Bác sĩ khẳng định, nếu phát hiện bị bệnh lý tuyến giáp trong thời kỳ mang thai thì hoàn toàn có thể điều trị được mà không ảnh hưởng đến em bé trong bụng.
Với nhiều người phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp khi đang mang thai hoặc sau khi sinh con đều vô cùng lo lắng, họ luôn đặt ra hàng trăm câu hỏi về ảnh hưởng của bệnh đến thai nhi, cũng như không biết có sinh con được nữa hay không...
Chị Hồng Hạnh (40 tuổi, ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có một con trai 10 tuổi nhưng chị không dám sinh thêm bé thứ 2 vì đang phải uống thuốc điều trị bệnh cường giáp. Chị Hạnh chia sẻ, khi sinh cháu đầu được 3 tháng thì chị có biểu hiện mệt mỏi, mắt lồi đi khám phát hiện mắc bệnh cường giáp.
Khi ấy, chị uống thuốc điều trị và không được cho con bú. Kể từ đó đến nay, dù nhiều lần có ý định sinh con nhưng chị tìm hiểm thông tin thấy nói khi mắc bệnh tuyến giáp mà cố sinh con thì dễ bị sảy thai, sinh non. Thậm chí, nếu con chào đời sẽ có nguy cơ đần độn và sau này cũng dễ mắc bệnh tuyến giáp, tim mạch,... Chính vì vậy đến nay chị chưa dám sinh con lại.
Mắc bệnh tuyến giáp khi mang thai hoàn toàn có thể điều trị được mà không ảnh hưởng đến thai nhi. (Ảnh minh họa)
Trước thông tin trên, bác sĩ Lê Thị Việt Hà – Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) khẳng định không có chuyện mẹ mắc bệnh tuyến giáp sẽ sinh ra con đần độn. “Khi bị cường giáp dù trong thời kỳ mang thai hay bị trước khi mang thai đều có thể điều trị và mang thai được. Thậm chí những trường hợp bị nặng, hiện nay vẫn có thuốc vừa điều trị và vừa cho con bú”, bác sĩ Hà khẳng định.
Lý giải nguyên nhân phụ nữ mang thai thường hay gặp vấn đề về tuyến giáp, bác sĩ Hà cho biết khi mang thai cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra 2 hóc môn chính: βhCG và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hóc môn kích thích giáp trạng (TSH), hay còn gọi là cường giáp cận lâm sàng.
Còn estrogen (hóc môn sinh dục nữ) sẽ làm tăng hóc môn tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên nếu hóc môn tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, thì không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Như vậy chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nếu TSH, FT3 và FT4 bình thường.
Mắc bệnh lý tuyến giáp trước khi mang thai cần thăm khám định kỳ trong quá trình có bầu.
Ngoài ra, tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai, theo đó nếu kích thước lớn hơn khoảng 10%-15%, gọi là bướu cổ. Với trường hợp này cần phải siêu âm để phát hiện tăng kích thước tuyến giáp. Nếu phát hiện to hơn bình thường thai phụ cần khám để xem chức năng tuyến giáp có gì bất thường không.
“Nếu khám phát hiện cường giáp nhẹ thì chỉ cần theo dõi định kỳ không cần can thiệp. Còn nếu bị cường giáp mà phải điều trị thì sẽ có những loại thuốc điều trị trong thời kỳ mang thai, trong đó có 2 nhóm chính là Methimazol và PTU. Đây là 2 nhóm thuốc đều an toàn cho phụ nữ có thai cũng như em bé, nhưng phải sử dụng dưới sự theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Hà phân tích.
Một trường hợp khác bác sĩ Hà cũng hết sức lưu ý, đó là những người trước khi mang thai mắc các bệnh lý tuyến giáp nhưng trong thời kỳ mang thai bị stress sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.
Bởi vậy, bác sĩ Hà khuyến cáo khi mang bầu nếu trước đó đã mắc bệnh tuyến giáp thì nên đi khám mỗi tháng 1 lần để phát hiện những bất thường, can thiệp kịp thời đảm bảo thai nhi phát triển bình thường.
Cách biện pháp phòng bệnh lý tuyến giáp: - Có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả để tăng cường hóc môn tuyến giáp. - Bổ sung đầy đủ i ốt cho cơ thể, qua muối ăn hàng ngày hoặc các loại thực phẩm... Tuy nhiên chỉ sử dụng vừa đủ không thừa không thiếu. Với người trưởng thành là 150mg, còn phụ nữ có thai là 200mg. - Tập luyện để tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật nói chung và bệnh lý tuyến giáp nói riêng. - Không hút thuốc lá. - Khám sức khỏe định kỳ. |