Người phụ nữ sau sinh bị mẹ chồng tát vì định cho con uống sữa công thức. Không ngờ sau cái tát ấy, người phụ nữ lại phát bệnh trầm cảm.
Sau khi các cặp vợ chồng có con, mâu thuẫn trong gia đình giữa vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu rất dễ nảy sinh do sự bất đồng về quan điểm nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ trẻ. Nếu lúc này không giải quyết hợp lý sẽ dễ ảnh hưởng đến tâm lý của người mới làm mẹ.
Bác sĩ sản phụ khoa Zhang Yuqi tại Bệnh viện Wanfang thành phố Đài Bắc, Đài Loan gần đây có nhận được một tin nhắn dài của một bệnh nhân cũ từng được bác sĩ đỡ đẻ tháng trước. Người phụ nữ cầu cứu bác sĩ vì sợ rằng bản thân bị trầm cảm sau sinh và không biết phải làm sao.
Người phụ nữ mới sinh con vì ít sữa nên thường xuyên bị mẹ chồng chê trách lười ăn, không biết làm mẹ. (Ảnh minh họa)
Người phụ nữ cho biết gần đây bị mất ngủ, chẳng muốn ăn uống, xong thỉnh thoảng tâm trí như trên mây, có lúc con khóc mà cô cứ ngồi thẫn thờ chẳng dỗ con đến khi mẹ chồng vào quát mới bừng tỉnh. Vì lo sợ bản thân gặp vấn đề nên cô đã quyết định nhắn tin hỏi bác sĩ.
Bác sĩ Zhang Yuqi đã hỏi người phụ nữ dạo gần đây có gặp vấn đề gì khiến cô khó chịu hay trong gia đình có nảy sinh mâu thuẫn gì không. Người phụ nữ đã thành thực kể lại cho bác sĩ: "Tôi vừa mới sinh đã bị mẹ chồng tát chỉ vì cho con uống sữa công thức. Tôi không đủ sữa cho con bú, mỗi lần hút sữa chỉ được 40-50ml trong khi con cần bú 90ml sữa mỗi lần. Vì muốn cố gắng đủ sữa cho con nên cứ 4 tiếng tôi lại hút sữa, có lúc nửa đêm cũng phải dậy hút sữa.
Thế mà mẹ chồng tôi vẫn suốt ngày trách tôi ăn ít nên ít sữa khiến con quấy khóc vì đói. Bà còn hàng ngày nói ra rả bên tai tôi rằng phải nuôi con bằng sữa mẹ, phải cho con bú xong còn kể lể ngày xưa bà sinh con xong đã phải đi làm mà vẫn đều đặn về nhà cho con bú, làm gì được như thế hệ bây giờ nghỉ thai sản ở nhà.
Thực sự, tôi đã rất mệt vì chăm con, bản thân không có sữa cũng rất buồn lại bị mẹ chồng cằn nhằn nhiều như vậy nên chán chẳng muốn ăn uống, có lúc trốn trong nhà tắm khóc. Sau đó tôi nghe một người hàng xóm nói có thể cho con uống sữa công thức để mẹ nghỉ ngơi thoải mái hơn thì sữa sẽ về nhiều. Vì vậy, tôi đã mua một hộp sữa công thức về định pha cho con uống.
Ai ngờ khi mẹ chồng tôi nhìn thấy bà đã thẳng tay tát tôi và mắng tôi không biết làm mẹ. Chồng tôi khi biết chuyện cũng chỉ an ủi mẹ rồi trách tôi không biết chăm con, nên nghe theo lời mẹ anh ta. Tôi đã rất sốc và đau khổ nên bỏ ra ngoài tới chiều tối mới về và lại tiếp tục bị mẹ chồng chửi không có trách nhiệm. Hình như kể từ lúc ấy, tôi bắt đầu cảm thấy tâm lý không ổn".
Cô bị mẹ chồng tát và mắng chửi vì định cho con uống sữa công thức. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Zhang Yuqi sau khi đọc những chia sẻ của người phụ nữ đã đề nghị cô tới phòng khám và nhận định có thể cô chưa đến mức bị trầm cảm nhưng nếu kéo dài thì nguy cơ trầm cảm sẽ rất cao, cần đưa cả chồng và mẹ chồng đến để được tư vấn.
Trầm cảm sau sinh
Sự ra đời của một em bé có thể dẫn tới nhiều cảm xúc mạnh mẽ, từ phấn khích và vui mừng đến sợ hãi và lo lắng. Nhưng nó cũng có thể dẫn đến một điều mà bạn có thể không ngờ tới: Trầm cảm.
Hầu hết các bà mẹ mới đều trải qua tình trạng "baby blues" sau khi sinh con, thường bao gồm tâm trạng thất thường, hay khóc, lo lắng và khó ngủ. Hội chứng "baby blues" thường bắt đầu trong vòng 2-3 ngày đầu tiên sau khi sinh và có thể kéo dài đến hai tuần.
Nhưng một số bà mẹ mới trải qua một dạng trầm cảm lâu dài, nghiêm trọng hơn được gọi là trầm cảm sau sinh. Đôi khi nó được gọi là trầm cảm chu sinh vì có thể bắt đầu trong khi mang thai và tiếp tục sau khi sinh con.
Ban đầu, trầm cảm sau sinh có thể bị nhầm lẫn với hội chứng "baby blues" nhưng các triệu chứng nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn. Những điều này cuối cùng có thể cản trở khả năng chăm sóc em bé và xử lý các công việc hàng ngày khác. Các triệu chứng thường phát triển trong vài tuần đầu sau khi sinh. Nhưng chúng có thể bắt đầu sớm hơn trong khi mang thai hoặc muộn hơn chẳng hạn sau sinh 1 năm.
Mâu thuẫn gia đình có thể làm tăng nguy cơ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. (Ảnh minh họa)
Các triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể bao gồm:
- Tâm trạng chán nản hoặc thay đổi tâm trạng nghiêm trọng
- Khóc quá nhiều
- Thấy khó kết nối với em bé
- Tránh xa gia đình và bạn bè
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường
- Không thể ngủ được hoặc ngủ quá nhiều
- Quá mệt mỏi hoặc mất năng lượng
- Ít hứng thú và niềm vui trong các hoạt động bạn từng thích
- Khó chịu và tức giận dữ dội
- Sợ rằng bạn không phải là một người mẹ tốt
- Cảm giác vô vọng, vô dụng, xấu hổ, tội lỗi hoặc kém cỏi
- Giảm khả năng suy nghĩ rõ ràng, tập trung hoặc đưa ra quyết định
- Bồn chồn, lo lắng nghiêm trọng và hoảng loạn
- Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé
- Lặp đi lặp lại suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh:
- Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị trầm cảm, trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt (PMDD) .
- Hỗ trợ xã hội hạn chế.
- Xung đột hôn nhân hoặc mối quan hệ.
- Mâu thuẫn về việc mang thai.
- Các biến chứng khi mang thai như khó sinh hoặc sinh non.
- Bạn dưới 20 tuổi hoặc là cha mẹ đơn thân.
- Em bé có nhu cầu đặc biệt hoặc em bé khóc nhiều
Những người bị trầm cảm có thể không nhận ra hoặc thừa nhận rằng họ đang bị trầm cảm. Họ có thể không nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Nếu bạn nghi ngờ rằng một người bạn hoặc người thân bị trầm cảm sau sinh hoặc đang phát triển chứng rối loạn tâm thần sau sinh, hãy giúp họ tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Đừng chờ đợi và hy vọng tình trạng sẽ tự cải thiện.