Đi làm xa 5 năm về nhà chẳng có gì thay đổi, sổ tiết kiệm cũng không có một nghìn. Nghĩ vợ ở nhà ăn tiêu phung phí nên tôi tức giận vô cùng.
- Kiếm việc làm ngày càng khó khăn, lương lậu chẳng được bao nhiêu. Hay em ở nhà chăm con rồi làm gì thì làm, còn anh đi xuất khẩu lao động vài năm kiếm thêm tí vốn để sau này về mở một cửa hàng nho nhỏ nhé?
5 năm trước tôi từng bàn với vợ như vậy. Dù không muốn nhưng rồi vợ tôi vẫn đồng ý để tôi làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Lúc tôi đi, con gái đầu lòng còn chưa đầy 1 tuổi, thương vợ thương con nhưng cứ ở nhà ngồi ôm nhau nhìn nhau thế này cũng không phải là cách.
Dù xa vợ, nhưng tôi vẫn giữ trọn trách nhiệm của mình, không trăng hoa, rượu chè cờ bạc. Mỗi ngày chỉ biết đi làm rồi về nhà tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi, thậm chí tôi còn thường xuyên làm tăng ca để tăng thu nhập.
Mỗi tháng tôi đều gửi về cho vợ 2/3 lương, phần còn lại thì giữ để chi tiêu cá nhân. Cứ như vậy suốt 5 năm ròng, tôi đi làm và dành dụm, chẳng dám mua gì cho bản thân.
Những tưởng khi về quê sẽ có một cuộc sống mới, có chút vốn để mở quán làm ăn, nào ngờ lúc về nhà mọi thứ vẫn y như cũ. Trong nhà chỉ có thêm cái tivi và tủ lạnh mới, sổ tiết kiệm cũng chẳng có nổi một nghìn.
Đi làm xa 5 năm về nhà chẳng có gì thay đổi, sổ tiết kiệm cũng không có một nghìn nên tôi đã tức giận trách móc vợ. (Ảnh minh họa)
Tức giận, tôi gắt gỏng hỏi vợ:
- Mỗi tháng tôi đều gửi về cho cô 35-40 triệu. Sau 5 năm chí ít cô cũng phải để ra được trên dưới 1 tỷ chứ? Sao cô lại không tiết kiệm được một nghìn nào thế này? Tôi ở bên ấy đi làm khổ cực, tiền kiếm được có phải lá mít đâu mà cô tiêu xài phung phí thế hả? Tôi tin tưởng giao lương cho cô giữ, mà cô lại thế này đây. Cô làm vợ cái kiểu gì vậy?
- Anh hiểu lầm em rồi, lương của anh phần lớn em đều đưa cho bố mẹ. Em chỉ giữ lại 5 triệu để lo cho con thôi. Không tin anh đi hỏi bố mẹ mà xem.
- Bố mẹ tôi có lương hưu, ông bà chưa bao giờ đòi tôi báo hiếu một ngày. Cô đừng có đổ vấy cho bố mẹ tôi ăn tiêu hết, có cái thứ con dâu nào như cô không hả?
Vất vả 5 năm giờ trong tay không có nổi một nghìn, đã thế vợ còn đổ tại bố mẹ tôi, sao tôi không tức cho được. Tức giận, tôi cho cô ấy cái tát để tỉnh người. Ấy thế mà vợ không biết hối cải nhận lỗi còn khóc lóc bế con bỏ về nhà ngoại.
Lúc vợ đi rồi, thấy thứ trong tủ đồ tôi mới thấy hối hận. (Ảnh minh họa)
Đang trong cơn giận, tôi lôi hết quần áo của vợ trong tủ vứt ra ngoài sân. Bỗng có một thứ văng ra ngoài khiến tôi sững lại. Đó là một chiếc hộp nhỏ, trong đó đựng đôi nhẫn cưới và chiếc lắc vàng cưới của vợ tôi. Lúc nhặt lên, tôi thấy quần áo của vợ đều là đồ cũ, sờn vải, thậm chí áo ngực cũng chảy dão hết rồi.
Đang bần thần trước đống quần áo của vợ, bố mẹ tôi ở bên nhà nghe tiếng vợ chồng tôi cãi nhau liền chạy sang. Thấy cảnh trước mặt, mẹ tôi khóc rống lên:
- Cái Hà đâu? Anh tìm cái Hà về đây cho tôi. Anh đi biền biệt 5 năm trời, nó thay anh chăm sóc hai cái mạng già này, chăm sóc con anh. Vậy mà anh về rồi đuổi con bé đi đâu?
Rồi bố giải thích mấy năm nay ông bà ốm đau triền miên, phải nhập viện không ít lần, con gái tôi cũng hay ốm hay đau nên tiền tôi gửi về chẳng còn lại được mấy đồng. Chẳng qua sợ tôi ở bên đấy lo lắng, nên nhà chỉ báo tin vui chứ không báo tin buồn bao giờ. Tất cả đều một mình vợ tôi âm thầm gánh vác mọi việc lớn nhỏ.
Lúc này tôi mới nhận ra mình hồ đồ, nóng vội mà trách nhầm vợ. Ngồi trước đống đồ cũ của vợ, tôi vò đầu ân hận rồi bật khóc. Bố mẹ đứng bên thì liên tục trách móc. Phải chi tôi bình tĩnh hơn, lắng nghe cô ấy giải thích, hỏi bố mẹ cặn kẽ mọi chuyện thì đâu xảy ra chuyện này.
Tôi vội vàng chạy theo về nhà ngoại để xin lỗi vợ và đưa vợ con quay về. Cô ấy không tha thứ cho tôi, tôi sẽ ở lì ở đấy đến khi nào vợ chịu về mới thôi.