Khi con gái út của tôi đi nhà trẻ một thời gian, mẹ chồng vì buồn chán quá nên ngỏ ý về quê sống.
Tôi và chồng đều là dân tỉnh lẻ lên thành phố học đại học rồi bám trụ lại đây kiếm việc làm. Anh hơn tôi 2 tuổi, vì cùng xuất thân trong gia đình không mấy khá giả nên chúng tôi đều cố gắng kiếm tiền, chi tiêu tiết kiệm. Nhưng chi phí sinh hoạt ở thành phố rất đắt đỏ nên tới lúc cưới, tiền tiết kiệm của hai đứa gộp lại cũng chẳng được bao nhiêu.
Thương con ở phòng trọ, bố chồng rút hết tiền tiết kiệm cả đời cho chúng tôi mua một căn chung cư nho nhỏ để có chỗ chui ra chui vào. “An cư mới lập nghiệp, các con cứ cầm lấy mua nhà. Đằng nào bố mẹ tiết kiệm thì sau này cũng để lại cho các con, chứ nằm xuống rồi cũng có mang theo được đâu”, bố chồng tôi từng nói vậy.
Nhờ đó cuộc sống của gia đình tôi được ổn định, tiền lương chỉ để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và tiết kiệm cho tương lai chứ không phải lo tích cóp để mua nhà nữa. Trong lòng tôi lúc nào cũng cảm kích tấm lòng bao la của bố mẹ chồng, ông bà luôn sẵn sàng đưa tiền khi các con cần mà không nghĩ đến chuyện dành dụm lúc mình về già.
Không chỉ việc mua nhà, mẹ chồng còn luôn đồng hành cùng tôi mỗi lần “vượt cạn”. Đến nay tôi và chồng đã kết hôn được 6 năm, có một nếp một tẻ nhưng lần nào cũng vậy, mẹ chồng đều khăn gói lên thành phố chăm sóc tôi.
Lần nào sinh con tôi đều có mẹ chồng đồng hành. (Ảnh minh họa)
Nhiều nhà cứ bảo mẹ chồng sống chung dễ xảy ra mâu thuẫn, đặc biệt là trong chuyện chăm con chăm cháu, nhưng riêng nhà tôi lại khác. Tôi và mẹ chồng rất hợp tính nhau, mẹ cũng rất tân tiến nên hai mẹ con dường như chẳng to tiếng với nhau bao giờ.
Con gái út của tôi đã hơn 2 tuổi, đi học được một thời gian rồi. Mẹ chồng ở nhà một mình buồn quá nên bà muốn về quê, quay lại với nghề bán đồ ăn sáng trước cổng trường học. Nghĩ bà ở đây không ai nói chuyện, chẳng có mấy việc để làm cũng buồn nên vợ chồng tôi không níu giữ bà nữa.
Ngày mẹ chuẩn bị ra về, tôi bất ngờ khi thấy chồng dúi vào tay mẹ 300 nghìn rồi dặn dò:
- Đi xe ghép tiền xe hết 250 nghìn, còn 50 nghìn mẹ cầm mua nước uống nhé.
Bức xúc, tôi vào nhà lấy ra cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đưa cho mẹ chồng. Thấy tôi biếu mẹ nhiều như thế, chồng vô cùng kinh ngạc, mặt xám ngoét lại. Trước mặt mẹ, anh trách vợ:
- Em mang hết tiền tiết kiệm ra biếu mẹ rồi sau này vợ chồng mình lấy gì để nuôi các con?
- Bố mẹ đã dùng hết tiền dưỡng già mua nhà cho mình ở, bây giờ kinh tế vợ chồng mình cũng ổn rồi nên phải báo hiếu bố mẹ chứ anh? Giờ bố mẹ có tuổi rồi, dễ đau ốm, bệnh tật quấn quanh người, không thể không có tiền phòng thân. Với lại mẹ về bán đồ ăn sáng ở trường, cũng phải có chút vốn chứ.
Chồng không nói gì nữa, mẹ chồng thì chối đây đẩy. Tôi phải thuyết phục mãi mẹ mới chịu cầm.
Ngày mẹ chồng về quê, tôi dúi vào tay mẹ cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu. (Ảnh minh họa)
Khi tiễn mẹ về rồi, cứ nghĩ chồng sẽ cảm kích tấm lòng hiếu thảo của vợ, nào ngờ anh tức tới mức đập cốc chén rồi mắng xơi xơi vào mặt tôi:
- Cô làm vợ mà không biết giữ tiền, cô đưa hết cho mẹ thì lấy gì mà sống? Xem ra mỗi tháng tôi đưa cho cô 5 triệu là nhiều quá rồi.
- Đó là người sinh thành và nuôi dưỡng anh nên người, không phải người ngoài. Anh đã nhắc tới 5 triệu, tiện đây tôi cũng nói thẳng luôn. Anh cứ nghĩ 5 triệu là to, nhưng số tiền đó còn chẳng bằng một nửa số tiền tôi phải chi tiêu hàng tháng để nuôi hai con ăn học, ăn uống hàng ngày đâu.
Lương tôi cũng tạm ổn nên mới duy trì được và để ra được một khoản tiết kiệm như vậy đấy. Với mẹ ruột anh còn tính toán như vậy, thiết nghĩ nếu có ngày tôi ốm đau bệnh tật, không thể kiếm ra tiền nữa thì anh sẽ đối xử với tôi thế nào nữa đây. Anh thử nghĩ lại xem bố mẹ đã cho vợ chồng mình những gì, số tiền em đưa mẹ thì thấm vào đâu so với tiền của, công sức và tình cảm bố mẹ trao đi.
Chồng im bặt, nhưng sau ngày đó anh luôn cáu kỉnh, mắng mỏ vợ con một cách vô cớ khiến gia đình rất căng thẳng. Tôi biết trước giờ chồng rất tiết kiệm, không bao giờ tiêu hoang phí nhưng thật không ngờ anh lại keo kiệt cả với người sinh thành ra mình. Tôi nên làm gì để chồng hiểu ra vấn đề, yên ổn mà sống đây?