Một tín hiệu rất tích cực đối với bé sơ sinh bị mẹ bỏ ở khe tường đó là đáp ứng điều trị tốt, có thể tự bú được.
Đến nay đã tròn 1 tuần kể từ khi bị người mẹ bỏ ở giữa 2 khe tường tại xóm trọ ở Gia Lâm (Hà Nội), đến nay cháu bé vẫn đang được điều trị tại khoa Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn).
Về tình hình sức khỏe của cháu bé, lãnh đạo khoa Sơ sinh cho biết, khi mới nhập viện cháu không phải thở máy, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch một phần, sau đó có xuất hiện tình trạng nhiễm trùng tiến triển. Trước nguy cơ sức khỏe của bé trai ngày một xấu đi, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định thay thế kháng sinh điều trị, rất may mắn tình trạng của bé đã tốt lên. “Qua kiểm tra mới nhất, tình hình sức khỏe của bé đang tiến triển rất tích cực, sức khỏe cũng đã ổn định hơn rất nhiều”, lãnh đạo khoa Sơ sinh cho hay.
Vấn đề lo ngại nhất của bé là tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh đến nay đã giảm nhiều so với những ngày trước. “Hiện bé đã tự bú bình thường, không phải nuôi qua tĩnh mạch và cũng không phải thở oxy”, thông tin từ bác sĩ khoa Sơ sinh cho biết.
Bác sĩ khoa Sơ sinh đang thăm khám cho em bé bị bỏ rơi.
Trước đó, vào khoảng 10h đêm ngày 18/8/2020, khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận một bé trai khoảng 1 ngày tuổi, nặng 2.2kg, là trẻ bị bỏ rơi giữa hai khe tường tại khu nhà trọ ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. May mắn, cháu được lực lượng cứu hộ và người dân địa phương đục tường giải cứu thành công trong tình trạng không quần áo và còn nguyên dây rốn.
Bé được Bệnh viện đa khoa huyện Gia Lâm, Hà Nội chuyển đến trong tình trạng tỉnh, hạ thân nhiệt, phản xạ sơ sinh tốt và có phản xạ bú. Trên mặt, tay, chân cháu có nhiều vết trầy xước. Ban đầu chưa thấy hạn chế vận động tứ chi, sau đó bé tiếp tục được chuyển đến BV Xanh Pôn cấp cứu.
Tại khoa Sơ sinh (BV Xanh Pôn), bé được chăm sóc tích cực và theo dõi sát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn. Thời điểm mới vào, bé không sốt, tim đều rõ, phổi thông khí đều hai bên, bụng mềm. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, hình ảnh siêu âm thóp bình thường, có rối loạn đông máu và đã được truyền Plasma tươi. Cháu được ủ ấm, nuôi dưỡng tĩnh mạch một phần và tiêm kháng sinh.