Tin vui: Bé gái chào đời khỏe mạnh dù có tới 9 vòng dây rốn quấn cổ rất hiếm gặp

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 17/12/2024 08:22 AM (GMT+7)

Sau khi thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ sinh con, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy thai và phát hiện em bé bị 9 vòng dây rốn quấn cổ, đây là trường hợp rất hiếm gặp.

Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa cho biết, một bé gái nặng 2,5kg chào đời khỏe mạnh, dù em bé phải đối mặt với thách thức rất lớn và hiếm gặp, khi có đến 9 vòng dây rốn quấn cổ.

ThS.BSCKII Nguyễn Xuân Hải - Trưởng khoa Phụ Nội tiết A1 cho biết, trước đó sản phụ Đ.T.M.L. (29 tuổi), mang thai lần 2, nhập viện trong tình trạng chuyển dạ ở hơn 37 tuần. Khi tiến hành mổ lấy thai, ê-kíp bác sĩ đã phát hiện bé bị 9 vòng dây rốn quấn chặt quanh cổ.

Đây là một tình huống rất nguy hiểm, đòi hỏi ê-kíp phải nhanh chóng tháo gỡ và cắt bỏ từng vòng dây rốn để giải cứu em bé. Trường hợp dây rốn quấn cổ nhiều vòng như vậy là cực kỳ hiếm. Nó có thể làm giảm lưu lượng máu qua thai nhi, dẫn đến suy dinh dưỡng nặng, thậm chí mất tim thai bất kỳ lúc nào. Do đó, quyết định mổ bắt con trong trường hợp này là rất kịp thời và may mắn cho cả 2 mẹ con sản phụ”, bác sĩ Hải cho hay.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của dây rốn quấn cổ là do chuyển động quá mức của thai nhi ở những tháng đầu thai kỳ. Với trường hợp dây rốn dài hơn bình thường, nhiều nước ối, đa thai (sinh đôi, sinh ba…) thì có thể làm tăng nguy cơ dây rốn quấn cổ.

Hình ảnh em bé chào đời với 9 vòng dây rốn quấn cổ rất hiếm gặp. Ảnh: BVCC.

Hình ảnh em bé chào đời với 9 vòng dây rốn quấn cổ rất hiếm gặp. Ảnh: BVCC.

Dây rốn có thể quấn quanh cổ một hoặc nhiều vòng. Nếu dây rốn quấn ba vòng trở lên thì nguy cơ thai lưu tăng lên. Tuy nhiên, có những trường hợp không bắt buộc phải mổ lấy thai mà mẹ bầu vẫn có thể sinh thường dưới sự thăm khám và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ sản khoa.

Biến chứng thường gặp nhất khi bị dây rốn quấn cổ bao gồm:

- Giảm lưu lượng máu đến thai nhi, điều này có thể dẫn đến lượng máu, nồng độ oxy của thai nhi thấp;

- Hạn chế tăng trưởng trong tử cung (IUGR). Chất dinh dưỡng giảm làm thai nhi kém phát triển;

- Ép dây rốn khi sinh ngả âm đạo. Chặn dòng máu và oxy đến thai nhi;

- Dây rốn thắt nút: Điều này có thể chặn hoàn toàn bất kỳ lưu lượng máu nào đến thai nhi, làm tăng nguy cơ tử vong ở thai nhi;

- Chậm phát triển: Chẳng hạn, bại não có thể do lượng máu và oxy thấp (thiếu oxy);

- Thai chết lưu. Hạn chế kéo dài lượng máu và oxy có thể dẫn đến tử vong.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, các thai phụ cần đi khám thai định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ và đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường. Trong quá trình chuyển dạ, nếu thai nhi bị dây rốn quấn cổ sẽ được bác sĩ tư vấn cũng như theo dõi cuộc sinh nhằm phát hiện sớm những bất thường để xử lý phù hợp.

Nhiều chị em rất muốn nhưng không thể yêu, chuyên gia chỉ cách điều trị không cần dùng thuốc
Rất nhiều người cho rằng, tình dục là chuyện tế nhị nên khi gặp vấn đề thường ngại chia sẻ, từ đó khiến cho quan hệ vợ chồng bị rạn nứt, giảm chất...

Kiến thức giới tính

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức sức khỏe