3 bác sĩ phụ khoa, 1 bác sĩ tiết niệu, 1 chuyên gia vật lý trị liệu đều đưa ra chẩn đoán sai về căn bệnh quái gở của Ashley Collin cho đến khi cô gặp lại người đã từng "cứu" cô năm 20 tuổi.
Nếu được dùng tên của một bài hát để miêu tả cuộc đời mình thì chắc chắn tôi sẽ chọn bài hát "Girl on fire" (bài hát ẩn dụ về một cô gái xinh đẹp, năng động và mạnh mẽ như lửa nhưng dịch theo nghĩa đen tên ca khúc có nghĩa là cô gái đang bốc cháy) của ca sĩ Alicia Keys vì thực sự tôi đang "bốc cháy" nhưng không phải cơ thể mà là âm đạo.
Tôi đã gặp rất nhiều bác sĩ để cố tìm ra nguyên nhân cho tình trạng đau rát, khó chịu như bốc cháy ở vùng xương chậu. Hết ngày này qua tháng khác, tôi phải nằm trên chiếc bàn khám phụ khoa lạnh lẽo đến mức thuộc hết quy trình khám. Ban đầu bác sĩ phụ khoa sẽ kiểm tra, hỏi tôi có bị viêm nhiễm không. Tùy vào câu trả lời của tôi, họ sẽ kê một đống thuốc hoặc lắc đầu vì không thể chữa trị. Nhưng chung quy lại thì chẳng ai giúp được gì.
Cảm giác "vùng kín" như bốc cháy dữ dội khiến tôi không thể ngủ ngon và sinh hoạt bình thường. (Ảnh minh họa)
Tháng 11/2017, tôi bắt đầu hẹn hò với một anh chàng tốt bụng và cũng chính là người đầu tiên tôi phát sinh quan hệ. Đầu tháng 2/2018, tôi đến gặp bác sĩ phụ khoa sau khi cảm thấy nóng rát dai dẳng bên trong và xung quanh âm đạo. Cơn đau dữ dội lan từ sâu trong bụng đến tận âm hộ.
Thời điểm đó, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm âm đạo do vi khuẩn và bảo chỉ cần uống kháng sinh vài ngày sẽ khỏi. Quả thực, tôi đã khỏi bệnh trong một thời gian ngắn.
Chẳng bao lâu sau, cơn đau và nóng rát tái diễn ngay sau khi tôi đặt vòng tránh thai. Tôi lại đi khám và được kê một đợt kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy bỏng rát nên quyết định lấy vòng tránh thai ra sau 1 tháng đặt vào vì nghĩ sẽ đỡ hơn nhưng cũng không ăn thua.
Trong 4 tháng, tôi đã gặp hai bác sĩ phụ khoa và một bác sĩ tiết niệu nhưng chẳng ai trị khỏi cho tôi. Tôi vẫn cảm thấy đau, ngứa liên tục ở âm đạo, âm hộ và xương chậu. Cơn bỏng rát khiến tôi không thể ngủ nên cũng không đi làm được vào sáng hôm sau. Có lần, tôi còn không thể đi tiểu được nên đã tin chắc mình bị nhiễm trùng tiết niệu nhưng khi khám, bác sĩ lại nói không có vấn đề.
Hầu hết y bác sĩ tôi gặp vào mùa hè năm đó đều chẩn đoán tôi bị nhiễm trùng, nhiễm nấm men hoặc vi khuẩn. Tôi đã uống thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm trong nhiều tháng nhưng không có tác dụng. Không một ai chữa khỏi hay đưa ra được lời giải thích về việc tại sao tôi bị tái phát nhiễm trùng nhiều lần như vậy.
Mọi bác sĩ đều nói tôi bị viêm nhiễm, nhiễm nấm men hoặc vi khuẩn nhưng không ai chữa khỏi được bệnh. (Ảnh minh họa)
Chán nản với việc đi bệnh viện, tôi tự mình tìm hiểu trên mạng nhưng tất cả đều chỉ đến ung thư. Không biết phải làm sao, tôi đành tự chữa bằng cách tuân theo mọi quy tắc ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo. Tôi sẽ thay quần áo thể dục ngay sau khi tập luyện hoặc tránh đổ mồ hôi, mặc đồ lót bằng cotton, uống nhiều nước và ăn uống điều độ. Tôi cũng tránh quan hệ tình dục với bạn trai. Và thực sự, "vùng kín" của tôi khi ấy cũng quá khô nên chẳng thể tận hưởng tình dục, nếu cố làm thì cuộc sống vài ngày sau đó của tôi sẽ thành địa ngục.
Nhớ lại năm 2014, tôi từng bị đau tương tự và bác sĩ nói nguyên nhân là cơ sàn chậu (cơ nâng đỡ bàng quang, tử cung, trực tràng và âm đạo) bị căng cứng nên giới thiệu tôi đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu sức khỏe phụ nữ, Rivka Friedman.
Bác sĩ Friedman kiểm tra sàn chậu của tôi và xử lý bằng cách kéo căng, thư giãn các cơ bên ngoài và trong. Vào những ngày không có lịch trị liệu, bác sĩ Friedman khuyên tôi sử dụng dụng cụ giãn cơ một lần mỗi ngày trong 10 phút và sàn chậu sẽ giãn ra khi điều trị bằng dụng cụ nong. Bác sĩ Friedman cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thư giãn, hít thở sâu, tập yoga, hoặc bất cứ điều gì giúp tôi giảm căng thẳng. Cuối năm đó, các triệu chứng đã thuyên giảm rồi biến mất.
Giờ đây, khi các biểu hiện lặp lại dữ dội hơn và chuyện tình dục càng khiến nó trở nên tồi tệ, tôi cũng tới gặp một bác sĩ vật lý trị liệu gần nhà. Tuy nhiên, người này lại hướng dẫn tôi các bài tập kegel để tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, trong khi điều tôi cần là thư giãn nó. Nhưng vị bác sĩ đó không nghe và tôi đã từ chối tiếp tục trị liệu khi không hiệu quả.
Vì vậy, tôi quyết định đến gặp một chuyên gia khác. Lại một lần nữa, họ chẩn đoán tôi bị nhiễm trùng nấm men. Theo họ, đó là một chủng cứng đầu cần nhiều loại thuốc để loại bỏ. Nhiều tháng sau, họ nói rằng nó đã biến mất nhưng tôi vẫn chẳng thấy ổn hơn.
Tình yêu của tôi tan vỡ khi chẳng thể quan hệ tình dục do cảm giác quá đau đớn. (Ảnh minh họa)
Trước khi mắc phải chứng bệnh quái gở này, cuộc sống của tôi khá tuyệt vời khi là một phóng viên hơn 20 tuổi sống ở Nam Florida (Mỹ). Tôi thích đi du lịch, tập yoga và dành thời gian cho gia đình, bạn bè. Tôi đã chăm sóc sức khỏe của mình rất tốt, ăn uống điều độ và đôi khi tập thể dục. Tôi còn có một tình yêu tuyệt vời.
Nhưng rồi cơn đau đó đến khiến cuộc sống của tôi thay đổi. Mối quan hệ giữa tôi và bạn trai ngày càng xấu, anh ấy muốn giúp nhưng lại không thể làm gì được. Tháng 11/2018, anh đã nói lời chia tay. Một tháng sau, tôi lại nghe tin dữ rằng ông nội - người cha thứ 2 của tôi đã qua đời.
Những tin tức tiêu cực đến khiến tôi cảm thấy mình cần phải vực dậy, phải xử lý vấn đề của mình trong năm 2019. Sau khi suy nghĩ kỹ lại, tôi tin rằng tình trạng của tôi có liên quan đến vấn đề sàn chậu. Vì vậy, tôi quyết định chuyển về sống cùng mẹ, ở gần cơ sở của bác sĩ Rivka Friedman - người đã trị liệu thành công cho tôi nhiều năm trước.
Trong các buổi trị liệu, bác sĩ Friedman đã giúp thư giãn các cơ bên trong âm đạo, xung quanh âm hộ, đùi trong và bụng của tôi. Và lần này đã hiệu quả, tôi khỏe mạnh lại khoảng 70% sau vài tháng chữa trị.
Khoảng thời gian gặp lại bác sĩ Friedman, tôi cũng nhận được chẩn đoán chính thức: Rối loạn chức năng sàn chậu. Đây là kết luận của một bác sĩ chuyên về rối loạn sàn chậu mà mẹ giới thiệu cho tôi. Bác sĩ cũng nói rằng tình trạng căng cơ sàn chậu cũng có thể khiến tôi dễ bị viêm nhiễm âm đạo và gặp khó khăn khi quan hệ.
Điều gì khiến một số phụ nữ bị căng cơ sàn chậu? Căng thẳng là một nguyên nhân. Một số người căng cơ vai khi bị căng thẳng, trong khi những người khác căng cơ sàn chậu. Tôi chắc chắn 100% rằng tôi thuộc loại thứ hai. Nó có thể diễn ra một cách tự phát mà tôi không hề nhận ra. Bác sĩ Friedman giúp tôi "huấn luyện" lại cơ sàn chậu để chúng có thể thư giãn.
Tôi chỉ có một lời khuyên cho những phụ nữ gặp vấn đề như tôi đó là hãy tìm đến đúng chuyên gia. Bác sĩ sản phụ khoa cần thiết cho người mang thai hay đang bị viêm nhiễm nhưng nếu bạn không thấy tốt hơn sau khi gặp họ, hãy gặp bác sĩ tiết niệu hoặc chuyên gia về sàn chậu. Ngoài ra, hãy tin vào trực giác của bản thân.