Năm 2012, Kim Ramsey bỗng trở nên nổi tiếng sau khi chia sẻ về căn bệnh khiến cô "lên đỉnh" tới 100 lần một ngày. 5 năm sau, cuộc sống của cô đã thay đổi không ngờ.
Nữ y tá đạt cực khoái 100 lần mỗi ngày gây xôn xao
Năm 2012, Kim Ramsey (44 tuổi) đến từ Hertfordshire (Anh) xuất hiện trên tờ The Sun với tiêu đề "Nữ y tá đạt cực khoái 100 lần mỗi ngày" thu hút sự quan tâm lớn của nhiều người.
Kim là một nữ y tá được chẩn đoán mắc chứng rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng (PGAD) - tình trạng khiến cô có kích thích dù không hề ham muốn hay có bất cứ hành vi tình dục nào. Dù Kim đang ngồi, đứng hay làm việc nhà, cô cũng có thể bất chợt "lên đỉnh", đôi khi nó còn xảy ra ở cả nơi công cộng.
Mọi rắc rối này bắt đầu từ năm 2001 sau một lần Kim ngã cầu thang và bị thương ở lưng. Nhưng phải đến khi Kim quan hệ với bạn trai, cô mới phát hiện ra hậu quả không ngờ từ cú ngã.
Kim Ramsey từng gây xôn xao khi chia sẻ mắc bệnh hiếm có thể khiến cô "lên đỉnh" tới 100 lần một ngày.
Kim nói: "Sau khi quan hệ tình dục, tôi vẫn cảm thấy cực khoái liên tục trong 4 ngày. Tôi nghĩ rằng mình sắp phát điên. Khi tôi nói với một người bạn thân, cô ấy đã nghĩ đó có thể là PGAD. Nhưng khi ấy vì cảm thấy xấu hổ và lo lắng điều này sẽ xảy ra lần nữa nên tôi cố gắng quên đi và lựa chọn sống độc thân. Cho đến khi tôi gặp bạn trai mới, điều đó lại xảy ra."
Kim cho biết cô từng tự thử rất nhiều cách để chấm dứt cơn cực khoái như ngồi xổm, hít thở sâu hay thậm chí còn ngồi trên cả thực phẩm đông lạnh nhưng cảm giác kích thích vẫn tiếp tục trong suốt 36 giờ. "Tôi đoán khoảng thời gian đó, tôi có tới 200 lần "lên đỉnh", Kim chia sẻ.
Tình trạng này khiến Kim luôn cảm thấy lo lắng khi không thể kiểm soát được cơ thể và khó để duy trì mối quan hệ tình dục với một người đàn ông.
Kim nhận ra tình trạng của cô bắt đầu xuất hiện sau cú ngã từ năm 2001.
Ban đầu, Kim đến gặp rất nhiều bác sĩ chuyên khoa với mong muốn có thể giải quyết vấn đề nhưng họ cũng không thể làm gì được. Có người còn nghĩ cô bị tâm thần hay cố tình bày trò trêu đùa.
11 năm sau lần ngã tai họa, Kim mới nhận được chẩn đoán chính thức từ bác sĩ Echenberg ở Pennysylvannia vào tháng 6/2012. Bác sĩ nghi ngờ vấn đề của Kim là do u nang Tarlov trên cột sống và vô tình u nang này lại ở đúng điểm gây ra cực khoái nên dẫn tới hội chứng PGAD. Dù đã biết được nguyên nhân nhưng các bác sĩ vẫn chưa thể tìm ra được phương pháp điều trị triệt để.
Cuộc sống bi đát sau 5 năm công khai tình trạng bệnh
Bài báo với tiêu đề "Nữ y tá đạt cực khoái 100 lần một ngày" đã khiến cuộc sống của Kim thay đổi theo cách tiêu cực.
Trong khi căn bệnh về thể xác còn chưa có cách giải quyết, Kim lại nhận thêm nỗi đau về tinh thần sau khi bài báo viết về tình trạng của cô được đăng tải khắp nơi vào năm 2012. Nhiều người không thực sự hiểu rõ hội chứng này đã chửi rủa và dùng từ ngữ thô lỗ để mắng cô.
Năm 2017, Kim quyết định chia sẻ với tờ The Guardian về những gì cô thực sự đã trải qua, cô không phải kẻ cuồng tình dục như nhiều người nói và việc "lên đỉnh" cũng không hề thoải mái. Kim cho biết chứng PGAD của cô thực sự không giống như cực khoái. Một số người mắc chứng này thường cảm thấy bản thân gần "lên đỉnh" nhưng lại không thể đạt được đó và Kim chính là trường hợp như vậy.
Kim giải thích rằng PGAD có thể trải qua ở mỗi người một cách khác nhau. Một số người có cảm giác kích thích liên tục, nhưng không có cực khoái. Những người khác có thể đạt nhiều lần cực khoái nhưng cảm giác đó diễn ra rất ngắn và không rõ ràng.
Kim nói: “Cảm giác bị đau - là điểm chung mà hầu như ai bị PGAD đều trải qua." Kim đã cố gắng khắc phục tình trạng của cô bằng cách tập trung vào công việc thay vì dùng thuốc bởi nó sẽ khiến cô buồn ngủ, mất tập trung. Mặc dù nó có hiệu quả nhưng đôi lúc cô vẫn tỉnh giấc giữa đêm vì những cơn kích thích.
Nguyên nhân nào gây ra chứng PGAD?
Tiến sĩ David Goldmeier, một chuyên gia tình dục học tại Bệnh viện St Mary ở London (Anh) cho biết: “Rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng (PGAD) là một tình trạng mới được công nhận. Người mắc hội chứng này thường bị kích thích sinh dục kéo dài dù không có hành vi tình dục. Sự kích thích này có thể tồn tại trong nhiều giờ, nhiều ngày hoặc thậm chí lâu hơn.
Mặc dù có những người đã cố gắng giải tỏa bằng cách quan hệ hoặc "tự sướng" để đạt cực khoái nhưng điều này thường không giúp ích hoặc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng."
Hiện nay, nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này vẫn chưa được biết rõ. Theo tiến sĩ David Goldmeier, PGAD có liên quan đến một số tình trạng như sự chèn ép vào dây thần kinh ở lưng (dây thần kinh truyền cảm giác xung quanh cơ quan sinh dục). Sự chèn ép này có thể do u nang Tarlov - những khối u nang nhỏ hình thành xung quanh vùng xương cùng của cột sống. Một nghiên cứu cho thấy rằng rất nhiều phụ nữ có PGAD bị u nang Tarlov, nhưng điều này vẫn đang gây tranh cãi.
Một số chuyên gia khác lại nghi ngờ nguyên nhân gây ra PGAD là các vấn đề sức khỏe tâm thần như chứng rối loạn lo âu hay trầm cảm.
Báo cáo của tiến sĩ Goldmeier cũng đề cập đến mối tương quan giữa PGAD và việc sử dụng thuốc chống trầm cảm SSRI. Một số bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng ngay khi họ bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm.
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị chính xác cho hội chứng này. Các bác sĩ có thể dùng thuốc kháng thần kinh thường được kê cho bệnh Parkinson hoặc tiêm Botox trong một số trường hợp. Dù các triệu chứng có thể giảm bớt nhưng không được chữa khỏi.
Với rất ít nghiên cứu về tình trạng bệnh và các phương tiện truyền thông thường coi phụ nữ mắc chứng PGAD như những kẻ kỳ lạ càng khiến người mắc bệnh bị ảnh hưởng tâm lý. Cũng vì sự kỳ thị này nên khó biết được có bao nhiêu phụ nữ đang phải sống chung với nó vì ngại không dám đi khám.