Chàng trai 19 tuổi mắc bệnh hiếm chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam

Ngày 28/06/2024 09:07 AM (GMT+7)

Nam bệnh nhân 19 tuổi mắc căn bệnh hiếm chưa từng được ghi nhận trong y văn Việt Nam. Trên thế giới, tỷ lệ ca mắc bệnh này là 1/1 triệu người.

Ngày 27/6, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thông tin về ca bệnh hiếm đặc biệt đã được các bác sĩ điều trị thành công sau 7 tháng với nhiều khó khăn, thách thức.

Từ tháng 11/2023, N.Q.T (19 tuổi, trú tại Sầm Sơn, Thanh Hóa) xuất hiện các vết loét trợt ở niêm mạc miệng và các mảng đỏ tím, bỏng nước rải rác toàn thân. Vào viện khám, bác sĩ phát hiện khối u lớn sau phúc mạc. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đến Bệnh viện Da liễu Trung ương và vào Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13/12/2023. Dựa vào kết quả sinh thiết da, bác sĩ chẩn đoán T. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc.

Bệnh nhân T. ngày ra viện. Ảnh: Phương Thúy.

Bệnh nhân T. ngày ra viện. Ảnh: Phương Thúy.

Tháng 1/2024, bệnh nhân được chẩn đoán Pempigus á u - sỏi niệu quản 2 bên đã đặt xông JJ, thể trạng suy kiệt. "Pemphigus á u là bệnh lý hiếm gặp, chưa có trong y văn Việt Nam. Trên thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh là 1/1 triệu người", thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Quyên, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin.

Dù được chỉ định phẫu thuật, nhưng do thể trạng yếu, bệnh nhân được cho ra viện để bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, 3 ngày sau, bệnh đã tái phát.

Từ tháng 4/2024, bệnh nhân xuất hiện các đợt bùng phát mới với biểu hiện sốt, trợt da tiến triển lan toả, loét niêm mạc miệng. Bệnh nhân phải thay huyết tương, điều trị dinh dưỡng, kháng sinh. Đến ngày 29/5, nhận thấy thể trạng bệnh nhân đủ điều kiện, bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau gần 1 tháng, ngày 27/6, các bác sĩ đánh giá lại toàn trạng và cho bệnh nhân T. ra viện.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Quyên, quá trình điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn do tổn thương đa hình thái, kết quả mô bệnh học không đồng nhất, mắc bệnh lý hiếm gặp. Do đó, các bác sĩ phải liên tục hội chẩn toàn viện, đồng thời tra cứu, tìm hiểu trên nhiều y văn để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Ngoài ra, quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân cũng rất vất vả do kém đáp ứng liệu pháp miễn dịch thông thường, sụt 10kg/tháng. Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân thường xuyên nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu do trực khuẩn mủ xanh đa kháng, tiên lượng tử vong cao.

Bệnh nhân phải điều trị hồi sức tích cực tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu và khoa Da Liễu. Trong khi điều trị, có thời điểm gia đình xin về nhưng các bác sĩ động viên người thân, cố gắng giữ bệnh nhân ở lại viện.

Kết thúc quá trình điều trị, bệnh nhân T. được Bảo hiểm y tế thanh toán gần 700 triệu đồng, gia đình đồng chi trả hơn 53 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai đã kêu gọi cộng đồng hỗ trợ cho bệnh nhân gần 65 triệu đồng.

Bác sĩ 87 tuổi suốt 30 năm không bị cảm lạnh, không mắc bệnh hiểm nghèo chỉ nhờ làm một việc khi đi bộ
Hít thở đúng cách có thể giúp cân bằng hệ thần kinh tự chủ, từ đó giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật và làm chậm quá trình lão hóa.

Sống khỏe

Phương Thúy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ly kỳ