Khi tuyến giáp xảy ra bất thường, cụ thể là tình trạng tăng hoặc giảm tiết hormone tuyến giáp quá mức có thể ảnh hưởng đến nhiều hoạt động và chức năng trong cơ thể.
Tuyến giáp thuộc hệ nội tiết và đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Tuyến giáp sản xuất ra hormone, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động một số cơ quan trong cơ thể như tim mạch, thần kinh, tiêu hóa ..
Khi rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gây ra các bệnh tuyến giáp như: Cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp trạng, bướu lành tuyến giáp trạng... và ung thư tuyến giáp.
Ảnh minh họa
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp
Bệnh tuyến giáp là thuật ngữ chung chỉ những rối loạn hormone do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít. Khi hormone không tiết đủ để duy trì nhịp độ chuyển hóa bình thường của cơ thể, dẫn tới suy giáp. Ngược lại, sản xuất quá nhiều hormone, tốc độ chuyển hóa tăng bất thường, dẫn đến bệnh cường giáp. Một số bệnh khác có thể không liên quan đến quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp như bướu giáp (nhân giáp), ung thư tuyến giáp.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở phụ nữ cao gấp 5 – 8 lần so với bệnh tuyến giáp ở nam giới. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến như: Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp, người mắc các bệnh thiếu máu ác tính, tiểu đường tuýp 1, suy thượng thận nguyên phát, viêm khớp dạng thấp, người trên 60 tuổi, đặc biệt phụ nữ, người từng điều trị bệnh tuyến giáp hoặc ung thư...
9 dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp, cần được khám sớm
Hormone tuyến giáp ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Khi tuyến giáp xảy ra bất thường, mà cụ thể là tình trạng tăng hoặc giảm tiết hormone tuyến giáp quá mức có thể ảnh hưởng đến nhiều hoạt động và chức năng trong cơ thể, cụ thể như:
Ảnh minh họa
- Bướu cổ, sưng cổ, khó hô hấp hay nói chuyện.
- Tê ngứa cánh tay, đau cơ khớp, cứng khớp và khó phối hợp các chi.
- Tóc yếu, giòn, xơ, dễ gãy và da khô, bong tróc.
- Kinh nguyệt không đều, các kỳ kinh đến sớm hoặc muộn hơn với tần suất khác thường.
- Nồng độ cholesterol thay đổi thất thường.
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy và đau bụng.
- Huyết áp không ổn định, quá cao hoặc quá thấp
- Mệt mỏi, trầm cảm, lo âu, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
- Cân nặng thay đổi, ăn nhiều mà vẫn giảm cân, hoặc không ăn vẫn tăng cân bất thường.
Nhìn chung, các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác nhau, nhưng nhiều khả năng có liên quan đến bất thường ở tuyến giáp.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi thấy những dấu hiệu cảnh báo trên, tốt nhất hãy thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.