Trong lúc nhậu say, được các nhân viên giới thiệu các cô gái “hương đồng cỏ nội” vừa xinh vừa ngoan, anh Tài nghĩ họ khác mấy cô ở thành phố nên thử một lần cho biết.
Không nhớ có mang bao cao su hay không
Quan hệ tình dục là điều tất yếu trong mối quan hệ lứa đôi, nhất là đời sống vợ chồng. Từ lâu, các bác sĩ luôn khuyến cáo, tất cả mọi người trưởng thành nên có đời sống chăn gối lành mạnh, chung thủy và thực hiện biện pháp an toàn khi quan hệ với “đối tác” mới để tránh mang thai ngoài ý muốn cũng như lây các bệnh truyền nhiễm. Thế nhưng, vì một chút chủ quan, tin tưởng, nhiều người đã phải hối hận.
Anh Hoàng Gia Tài (32 tuổi), đang là giám đốc một công ty sản xuất ở quận 12, TP.HCM, chưa lập gia đình. Mới đây, anh thấy một vết loét ở bộ phận sinh dục nên lo lắng. Tự tìm hiểu, anh biết đó là dấu hiệu của bệnh giang mai. Sau đó, anh Tài tìm đến anh Ngô Tấn Huỳnh, chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng ở TP.HCM nhờ tư vấn, kết hợp làm xét nghiệm.
Sau cuộc nhậu say, anh Tài đã tin theo lời giới thiệu của các nhân viên nên mắc sai lầm. Ảnh minh họa.
“Tài đến gặp tôi với một tâm trạng lo lắng và hối hận”, chuyên viên Tấn Huỳnh chia sẻ. Trả lời các câu hỏi của chuyên viên, anh Tài cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, anh được các nhân viên mời về quê Đồng Nai chơi trước khi về đón năm mới với gia đình. Chuyến đi chơi này diễn ra trong vòng 3 ngày 2 đêm vui vẻ và ý nghĩa.
Trong một lần đi nhậu, cả nhóm có đi tăng 2 tăng 3. Lúc đó, anh Tài được giới thiệu về các cô gái “hương đồng cỏ nội” rất xinh và ngoan. Vì đã say, chàng giám đốc cũng muốn thử cho biết. “Lúc đó say quá, tôi không nhớ mình có mang bao cao su hay không. Tôi chỉ nhớ, mấy cô gái đó nhìn rất xinh. Tôi đã nghĩ rằng, các cô gái này ở quê sẽ không giống những cô gái ở thành phố, nên chắc không sao”, anh Tài kể với chuyên viên bằng giọng hối hận.
Theo nhà tư vấn Tấn Huỳnh, do anh Tài có vết loét ở vùng sinh dục nên là dấu hiệu của bệnh giang mai. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giang mai và HIV có mối liên hệ với nhau. Có nghĩa là, giang mai vừa là "bạn đồng hành" vừa là yếu tố nguy cơ vừa là yếu tố chỉ điểm của HIV. Vì vậy, anh Tài được xét nghiệm cả giang mai và HIV thì cho kết quả cả hai cùng dương tính.
Hiện anh Tài đang được uống thuốc kháng HIV ARV và điều trị giang mai bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Giang mai và HIV có mối quan hệ với nhau
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn có tên là treponema pallidum gây nên. Bệnh có thể gây thương tổn ở da - niêm mạc và nhiều tổ chức, cơ quan của cơ thể như cơ, xương khớp, tim mạch và thần kinh. Có 3 con đường chính khiến một người bị mắc giang mai là quan hệ tình dục không an toàn, lây truyền qua đường máu và từ mẹ sang con.
Giang mai và HIV có mối quen hệ với nhau. Ảnh minh họa.
Cục phòng, chống HIV/AIDS cũng khẳng định, nguy cơ lây nhiễm HIV qua con đường tình dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là quan hệ với người bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có giang mai.
Cục phòng, chống HIV/AIDS khuyến cáo, có thể điều trị dứt điểm bệnh giang mai bằng kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng nếu bị một lần sẽ không bảo vệ bạn khỏi bị lần nữa. “Ngay cả sau khi đã chữa trị dứt điểm bạn vẫn có thể bị tái phát. Do vết loét giang mai có thể ẩn trong âm đạo, hậu môn, và dưới bao quy đầu dương vật, hay trong miệng nên bạn có thể không biết bạn tình bị giang mai. Bạn có thể có nguy cơ bị giang mai lại từ bạn tình không được chữa trị”, Cục phòng, chống HIV/AIDS khuyến cáo.
Hãy “yêu” an toàn và đừng chủ quan để tránh mắc giang mai và HIV
Để phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có giang mai, bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn là sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần “yêu”, đặc biệt với bạn tình mà không biết tình trạng nhiễm HIV hoặc giang mai của họ.
Hãy sử dụng bao cao su đúng cách khi "yêu" để ngừa các bệnh lây qua đường tình dục và HIV. Ảnh minh họa.
Hãy chung thủy một vợ - một chồng và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm vấn đề bất thường.
Yêu cầu xét nghiệm HIV đồng thời với xét nghiệm sàng lọc giang mai định kỳ cũng là cần thiết để đảm bảo không mắc các bệnh lây qua đường tình dục hoặc nếu mắc bệnh sẽ điều trị sớm, kịp thời để tránh các biến chứng cũng như không làm lây truyền bệnh cho người khác.
Hiện nay có thuốc kháng virus điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) có thể dự phòng để không bị lây nhiễm HIV, nhưng thuốc này không dự phòng được giang mai và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, viêm gan… Do vậy, thực hiện tình dục an toàn hay sử dụng bao cao su thường xuyên đúng cách vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu với cả giang mai và HIV.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.