Vì ngon và hiếm nên loại cua này có giá vô cùng đắt đỏ, thậm chí còn đắt hơn cả cua huỳnh đế.
Cua là một loại hải sản phổ biến ở nước ta. Nhưng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có một loại cua vô cùng đặc biệt, phải được dán nhãn mới được phép bán ra thị trường, đó là con cua đá.
Về đặc điểm nhận dạng, cua đá Cù Lao Chàm có màu khác hẳn so với các loài cua thông thường. Theo đó, chúng có màu nâu tím, phần bụng lại ngả màu vàng ươm. Cua đá sống ở các hang động ven biển và khu rừng trên đảo. Chúng có khả năng leo trèo linh hoạt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, lá cây, lá thuốc thảo dược....
Cua đá Cù Lao Chàm là đặc sản hiếm, trong diện được bảo tồn nên phải được dán nhãn trước khi bán ra thị trường
Một điểm đặc biệt của con cua đá Cù Lao Chàm là rất nhiều gạch, cả con đực lẫn con cái đều có nhiều gạch như nhau. Gạch cua có màu sẫm, vị như thuốc bắc, thơm nồng mùi thảo dược, vừa lạ miệng lại bổ dưỡng.
Anh Thảo (ở xã đảo Tân Hiệp) cho biết: "Cua đá rất tinh ranh, hễ có tiếng động là chui ngay vào trong hang để ẩn nấp. Ban đêm là thời điểm thích hợp nhất để săn chúng. Khi thấy đèn pin, loài này như bị thôi miên, cứ thế là bắt chứ ban ngày thì khó mà "săn" được.
Cua đá chỉ được phép khai thác từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7. Khoảng thời gian còn lại là chu kỳ cua sinh sản nên tuyệt đối không được đánh bắt, mua bán".
Loài cua này có giá vô cùng đắt đỏ nhưng không phải cứ có tiền là mua được
Được biết, cua đá có chiều ngang mai trên 7cm, không mang trứng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường. Những con không đạt chuẩn về kích thước sẽ được phóng thích về lại môi trường tự nhiên.
"Cua sống tự nhiên trên núi, lại có vị thuốc bắc nên du khách đến Cù Lao Chàm đều "săn lùng" để được ăn thử. Thế nhưng, những ai đến đây vào mùa cua đá không được khai thác thì không có cơ hội được thưởng thức loài cua hiếm này", anh Thảo nói thêm.
Trên thị trường, cua đá Cù Lao Chàm được bán với giá lên tới 2 triệu đồng/kg nhưng rất hiếm, không phải có tiền là mua được. Cua đá có trọng lượng trung bình từ 100-200gr/con, con nào có kích thước lớn thì khoảng 300-400gr/con.
Chúng có vị thuốc bắc, vừa ngon vừa bổ dưỡng
Từ con cua đá có thể làm thành các món: cua nướng, hấp, rang muối, nấu canh với rau rừng. Chất lượng thịt và gạch của cua đã đủ để làm nên độ ngon, không cần phải chế biến nhiều. Cua đá có màu tím nhưng khi chín thì chuyển sang màu gạch tuyệt đẹp và thơm lừng.
Mấy năm gần đây, cua đá ở Cù Lao Chàm ngày càng hiếm nên được bảo tồn nghiêm ngặt. Sau khi đánh bắt, cua được kiểm duyệt và dán nhãn kỹ trước khi bán ra thị trường.
Để bảo tồn loại cua này, từ nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), TP Hội An và Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm”. Hợp tác xã cua đá Cù Lao Chàm có hơn 40 thành viên, mỗi thành viên chỉ được dán nhãn tối đa 50 con cua/tháng.