Khi thấy con trai khó thở, khò khè cho đi khám gia đình tá hỏa khi bé mắc căn bệnh ung thư tưởng chừng chỉ gặp ở người lớn và phụ nữ.
Bé N.Q.Đ (3 tuổi, ở Quảng Bình) vừa được các bác sĩ phẫu thuật thành công và lấy ra rất nhiều hạch ở quanh cổ vì mắc ung thư tuyến giáp. PGS.TS Trần Ngọc Lương – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bé Đ cho biết, đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc ung thư tuyến giáp từng ghi nhận tại bệnh viện.
Theo thông tin từ phía gia đình, cách đây khoảng hơn 2 tháng, bé Đ xuất hiện các triệu chứng khò khè, khó nuốt, khó thở, sờ thấy tại vùng cổ xuất hiện các hạch nhỏ.
Gia đình đã đưa bé tới cơ sở y tế và bệnh viện tại địa phương để kiểm tra nhưng không phát hiện ra ung thư. Sau một thời gian sử dụng đơn thuốc được kê không thấy có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí tình trạng khò khè, khó thở của bé có dấu hiệu nặng hơn nên bố mẹ bé Đ. đã quyết định cho bé ra Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám.
Các bác sĩ đang kiểm tra phim chụp cho bệnh nhi.
Tại đây, sau khi thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, bé Đ. được chẩn đoán ung thư tuyến giáp với mức độ di căn nhiều hạch cổ 2 bên. Khối u đã phát triển lớn chèn ép khí quản gây khó thở.
Được biết trước đó, bé Đ. sinh hoạt ăn uống bình thường, mỗi ngày bé ăn 4-6 bữa với 3 bữa cơm chính kèm 2 bữa cháo. Ngoài ra, bé còn uống 3-4 hộp sữa.
PGS Trần Ngọc Lương chia sẻ ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ do trong quá trình gây mê và phẫu thuật đều gặp rất nhiều khó khăn. Do mức độ di căn lan rộng vào cả dây thần kinh quặn ngược, tĩnh mạch cảnh và khí quản gây đè bẹp khí quản khiến cho việc đặt nội khí quản trong quá trình gây mê, quá trình bóc tách, nạo các nhóm hạch ở vùng cổ hết sức khó khăn.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhi Đ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc sử dụng liều lượng thuốc như thế nào cũng phải được cân nhắc kỹ lưõng. Đặc biệt, đối với trường hợp nhỏ tuổi như thế này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, có kinh nghiệm cả về phẫu thuật mạch máu và nội khí quản mới có thể thực hiện được.
Ngay trong quá trình phẫu thuật, hạch di căn của bé Đ đã được đem đi thực hiện cắt lạnh tế bào và cho kết quả ung thư tuyến giáp thể tủy. Đây được coi là thể ít gặp đối với những bệnh nhân nhỏ tuổi trong ung thư tuyến giáp và chỉ có khoảng 5% trường hợp mắc phải.
Hiện tại ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công không gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Ngay sau ca phẫu thuật, bệnh viện sẽ cho tiến hành kiểm tra và sàng lọc mẹ bé cũng như người nhà của bé Đ để có hướng điều trị kịp thời.
Ung thư tuyến giáp đa số gặp ở những người trưởng thành, trong đó phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Hiện nay với những kỹ thuật tiên tiến và trình độ bác sĩ ngày càng được nâng cao, ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.