Trẻ em tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 liệu có phản ứng phụ mạnh hơn hay ảnh hưởng tới não, sinh sản?

Ngày 14/10/2021 14:27 PM (GMT+7)

Liều lượng vắc xin ngừa COVID-19 tiêm cho trẻ em có khác biệt gì so với người lớn, liệu vắc xin này có ảnh hưởng lâu dài tới quá trình phát triển của trẻ... là băn khoăn của nhiều phụ huynh khi biết thông tin Bộ Y tế dự kiến cuối năm nay sẽ tiêm ngừa cho

Theo thông tin từ Bộ Y tế, vắc xin COVID-19 sẽ về nhiều hơn từ nay đến cuối năm, trong đó có lô vắc xin mua dành tiêm chủng cho trẻ em. Bộ Y tế cho biết dự kiến ngày 15/10 có hướng dẫn tiêm chủng cho trẻ em, sau đó tập huấn cho hệ thống y tế, cơ sở tiêm chủng để triển khai. 

Trước Việt Nam, Mỹ và một số nước trên thế giới đã tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi bằng vắc xin Pfizer từ hồi tháng 5. Mới đây, ngày 7/10, hãng Pfizer đã đệ đơn xin cấp phép vắc xin cho trẻ nhỏ hơn (5-15 tuổi) tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). 

Nhiều phụ huynh quan tâm tới việc tiêm chủng cho trẻ em và vẫn còn những lo lắng xung quanh việc này. Dưới đây là một số thắc mắc phổ biến và giải đáp từ các chuyên gia quốc tế:

Liều vắc xin cho trẻ em khác người lớn thế nào? 

Theo FDA, liều vắc xin Pfizer được phép dùng cho trẻ 12-17 tuổi giống liều cho người lớn: hai liều 30 microgram, cách nhau 3 tuần. Trong khi đó trẻ 5 đến 11 tuổi đạt phản ứng miễn dịch hiệu quả với liều chỉ bằng ⅓, là 10 microgram/liều. 

Với trẻ dưới 5 tuổi, liều 3 microgram - bằng 1/10 so với liều của người lớn - đang được thử nghiệm.

Vắc xin Pfizer được tiêm cho trẻ em tại nhiều nước.

Vắc xin Pfizer được tiêm cho trẻ em tại nhiều nước.

Modena cũng đang nghiên cứu các chiến lược liều lượng khác nhau cho vắc xin của họ ở 6.750 trẻ khỏe mạnh tại Mỹ và Canada. Ở người lớn, liều tiêu chuẩn của vắc xin này là 100 microgram, cách nhau 4 tuần. Trong nghiên cứu của Moderna với trẻ 2 tới 11 tuổi, công ty này đang thử nghiệm liều 50 hoặc 100 microgam. Với trẻ dưới 2 tuổi, Moderna nghiên cứu các mũi tiêm với liều 25, 50 hoặc 100 microgam. 

Theo tiến sĩ Amesh Adalja, Học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), không giống như thuốc, vắc xin hoạt động theo cách riêng. Nó không tồn lưu ở một nồng độ nhất định trong máu mà thực hiện vai trò kích hoạt hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch của chúng ta sẽ phản ứng với bất kỳ yếu tố nào bên ngoài xâm nhập vào, dù chỉ là lượng nhỏ. Với vắc xin, các nhà khoa học thường nỗ lực tìm ra liều thấp nhất mà vẫn có khả năng bảo vệ cơ thể và đảm bảo an toàn. 

"Vì vậy, liều lượng vắc xin và phản ứng của cơ thể thường không có mối liên hệ tương quan với nhau. Điều quan trọng là tìm được liều lượng phù hợp để kích hoạt được hệ miễn dịch. Với hầu hết các loại vắc xin, một liều lượng nhất định phù hợp với phần đông người sử dụng”, ông giải thích. 

Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin ở trẻ em khác người lớn như thế nào?

Các dữ liệu về tác dụng phụ cụ thể ở trẻ 5-11 tuổi chưa được công bố. Trong nghiên cứu với trẻ 12-15 tuổi thì hiện tượng sốt gặp nhiều hơn so với người lớn một chút. Nhưng nhìn chung, các phản ứng phụ ở trẻ em cũng tương tự như đã thấy ở người lớn. 

The FDA, phản ứng phụ hay gặp nhất được báo cáo ở trẻ vị thành niên tham gia thử nghiệm lâm sàng là đau ở chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi cơ, sốt và đau khớp. Các biểu hiện này thường kéo dài một tới 3 ngày. 

Mặc dầu đau chỗ tiêm hay gặp sau cả hai mũi tiêm, số thanh thiếu niên gặp tác dụng phụ này ở mũi thứ 2 nhiều hơn. Những người trẻ tuổi thường có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với người già bởi họ có hệ miễn dịch khỏe hơn. Bởi vậy, có khả năng trẻ có thể trải qua tác dụng phụ nhiều hơn so với bố mẹ mình dù cùng tiêm một loại vắc xin.

Mặc dù nguy cơ bệnh trở nặng khi nhiễm COVID-19 thấp hơn nhưng trẻ vẫn cần tiêm vắc xin ngừa vì nhiều lý do.

Mặc dù nguy cơ bệnh trở nặng khi nhiễm COVID-19 thấp hơn nhưng trẻ vẫn cần tiêm vắc xin ngừa vì nhiều lý do.

Trẻ không nên tiêm vắc xin Pfizer nếu có tiền sử phản ứng dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào trong vắc xin (chẳng hạn như polyethylene glycol). Các dị ứng với những thành phần vắc xin rất hiếm xảy ra. Vắc xin này không chứa trứng, chất bảo quản hay latex (mủ cao su). Nếu phụ huynh còn băn khoăn, nên hỏi ý kiến chuyên gia nhi khoa trước khi cho con tiêm phòng. 

Nếu trẻ dị ứng nghiêm trọng với những thứ khác (như thuốc, thực phẩm, phấn hoa), cần lưu lại nơi tiêm 30 phút để theo dõi.

Làm sao tôi biết liệu các loại vắc xin này có ảnh hưởng lâu dài tới cơ thể đang lớn của con mình không? 

Các nhà khoa học chỉ có dữ liệu vài tháng gần đây về vắc xin COVID-19 trên trẻ em. Nhưng với việc phân tử mRNA trong vắc xin Pfizer và Moderna bắt chước quy trình tự nhiên của con người, các chuyên gia cho rằng họ tự tin các vắc xin này an toàn cho cơ thể đang lớn của trẻ. 

Tiến sĩ Kristin Oliver, bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về vắc xin tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ), cho biết, mặc dù chưa có nghiên cứu dài hạn về việc liệu vắc xin có tác dụng phụ kéo dài không, “chúng tôi không nghĩ có bất kỳ điều gì đáng lo”. Bà hiểu rằng, phụ huynh có các mối lo ngại cụ thể về việc vắc xin phòng COVID-19 có ảnh hưởng tới khả năng dậy thì hay sức khỏe sinh sản của con mình không, nhưng chưa có lời giải thích hợp lý về mặt sinh học cho câu hỏi này.

“Cần có một số lời giải thích về mặt sinh học về lý do tại sao một loại vắc xin hay tại sao một phản ứng miễn dịch có thể can thiệp vào những việc này (dậy thì, sinh sản). Và bây giờ chưa có. Tôi là một người hay lo lắng nhưng việc chưa biết tác dụng phụ về lâu dài từ vắc xin mRNA thế nào không khiến tôi bất an chút nào”, bác sĩ Oliver nói.

Một thực tế giúp an lòng về vắc xin mRNA là phân tử này sẽ bị các tế bào tiêu diệt khi nó hoàn thành sứ mệnh, vì vậy nó không lưu lại trong cơ thể.

“Đây là một trong những công nghệ tốt hơn nếu bạn lo lắng về việc có chất gì đó nằm trong cơ thể con mình”, tiến sĩ Ibukun C.Kalu, một giáo sư nhi khoa tại Đại học Duke cho biết. “Chẳng có cách nào nó có thể tồn tại trong ADN hay kích hoạt những tác dụng phụ lâu dài có thể ảnh hưởng tới các cơ quan sinh sản của trẻ”.

Một lo lắng phổ biến khác của các phụ huynh là tác dụng của một loại thuốc hay vắc xin mới tới sự phát triển não bộ của con mình. Tiến sĩ Dr. Paul Offit, giám đốc trung tâm giáo dục vắc xin tại Bệnh viện trẻ em Philadelphia (Mỹ), đồng thời là thành viên của ban cố vấn vắc xin của FDA lưu ý rằng cơ thể có hàng rào ngăn hầu hết các protein xâm nhập vào não. Ông nói: “Bộ não của bạn là một nơi được bảo vệ về mặt miễn dịch học”. 

Người trẻ tuổi có thể gặp phản ứng phụ nhiều hơn so với bố mẹ mình do có hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn.

Người trẻ tuổi có thể gặp phản ứng phụ nhiều hơn so với bố mẹ mình do có hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn.

Loại vắc xin này từng được dùng cho trẻ em trước đây chưa? Nó hoạt động như thế nào? 

Vắc xin Pfizer và Moderna sử dụng thứ được gọi là công nghệ mRNA - chữ “m” viết tắt của từ messenger - thông tin. Bạn thử tưởng tượng các phân tử mRNA giống như một tập hướng dẫn. Trong khi một loại vắc xin truyền thống sử dụng các vi trùng đã bị làm cho suy yếu hay bất hoạt để kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể chúng ta thì vắc xin mRNA đưa ra hướng dẫn để dạy các tế bào trong cơ thể cách tạo ra loại protein sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch và sản sinh kháng thể chống lại virus. 

Mặc dầu công nghệ mRNA đã được nghiên cứu 15 năm, đây là lần đầu tiên nó được sử dụng trong vắc xin. Công nghệ này đã được nghiên cứu để điều trị ung thư, chứng loạn dưỡng cơ và các bệnh khác. 

Tiến sĩ Offit nhấn mạnh mặc dù vắc xin mRNA là loại mới, các phân tử mRNA có mặt tự nhiên trong khắp cơ thể con người. 

“Mỗi đứa trẻ trong tế bào của mình đều có khoảng 200.000 bản sao của mRNA. Mỗi tế bào trong cơ thể bạn đều có các phân tử này - thứ tạo ra protein và enzym để bạn duy trì sự sống. Mặc dầu công nghệ này là mới với vắc xin, nó không phải là loại phân tử chúng ta chưa từng biết tới. Tôi hiểu những lo ngại nhưng nó không khác gì khi bạn tạo ra insulin hoặc hemoglobin hoặc albumin hoặc bất kỳ loại protein nào khác mà cơ thể sản sinh”.

Cách thức vắc xin mRNA hoạt động:

Khi trẻ được tiêm vắc xin Pfizer vào cánh tay, chất tiêm này bao gồm phân tử truyền tin, được bao bọc trong một lớp vỏ lipid hợp nhất trong một tế bào. Sau đó, tế bào sử dụng phân tử mRNA như một tập hướng dẫn để tạo ra một thứ gọi là "protein gai", nhô ra khỏi bề mặt tế bào. (Bề mặt của coronavirus được bao phủ bởi các gai tương tự).

Hệ thống miễn dịch của trẻ nhanh chóng nhận ra rằng protein đột biến là kẻ xâm lược bên ngoài và bắt đầu tấn công. Về cơ bản, vắc xin đã huấn luyện hệ thống miễn dịch để nhận biết và tấn công sự đột biến. Sau đó, nếu trẻ tiếp xúc với virus corona thật, hệ thống miễn dịch của trẻ đã học cách xử lý và sẽ thực hiện nhiệm vụ.

Trẻ ít nguy cơ bệnh nặng khi mắc  COVID-19 hơn người lớn, sao không đợi thêm dữ liệu, mà lại phải tiêm từ giờ?

Mặc dầu trẻ ít khi trở nặng khi nhiễm COVID-19, nguy cơ vẫn có. Vào đầu tháng 9, tại Mỹ, khoảng 30% số trường hợp dương tính là trẻ em và khả năng lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta khiến nhiều trẻ phải nhập viện hơn, trong đó có không ít em phải vào đơn vị điều trị tích cực. 

Trẻ nhiễm bệnh khi chưa được tiêm chủng, ngay cả khi không có triệu chứng, có thể lây truyền virus cho các thành viên gia đình, giáo viên và những ai trẻ gặp thường xuyên như ông bà hay những người có nguy cơ bệnh nặng, tử vong khi nhiễm bệnh.

Người chưa tiêm vắc-xin giảm tới 97% nguy cơ nhiễm COVID-19 nếu mọi người trong nhà đã chích ngừa
Nghiên cứu mới cho thấy, trong gia đình có càng nhiều người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thì thành viên còn lại chưa tiêm càng ít có khả năng mắc...

Vắc xin COVID-19

Linh Linh (Dịch từ New York Times)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vắc xin COVID-19