thận hư đau lưng, mỏi gối, ù tai, khó ngủ, biếng ăn, thiếu máu, ho lâu ngày): Chim cút 2 con, củ cải trắng 200g, chim cút làm sạch thái miếng, củ cải thái sợi. Xào chim xong cho củ cải xào cùng, nêm gia vị hành gừng ít rượu, giấm muối đun cho đến khi chín, ăn nóng.

Chim cút có nguồn gốc an toàn, chế biến đúng cách mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Chim cút có nguồn gốc an toàn, chế biến đúng cách mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe. Ảnh minh họa. 

- Kiện tỳ trừ thấp, dưỡng da, ăn ngon ngủ yên: Chim cút 5 con, ý dĩ 50g, rau xà lách 200g, tương, sữa lượng vừa đủ, cùng gia vị gừng hành. Đổ nước vào nồi với sữa, tương, muối, đường, rượu, gừng hành rồi nấu sôi vớt bỏ bọt cho chim vào hạ lửa nấu chín, lấy chim ra rưới nước dùng lên trên trước khi ăn.

- Thanh nhiệt trừ thấp cho người mỡ máu cao, béo phì, xơ cứng mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, lú lẫn tuổi già: Chim cút 1 con, đậu đỏ nhỏ 20g (xích tiểu đâu) và gia vị. Chim cút làm sạch bỏ phủ tạng, nhồi đậu đỏ, cho nước vừa đủ rồi chưng chín cả 2, nêm gia vị hành, gừng, ít muối. Ăn ngày 1 con liền trong 2 tuần.

- Ích khí dưỡng huyết, trẻ em cam tích tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng: Chim cút 2 con, hoài sơn 50g, gạo tẻ 100g nấu cháo khi chín cho ăn nóng, gia vị thích hợp (gừng hành).

Ăn tối giờ nào là tốt nhất, ăn xong cần phải làm gì? Những điều tưởng đơn giản nhưng nhiều người làm sai
Có người cho rằng bữa tối không quan trọng, thậm chí là không nên ăn. Tuy nhiên, cũng không ít gia đình coi đây là bữa chính để tụ họp cùng nhau, bổ...

An toàn thực phẩm

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm