Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua thăm khám các bác sĩ cho biết hiện số người mắc bệnh lý tuyến giáp đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Người trẻ mắc bệnh lý tuyến giáp gia tăng, phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Việt Hà – Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, hiện nay dù chưa có con số thống kê cụ thể về độ tuổi, cũng như tỷ lệ người mắc các bệnh lý tuyến giáp. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, bác sĩ Hà cho rằng hiện nay các bệnh lý tuyến giáp đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
“Độ tuổi thường gặp các bệnh lý tuyến giáp nhiều nhất là từ 18 đến 65 tuổi, trong đó phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Thậm chí, có trường hợp trẻ nhỏ đã bị viêm giáp. Thực tế khám và điều trị tôi từng tiếp nhận trẻ 8-9 tuổi đã mắc căn bệnh này”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Theo thống kê từ trang med.news.am, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới từ 3-10 lần. Đặc biệt, nữ giới trong độ tuổi 20 có tần suất mắc bệnh rất cao. Tại Việt Nam, theo một số thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng trên 4,6 triệu người mắc u nhân tuyến giáp, trong đó có 2% là u ác tính. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nam giới.
Riêng đối với bệnh ung thư tuyến giáp, thống kê của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho thấy đây là căn bệnh đứng hàng thứ 9 trong số các loại ung thư ở nữ giới. Còn thống kê từ Globocan công bố hồi tháng 7/2019 cho thấy ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới, khoảng 6,7 triệu ca mắc mới.
Bác sĩ Việt Hà cho biết tuyến giáp có tác động rất lớn đến tim mạch, phát triển chiều cao ở trẻ.
Theo bác sĩ Hà, tuyến giáp dù rất nhỏ nhưng có vai trò vô cùng quan trọng, nó giữ vai trò chuyển hóa đối với cơ thể, bởi vậy mọi bất thường của tuyến giáp đều ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Tuyến giáp có nhiều chức năng quan trọng như tác động đến tim mạch, đến vấn đề tình dục. Nếu mất chức năng tuyến giáp thì sẽ bị giảm ham muốn tình dục, gây ra rối loạn chuyển hóa, không phát triển được cơ xương, đặc biệt những trẻ bị thiếu hóc môn tuyến giáp nếu không điều trị sẽ không phát triển hoặc phát triển chiều cao chậm. Thiếu hóc môn tuyến giáp cũng gây nên tình trạng đái tháo đường”, bác sĩ Hà cảnh báo.
Bác sĩ Hà cho rằng, bệnh lý tuyến giáp là tên gọi chung, trong đó có nhiều loại bệnh khác nhau như cường giáp, suy giáp, viêm giáp, bướu giáp đa nhân, đơn nhân, ung thư giáp... Mỗi bệnh có một đặc thù và tính chất nguy hiểm cũng khác nhau nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Thiếu i ốt là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tuyến giáp
Đặc biệt, mỗi bệnh lý tuyến giáp có một nguyên nhân riêng, ví dụ như bướu cổ nhân hiện chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nào, nhưng lứa tuổi hay gặp là từ 18 đến 65 tuổi. Bệnh có thể do thiếu lượng i ốt cung cấp hàng ngày, nếu thiếu hụt trong thời gian quá lâu thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Theo đó, lượng i ốt cần bổ sung hàng ngày với người trưởng thành là 150 microgram/ngày, còn với phụ nữ mang thai thì cần bổ sung 200 microgram/ngày.
Thiếu i ốt là một trong những nguyên nhân gây bệnh lý tuyến giáp. Ảnh minh họa.
Một nguyên nhân khác cũng được bác sĩ Hà chỉ ra đó chính là tiền sử gia đình cũng gây nên các bệnh lý tuyến giáp. Ví dụ như người được sinh ra trong gia đình có phả hệ bị tuyến giáp thì thường hay bị bệnh hơn người bình thường.
“Với phụ nữ có mẹ, bà, dì mắc bệnh thì nguy cơ mắc cao hơn. Ngoài ra, với những người tiếp xúc với hóc môn, thuốc chống loạn nhịp tim, một số hóc môn khác thì cũng có nguy cơ mắc bệnh. Hoặc những người từng phẫu thuật tuyến giáp, từng chiếu xạ đầu mặt cổ cũng có nguy cơ tái phát hoặc mắc mới”, bác sĩ Hà nói.
Riêng đối với bệnh cường giáp, nguyên nhân gây bệnh còn do yếu tố tự miễn. Theo đó, khi mắc bệnh này, tế bào miễn dịch sẽ tấn công những tế bào trong cơ thể và có thể mắc nhiều bệnh khác nhau, trong đó có bệnh về tuyến giáp. Đối với trường hợp mắc các bệnh tự miễn, người bệnh cần phải khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi, phát hiện và xử trí các bất thường kịp thời.
Một bệnh lý tuyến giáp mà trẻ nhỏ thường hay mắc nhất đó là viêm giáp, nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh này thường là do hệ miễn dịch suy yếu hoặc hay gặp ở những trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên.
Cuối cùng, để có thể xác định được chính xác bệnh cũng như nguyên nhân gây ra bệnh, bác sĩ Hà cho rằng bất kể khi nào có những bất thường ở vùng tuyến giáp cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Các biện pháp phòng bệnh lý tuyến giáp: - Có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả để tăng cường hóc môn tuyến giáp. - Bổ sung đầy đủ i ốt cho cơ thể, qua muối ăn hàng ngày hoặc các loại thực phẩm... Tuy nhiên chỉ sử dụng vừa đủ không thừa không thiếu. Với người trưởng thành là 150mg, còn phụ nữ có thai là 200mg. - Tập luyện để tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật nói chung và bệnh lý tuyến giáp nói riêng. - Không hút thuốc lá. - Khám sức khỏe định kỳ. |