Giấc ngủ là vô cùng quan trọng với sức khỏe của chúng ta. Do đó, thức khuya gây ra rất nhiều tác hại mà nhiều người thường chủ quan bỏ qua.
Tất cả chúng ta đều biết rằng giấc ngủ là rất quan trọng cho sức khỏe của cơ thể và luôn được khuyên rằng đi ngủ sớm mới tốt. Tuy nhiên, vì vấn đề công việc hoặc cuộc sống, hay đôi khi là những vấn đề liên quan tới sức khỏe, rất nhiều người thường đi ngủ muộn. Nếu tình trạng này kéo dài liên tiếp, nó có thể gây ra những tác hại khó lường.
Tác hại của thức khuya
1. Tăng cân
Khi thức khuya, nhiều người thường cảm thấy mệt mỏi và đói bụng, do đó thường tìm đến đồ ăn và nước uống, đặc biệt là đồ ăn nhanh. Điều này sẽ khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng và gây ra nhiều tác động xấu khác tới sức khỏe.
2. Mất tập trung
Ai cũng biết rằng con người cần được ngủ đêm từ 6-8 tiếng mới tốt cho cơ thể. Thực tế, đây là khoảng thời gian cần và đủ để cơ thể hồi phục và nghỉ ngơi sau một ngày dài mệt mỏi, hoạt động tốt cho ngày hôm sau, bởi cơ thể chúng ta không phải là máy móc.
Khi ngủ, bộ não cũng được nghỉ ngơi để tổ chức và sắp xếp lại toàn bộ thông tin. Nếu ngủ muộn và dậy muộn, sự liên kết các tế bào não mất nhiều thời gian hơn, dẫn tới mất tập trung và uể oải. Do đó, việc thức khuya và thiếu ngủ sẽ khiến bạn không thể tập trung cao độ để làm việc hiệu quả.
3. Suy giảm trí nhớ
Theo thống kê, tỷ lệ người có thói quen thức khuya bị suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường không có thói quen thức khuya. Bởi vì thời gian buổi tối là lúc để bộ não nghỉ ngơi và ghi nhớ lại những hoạt động đã diễn ra trong ngày. Nhưng khi chúng ta thức khuya, đã làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não. Do đó, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và không thể nhớ được điều gì một cách nhanh chóng.
4. Hiệu suất kém
Sinh viên hoặc thanh niên là những đối tượng thường xuyên thức khuya nhất. Họ cho rằng chỉ thức vài ngày sẽ không sao hoặc bản thân còn trẻ, còn sung sức nên không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Thực chất, việc không nghỉ ngơi đầy đủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ vào ban ngày, từ đó dẫn tới hiệu suất học tập và làm việc giảm sút.
5. Ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa
Các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi dẫn đến suy yếu. Hơn thế nữa, thức khuya khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều dẫn đến viêm loét dạ dày nếu tình trạng này kéo dài, hoặc làm nặng hơn tình trạng bệnh nếu đã mắc bệnh trước đó rồi. Ngoài ra nếu thức để làm việc căng thẳng hay xem chương trình có tính chất kích thích, hồi hộp cũng làm cho tình trạng bệnh lý dạ dày tá tràng nặng hơn.
Hơn nữa, vi khuẩn đường ruột cũng hoạt động theo đồng hồ sinh lý, thay đổi thường xuyên theo ngày và đêm. Nếu bạn thức khuya, hệ vi khuẩn đường ruột và số lượng lợi khuẩn sẽ bị mất cân bằng, từ đó dẫn tới hệ tiêu hóa hoạt động kém.
6. Suy yếu hệ miễn dịch
Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi và làm cho sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Vì vậy những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... hơn so với người ngủ đủ giấc.
7. Nguy cơ mắc bệnh tim
Khi bạn đã quen với việc ngủ muộn, một loại hormone có tên cortisol sẽ được giải phóng trong cơ thể. Hormone này làm tăng huyết áp của chúng ta. Từ đó, cơ thể bạn có thể có nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp và bệnh tim.
8. Nguy cơ mắc bệnh tâm thần
Khi bạn ngủ muộn và không được nghỉ ngơi đầy đủ, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng đầu óc hơn những người ngủ đủ giấc. Nếu tình trạng này kéo dài, nó có nguy cơ gây nên rối loạn tâm thần và trầm cảm.
Một số người ngủ muộn thành thói quen, không thể ngủ sớm được, thậm chí phải tìm đến thuốc ngủ, điều này càng làm tăng mức độ căng thẳng và stress, gây nên những tức hại khó lường.
9. Giảm thị lực
Vào ban đêm là lúc mắt cần được nghỉ ngơi sau cả ngày làm việc, khi chúng ta thức đêm có nghĩa là mắt phải tiếp tục làm việc, cộng với điều kiện không đủ ánh sáng lâu dần thị lực sẽ giảm đi đáng kể. Nếu thức khuya mà làm việc cùng các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại đòi hỏi mắt phải điều tiết và tiết ra các chất lỏng bôi trơn. Càng nhìn trong thời gian dài cộng thêm điều kiện ánh sáng không đáp ứng đủ, mắt càng phải tiết nhiều chất lỏng bôi trơn hơn, và đó cũng là nguyên nhân khiến mắt bị khô, mỏi.
Nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên thức khuya cũng là những người dễ có nguy cơ mắc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, thoái hóa điểm vàng hay nghiêm trọng nhất là mù lòa.
Tác hại của thức khuya với phụ nữ và nam giới
Ngoài những tác hại chung ở trên, việc thức khuya còn có những ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống của nữ giới và nam giới như sau:
1. Tác hại của thức khuya với phụ nữ
- Khoảng thời gian 22h-23h là thời điểm làn da của chúng ta phục hồi, do đó nếu bạn bỏ lỡ khoảng thời gian nghỉ ngơi này, làn da sẽ bị tác động xấu. Bạn sẽ dễ gặp phải các vấn đề về da như khô da, da xỉn màu, da nhạy cảm, xuất hiện nếp nhăn, mụn trứng cá... Ngủ ngon và đủ giấc sẽ giúp cung cấp nước cho da của bạn để giúp da không bị nhạy cảm, khô và bong tróc. Ngoài ra, việc thiếu ngủ còn dễ dẫn đến lưu thông máu quanh mắt kém, sẽ xuất hiện quầng thâm quanh mắt, vệt máu trong lòng trắng của mắt và bọng mắt.
- Rối loạn kinh nguyệt: Việc thức khuya làm gián đoạn quá trình hoạt động của tuyến yên và buồng trứng, từ đó làm giảm nồng độ hormone estrogen, progesterone và một số thành phần cần thiết cho quá trình chuyển hóa. Hormone bị rối loạn và mất cân bằng có thể dẫn đến chứng rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, mệt mỏi, đau bụng kinh và hội chứng tiền kinh nguyệt. Các chuyên gia cho rằng, nữ giới có thói quen thức khuya thường gặp các triệu chứng bất thường trong giai đoạn hành kinh như lượng máu kinh ít/ nhiều hơn, máu có màu nâu, đen, đau bụng kinh dữ dội, mệt mỏi…
- Giảm ham muốn tình dục: Ngoài khả năng sản xuất trứng, hormone estrogen còn duy trì chức năng sinh lý và ham muốn ở nữ giới. Do đó, việc thức khuya kéo dài còn có thể gây suy giảm hormone và dẫn đến tình trạng giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, thói quen này còn khiến cơ thể uể oải, mệt mỏi và ít suy nghĩ đến chuyện chăn gối.
2. Tác hại của thức khuya với nam giới
- Giảm chất lượng tinh trùng: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nam giới thường xuyên ngủ muộn, thiếu ngủ hoặc mắc chứng mất ngủ kinh niên thường sẽ có chất lượng tinh trùng yếu hơn những người ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, việc nghỉ ngơi không hợp lý cũng làm gia tăng kháng thể chống lại hoạt động sản xuất tinh trùng của nam giới, từ đó làm suy giảm hormone testosterone khiến cho các tinh trùng khỏe mạnh bị tiêu diệt.
- Rối loạn cương dương: Nồng độ hormone testosterone suy giảm là nguyên nhân gây nên rối loạn cương dương làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống vợ chồng. Hiện nay, tình trạng rối loạn cương dương ngày một có xu hướng trẻ hoá do thói quen thức khuya hoặc uống rất nhiều bia rượu của giới trẻ. Theo nghiên cứu có hơn 79% phái mạnh bị rối loạn cương dương là do thiếu hụt testosterone. Và trong một nghiên cứu tại Mỹ, các nhà khoa học đã nhận định, nếu nam giới thiếu ngủ trong một tuần thì nồng độ testosterone sẽ giảm đến 15%.
- Giảm nhu cầu sinh lý: Tương tự như phụ nữ, việc thiếu ngủ cũng làm giảm sự ham muốn ở nam giới do có tác động lên hormone sinh dục nam và gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi.
Nguồn tham khảo: 12 Side Effects of Staying Up Late To Harm Your Health - Đăng tải trên trang tin Balance of Life - Xuất bản ngày 19/1/2019. |