Liệu thường xuyên đeo tai nghe, mở nhạc tiếng to khi làm việc, tập thể dục có dẫn đến giảm thính lực? Câu hỏi của nữ thiết kế tại Hà Nội sẽ được TS, BS Nguyễn Duy Dương, khoa Thanh thính học, Bệnh viện Tai mũi họng TW, giải đáp.
Tôi 25 tuổi, làm công việc viết lách. Thời gian này làm việc ở nhà, để tránh bị phân tán khi các thành viên khác trong gia đình nói chuyện, xem TV, tôi thường xuyên đeo tai nghe và mở âm lượng lớn lúc ngồi làm việc với máy tính. Vào buổi sáng, vì không thể ra đường, tôi tập thể dục tại nhà và cũng đeo tai nghe bluetooth để khỏi đánh thức mọi người sớm.
Gần đây, nhiều người xung quanh bảo tôi hay nói to ông ổng, dù lúc nghe điện thoại hay khi trò chuyện với mọi người. Bản thân tôi cũng cảm thấy khả năng nghe của mình kém hơn.
Tôi lo lắng có thể thính lực đang bị giảm. Xin bác sĩ cho biết, liệu việc thường xuyên đeo tai nghe có dễ dẫn tới bị điếc không ạ? Tôi nên làm gì?
Chào bạn,
Dùng tai nghe khi nghe nhạc, xem phim, chơi game rất phổ biến với giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, đeo tai nghe cũng cần sử dụng loại phù hợp với sức nghe.
Thông thường, có 2 loại tai nghe: loại có chụp tai và loại nhét vào lỗ tai/vành tai (insert earphone). Loại có chụp tai thường công suất lớn, còn loại nhét vào lỗ tai thì công suất nhỏ nhưng lại truyền nhiều năng lượng âm đến tai do nhét hẳn trong lỗ tai. Do đó, cả 2 loại tai nghe này đều có thể gây điếc do tiếng ồn nếu như nghe với âm lượng lớn và trong thời gian kéo dài.
Nếu sức nghe bình thường thì không được nghe với cường độ âm lượng cao và không được nghe tai nghe trong thời gian dài. Nghe tai nghe với cường độ âm thanh lớn, trong thời gian dài liên tục sẽ gây điếc do tiếng ồn và không hồi phục.
Điếc tiếng ồn thường xảy ra từ từ, tăng dần, không hồi phục. Người bệnh nghe kém mức độ nhẹ không nhận biết được, khi cảm nhận tiếng nói bản thân không rõ như trước, hoặc gặp khó khăn khi giao tiếp... có thể đã có nghe kém mức độ trung bình trở lên. Bạn cần đi khám và đo thính lực ngay để đánh giá chức năng nghe.