Các bác sĩ cho biết, bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng, do hắt hơi, ho khạc.
Mới đây, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, cho biết trên địa bàn tỉnh vừa có 2 trường hợp tử vong vì bệnh cúm A/H1N1. Theo đó, bệnh nhân đầu tiên tử vong có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn hơn nửa tháng trước.
Sáng 3/11, bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, tử vong sau 6 ngày nhập viện.
Cơ quan y tế sau đó phải cách ly 44 người tiếp xúc với bệnh nhân và cấp thuốc kháng virus Tamiflu. Một người tiếp xúc gần với bệnh nhân dù được theo dõi, điều trị tích cực nhưng cũng mới vừa tử vong.
Bệnh cúm nói chung là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa.
Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ,... là những đối tượng dễ mắc cúm và bị biến chứng
Theo bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Tùng Lâm, giảng viên Bộ môn Nội hô hấp, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), bệnh cúm nói chung là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa.
"Trong lịch sử có rất nhiều đại dịch cúm làm chết hàng triệu người. Bệnh có thể diễn tiến nặng ở nhóm phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (< 5 tuổi và đặc biệt < 2 tuổi-PV), người có bệnh mạn tính như bệnh phổi mạn, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (HIV, ghép tạng) và một số bệnh khác. Cúm có nhiều loại khác nhau trong đó có cúm H1N1 và chủng cúm này vẫn được xem là một loại cúm thông thường mặc dù thời gian qua đã gây ra một số trường hợp tử vong", bác sĩ Lâm nói.
Trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh lý chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… là những đối tượng dễ mắc bệnh cúm.
Bệnh cúm do một vi rút cúm (orthomyxovirus) gây ra. Vi rút cúm là những vi rút có hình cầu, có vỏ bọc, bộ gen là ARN. Trên vỏ có các kháng nguyên là Hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và khoảng 9 loại kháng nguyên N (N-N9). Sự tổ hợp hai kháng nguyên này tạo nên các chủng cúm khác nhau, ví dụ cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm A/H5N1.
Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2) và cúm A(H1N1) và cúm B. Mùa cúm thường là từ tháng 10 kéo dài đến tháng 5. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng, do hắt hơi, ho khạc. Thời gian lây truyền thường là trước khởi phát 1 ngày đến ngày thứ 7.
"Ai cũng có thể mắc bệnh cúm. Tuy nhiên trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh lý chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… là những đối tượng dễ mắc bệnh. Hầu hết bệnh nhân bị cúm tự hết trong 1-2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, thậm chí có thể tử vong", chuyên gia cảnh báo.
Dấu hiệu nguy hiểm khi bị cúm cần tới viện gấp
Người ta vẫn thường nhầm lẫn giữa cảm cúm và cảm lạnh thông thường. Bác sĩ chỉ ra những dấu hiệu đặc trưng của hai loại bệnh để giúp mọi người phân biệt rõ.
Triệu chứng |
Cảm | Cúm |
Sốt | Hiếm gặp | Thường gặp, sốt cao ở trẻ nhỏ và kéo dài 3-4 ngày |
Nhức đầu | Hiếm gặp | Hay gặp |
Đau nhức | Nhẹ | Hay gặp, đau nhiều |
Mệt mỏi, yếu người |
Đôi khi | Hay gặp, có thể kéo dài 2-3 tuần |
Kiệt sức | Không | Hay gặp, ngay từ khi mắc bệnh |
Nghẹt mũi | Hay gặp | Đôi khi |
Hắt hơi | Hay gặp | Đôi khi |
Đau họng | Hay gặp | Đôi khi |
Bác sĩ Lâm cũng cho biết triệu chứng bệnh có thể rất khác nhau giữa người này và người khác nhưng thường bao gồm: sốt, nhức đầu và đau cơ, mệt mỏi và biếng ăn, ho và đau họng cũng có thể gặp. Người bị cúm thường sốt 2-5 ngày. Điều này khác với các bệnh do vi rút khác của đường hô hấp thường hết sau 24 – 48 giờ.
Dù cúm là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn đang chủ quan với bệnh, dẫn đến những trường hợp tử vong do cúm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được đánh giá đầy đủ khi:
- Cảm thấy khó thở;
- Cảm thấy đau hay đè ép lồng ngực;
- Lơ mơ;
- Nôn ói liên tục hay không thể uống đủ nước;
- Có dấu hiệu mất nước như chóng mặt khi đứng hay tiểu ít.
Đối với người mắc cúm cần được cách ly cẩn thận. Người bệnh cần nằm phòng riêng, thông thoáng
"Vì các chủng vi rút cúm thay đổi liên tục mỗi năm nên mỗi năm thành phần vắc xin lại được điều chỉnh. Vì vậy cần tiêm chủng hàng năm mới có tác dụng bảo vệ tốt, đặc biệt là nhân viên y tế, những người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh thận mạn tính, cơ địa suy giảm miễn dịch.
Đối với người mắc cúm cần được cách ly cẩn thận. Người bệnh cần nằm phòng riêng, thông thoáng. Thời gian cách ly là 7 ngày từ khi khởi phát triệu chứng. Khi ho, hắt hơi, cần phải che mũi miệng bằng khăn giấy và ngay lập tức bỏ vào thùng rác lây nhiễm, nếu không có khăn giấy, hắt hơi vào khuỷu tay, không dùng bàn tay. Người lành cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên khi tiếp xúc với người bị cúm hay các bề mặt, môi trường có vi rút", bác sĩ Lâm nhấn mạnh.