Vừa tỉnh dậy, Hương Thảo choáng váng, nôn nhiều và ù đặc một bên tai. Cô được đưa đi cấp cứu ngay, sau đó điều trị suốt nửa năm nhưng tình trạng điếc không cải thiện.
Bài chia sẻ trên mạng xã hội của Thảo vài ngày trước về tình trạng điếc đột ngột đã cảnh báo nhiều người về thói quen có hại cho sức khỏe.
Mấy ngày qua, những dòng chia sẻ trên trang cá nhân về bệnh điếc đột ngột và cảnh báo thói quen có thể dẫn tới tình trạng này của Hà Hương Thảo, cô gái sinh năm 1995, quê Uông Bí, Quảng Ninh, đã thu hút hơn 2.200 lượt bình luận và chia sẻ.
Thảo kể lại, từ tháng 4/2020, cô thường xuyên bị mất ngủ. “Tất cả xuất phát từ vài lần tặc lưỡi thức qua đêm xem phim, đọc truyện, lướt facebook, cộng với tính mình hay nghĩ ngợi nên thường xuyên stress, khó ngủ”, Thảo chia sẻ. Tới khi thành thói quen, muốn đi ngủ sớm cũng không được, Thảo nhận ra một loạt vấn đề xuất hiện: Da thâm sạm, nổi mụn, tóc rụng, kinh nguyệt rối loạn, đau dạ dày và trào ngược liên tục, luôn cáu gắt...
“Thời điểm đó, chính mình đã viết một bài cảnh báo về mất ngủ, được đông đảo các bạn chia sẻ nhưng bản thân mình không làm được và rồi phải gánh hậu quả”, cô viết.
Tháng 12/2020, một lần ngủ dậy, Thảo choáng váng, nôn, không đi lại được, ù đặc bên tai phải. Cô được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở Uông Bí rồi tiếp đó chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội. Sau các xét nghiệm hiện đại nhất, cô được kết luận là điếc đột ngột một bên tai. 17 ngày sau đó, Thảo được điều trị tích cực nhưng thính lực không hồi phục.
“Mình chỉ nằm ngủ một tư thế quay về bên trái, nếu quay sang phải sẽ choáng nặng, hoặc đêm ngủ say không biết có lỡ quay sang thì cả ngày sau sẽ ngơ ngẩn đầu óc… Những ngày đầu ra đường không phân biệt được âm thanh đến từ đâu, không tự sang đường, không lái xe được, đầu óc chậm chạp…”, cô gái 26 tuổi nhớ lại.
Suốt 6 tháng qua, cô đã dùng nhiều loại thuốc, áp dụng cả châm cứu nhưng tai phải lúc nào cũng như có tiếng ve kêu to.
Chấp nhận tình trạng một bên tai không thể phục hồi thính lực, Thảo muốn nhắn nhủ các bạn trẻ biết trân trọng sức khỏe hơn, hạn chế stress và luôn suy nghĩ tích cực.
Thảo cho biết, sau bài đăng chia sẻ tình trạng bệnh của mình, cô nhận được tin nhắn, điện thoại của rất nhiều người gặp vấn đề tương tự. “Điều đáng tiếc là hầu hết mọi người cũng như mình, chỉ phát hiện ra khi tình trạng quá nặng. Trong gần 30 người điếc đột ngột mình biết, thì chỉ có 1-2 người điều trị khỏi, 5 người khác tăng khả năng nghe lên một chút, còn lại đều không có dấu hiệu hồi phục”, Thảo cho biết.
Mặc dù “không thể vui khi điếc ở tuổi 26”, Thảo cho biết, cô rất cảm động vì nhận được sự quan tâm của mọi người và rút ra được bài học đắt giá là phải biết quý trọng sức khỏe và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh. “Tôi mong mọi người yêu bản thân và biết trân trọng sức khỏe hơn. Xin đừng thức khuya nữa”, cô gái 26 tuổi bộc bạch.
Về trường hợp của Thảo, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Dương, khoa Thính -thanh học, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, cho rằng, mất ngủ kéo dài và căng thẳng thần kinh là các yếu tố thuận lợi có thể góp phần gây điếc đột ngột, mặc dù không phải điều này xảy ra trên tất cả mọi người. Để điếc đột ngột xảy ra cần có nhiều yếu tố kết hợp, mất ngủ và căng thẳng là tác nhân phối hợp, chứ không phải là nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ có thể hạn chế các tác nhân hay yếu tố thuận lợi gây bệnh. “Trường hợp cô gái ở Quảng Ninh bị nghe kém đột ngột có thể có yếu tố nguyên nhân, kết hợp với điều kiện thuận lợi là mất ngủ và căng thẳng thần kinh”, bác sĩ Dương nói.
Bác sĩ cho biết, ông từng gặp nhiều trường hợp bị điếc đột ngột sau những tình huống ít ai nghĩ là có liên quan như: gặp lạnh, thức đêm, lo lắng/stress, học tập quá căng thẳng, nghe nhạc với cường độ mạnh...
“Như đã nói ở trên, đây là những điều kiện thuận lợi hơn là nguyên nhân. Nhưng để bệnh không xảy ra, ngoài việc hạn chế nguyên nhân thì cũng phải tìm cách duy trì lối sống lành mạnh để các điều kiện thuận lợi không góp phần gây bệnh. Y văn đã đề cập các tình trạng rối loạn vận mạch, rối loạn chuyển hóa thần kinh có liên quan đến các tình huống nêu trên (đặc biệt là lo lắng, stress, căng thẳng)”, bác sĩ khuyến cáo.
Theo bác sĩ Dương, có một số nguyên nhân chính gây điếc đột ngột nói chung và ở người trẻ nói riêng (loại điếc đột ngột do nguyên nhân ảnh hưởng đến tai-thần kinh hay còn gọi là tai trong):
- Do virus: Thường xuất hiện sau cảm lạnh, gặp lạnh... Ví dụ: Virus herpes simplex, sởi, quai bị, rubella...
- Do yếu tố vận mạnh như co thắt mạch tai trong hoặc tuần hoàn não.
- Do nguyên nhân thần kinh
- Ngộ độc tai trong do thuốc (như streptomycin).
- Do tiếng ồn mạnh, do chấn thương, do khối u của đường thần kinh thính giác.
- Điếc vô căn (không tìm thấy nguyên nhân)
Theo bác sĩ, hiện tại chưa có nghiên cứu đánh giá tần suất gặp điếc đột ngột ở người trẻ, nên không có số liệu chính xác. Nhưng tình trạng bạn trẻ chủ quan không đi khám bệnh, có lối sống không lành mạnh, cùng với các biện pháp chẩn đoán hiện đại, có thể đưa đến tỷ lệ bệnh cao hơn so với trước đây.
Để phòng ngừa tình trạng điếc đột ngột ở người trẻ, bác sĩ lưu ý:
- Duy trì nếp sống lành mạnh: Ăn uống đủ chất, không dùng đồ uống kích thích như bia rượu cồn, tập luyện thể thao theo điều kiện sức khỏe, ăn ngủ điều độ, đảm bảo ngủ đủ.
- Không tiếp xúc với tiếng ồn mạnh, nhất là không nghe tai nghe với cường độ âm thanh lớn.
- Chú trọng tiêm phòng đầy đủ với các loại virus đã có vaccine như sởi, quai bị, Rubella...
- Tránh lạnh đột ngột (thói quen tắm đêm...)
- Thường xuyên chú ý chăm sóc sức khỏe tai: Ù tai, nghe kém mọi mức độ cần đi khám ngay.