Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống trà có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại chứng viêm, thậm chí ngăn ngừa ung thư và bệnh tim. Nhưng uống trà nhiều có thật sự tốt?
Trà là một trong những thức uống phổ biến nhất và cũng lâu đời nhất trên thế giới, đương nhiên đều có lý do của nó. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh lợi ích tuyệt vời của trà đối với sức khỏe.
Tác dụng của uống trà
1. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Quá trình chuyển đổi của cơ thể không chỉ sinh ra năng lượng mà còn sinh ra các gốc tự do. Thông qua quá trình oxy hóa, những gốc tự do này sẽ biến thành những tác nhân gây hại cho cơ thể, là nguyên nhân gây ra một loạt bệnh mãn tính, đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Trong khi đó, trà được chứng minh chứa rất nhiều chất chống oxy hóa tiêu biểu như flavonoid. Các chất chống oxy hóa này sẽ ngăn chặn sự phát triển của gốc tự do gây lão hóa và các vấn đề sức khỏe.
2. Chống ung thư
Trà được chứng minh là kích hoạt enzym giải độc bên trong cơ thể ngăn ngừa sự phát triển của khối u, và có sự liên hệ giữa việc phòng chống ung thư với việc uống trà. Nghiên cứu trên phụ nữ bị ung thư vú cho thấy hoạt chất polyphenol trong trà xanh có thể làm giảm các loại protein gây sự tăng trưởng tế bào khối u. Ngoài ra, uống trà còn có tác dụng ngăn ngừa các loại ung thư khác như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vòm họng...
3. Hỗ trợ tim mạch
Theo thông tin trên tờ The Times, việc uống trà mỗi ngày có thể làm giảm 11% nguy cơ mắc bệnh tim. Trang Havard Heart Letter thuộc Đại học Y Harvard cũng thống kê người Nhật Bản uống 5 tách trà mỗi ngày giúp giảm 26% tỷ lệ mắc bệnh đau tim.
4. Tăng tuổi thọ
Từng có khảo sát đối với những người sống thọ trăm tuổi cho thấy, 40% số người sống không thể thiếu trà và 80% số người có thói quen uống trà.
5. Giảm stress
Trong trà xanh có chứa chất l-theanine, một loại axit amin giúp cơ thể thư giãn, giảm lo âu và căng thẳng. l-theanine hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh làm tăng sóng alpha trong não, nhờ đó giúp bộ não giảm stress hiệu quả.
6. Giảm cân
Chỉ cần uống 8 - 10 gram trà mỗi ngày trong vòng 12 tuần đã giúp lượng mỡ cơ thể giảm được khoảng 3 kg. Trong số tất cả các sản phẩm giảm cân ở Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, chế phẩm từ trà được xếp hạng đầu.
7. Ngăn chặn sự lây lan của HIV
Trong trà có chứa chất polyphenol EGCG. Theo nhiều nghiên cứu, hợp chất này có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của virus HIV trong cơ thể người, khi tiêm chủng mang lại hiệu quả phòng chống nhiễm HIV.
8. Giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore đã theo dõi trong 12 năm đối với 63.257 người Trung Quốc tại Singapore ở độ tuổi từ 45 đến 75. Nghiên cứu phát hiện tỉ lệ phát triển bệnh Parkinson ở những người trung niên và người già thường xuyên uống trà thấp hơn 71% so với những người không có thói quen uống trà.
9. Giảm triệu chứng của bệnh tiểu đường
Nghiên cứu tại Đại học Y Dược Toyama Nhật Bản phát hiện: 1.300 bệnh nhân tiểu đường uống trà pha với nước đun sôi để nguội, qua thời gian 6 tháng cho thấy 82% số bệnh nhân tiểu đường đã giảm được đáng kể các triệu chứng, khoảng 9% bệnh nhân tiểu đường phục hồi trở lại bình thường lượng đường trong máu.
10. Cải thiện giấc ngủ
Với những người mắc chứng mất ngủ, khó ngủ, một ly trà ấm trước khi đi ngủ có thể là giải áp vô cùng hiệu quả. Các hợp chất có lợi trong trà sẽ giúp cơ thể thư giãn, đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, cải thiện giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.
11. Đẹp da
Trà có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn chặn quá trình lão hóa của da nói riêng và cơ thể nói chung. Nhờ đó, việc uống trà sẽ giúp hạn chế những dấu hiệu lão hóa trên da như da nhăn nheo, khô da, xuất hiện nếp nhăn, tàn nhang, nám da... Bên cạnh đó, việc uống trà cũng được chứng minh có tác dụng giảm nguy cơ mắc ung thư da.
12. Tốt cho răng miệng
Uống trà thường xuyên, đặc biệt là trà xanh, có nhiều tác dụng cho sức khỏe răng miệng. Uống trà cũng giúp giảm các bệnh về răng miệng như: sâu răng, hôi miệng, mòn răng, ung thư miệng, viêm lợi, viêm nướu...
Tác dụng của các loại trà khác nhau
Dưới đây là tác dụng của những loại trà phổ biến nhất trên thế giới:
1. Trà trắng
Trà trắng được chế biến từ cây Camellia sinensis, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ, được biết đến với hương vị vô cùng tinh tế. Trà trắng cũng là loại trà ít được chế biến nhất.
Nghiên cứu cho thấy trà trắng có thể là loại trà hiệu quả nhất trong việc chống lại các dạng ung thư khác nhau nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Trà trắng cũng có thể tốt cho răng của bạn vì nó chứa một nguồn florua, catechin và tannin cao có thể làm chắc răng, chống lại mảng bám, đồng thời có khả năng chống lại axit và đường.
Trà trắng cũng là loại trà chứa ít caffein nhất, là lựa chọn tốt cho những người thích uống trà nhưng muốn tránh caffein.
2. Trà thảo mộc
Trà thảo mộc gần giống với trà trắng nhưng có sự pha trộn của các loại thảo mộc, gia vị, trái cây hoặc các loại thực vật khác ngoài lá trà. Trà thảo mộc hầu như không chứa caffein.
Những loại trà thảo mộc phổ biến nhất là: trà hoa cúc, hồng trà, trà bạc hà, trà gừng, trà Hibiscus.
3. Trà xanh
Trà xanh có hàm lượng flavonoid đặc biệt cao có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch của bạn bằng cách giảm cholesterol xấu và giảm đông máu. Các nghiên cứu cho thấy loại trà này cũng có thể giúp giảm huyết áp, chất béo trung tính và cholesterol toàn phần.
Nghiên cứu khác cũng chỉ ra trà xanh có tác dụng giảm nguy cơ mắc ung thư gan, vú, tuyến tiền liệt và đại trực tràng. Loại trà này cũng đã được chứng minh là có khả năng chống viêm, giúp giữ cho làn da của bạn sáng mịn.
4. Trà đen
Trà đen được làm từ lá của cây Camellia sinensis, giống cây được sử dụng để làm trà trắng. Tuy nhiên, lá được sấy khô và lên men, cho màu trà đen đậm hơn và hương vị đậm đà hơn.
Trà đen có chứa nhiều hợp chất flavonoid, giúp chống lại chứng viêm và hỗ trợ chức năng miễn dịch khỏe mạnh. Tắm bằng nước lá trà đen có thể làm dịu chứng viêm do phát ban trên da, giảm đau và giảm sưng do các vết xước hay vết bầm tím.
Không giống như nhiều loại trà khác, trà đen có chứa caffein. Do đó, bạn cần theo dõi lượng tiêu thụ để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
5. Trà ô long
Trà ô long là một loại trà truyền thống của Trung Quốc, cũng được làm từ lá của cây Camellia sinensis nhưng khác nhau ở cách chế biến để tạo ra mùi vị và màu sắc đặc trưng của trà ô long.
Trà ô long nổi tiếng vì có chứa l-theanine, một loại axit amin giúp giảm lo lắng và tăng sự tỉnh táo và chú ý. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng l-theanine có thể giúp ngăn ngừa các bệnh về nhận thức như bệnh Parkinson và Alzheimer.
Tác hại của việc uống trà quá nhiều
Uống trà mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng giống như câu nói "cái gì nhiều quá cũng không tốt", việc uống quá nhiều trà có thể gây hại tới cơ thể của bạn theo nhiều cách khác nhau.
Uống quá nhiều trà mỗi ngày (quá 3 - 4 ly, tương đương 710 - 950ml) vẫn có nguy cơ kéo theo một loạt tác dụng phụ phát sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể:
- Suy giảm khả năng hấp thu sắt
- Tăng sự lo lắng, căng thẳng và bồn chồn
- Khó ngủ
- Buồn nôn
- Ợ nóng
- Chóng mặt, đau đầu
- Dễ gây nghiện caffeine
- Có thể gây ra biến chứng thai kỳ.
Nguồn tham khảo: The Hidden Health Benefits of Tea - Đăng tải trên trang web Penn Medicine - Xuất bản ngày 9/12/2019. |