Cập nhật COVID-19 ngày 27/2: Người phụ nữ mắc COVID-19 sau 8 lần xét nghiệm âm tính

Ngày 27/02/2020 19:00 PM (GMT+7)

Một phụ nữ 56 tuổi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã được chẩn đoán mắc COVID-19 sau khi xét nghiệm âm tính với axit nucleic 8 lần trước đó.

Người phụ nữ xét nghiệm 8 lần mới có kết quả dương tính với COVID-19

Theo tờ The Paper, người phụ nữ 56 tuổi đến từ Tứ Xuyên, Trung Quốc tên là Tang, đã trở về quê nhà ở An Nhạc, Tứ Xuyên vào ngày 23/1 để đón Tết Nguyên đán. Sau đó, cô phát hiện ra rằng một trong những đồng nghiệp cùng làm việc tại khách sạn với cô đã bị mắc COVID-19, khiến Tang bị cách ly vào ngày 2/2.

Trong khoảng thời gian cách ly từ ngày 7/2 đến 23/2, cô Tang được thực hiện tổng cộng 8 xét nghiệm thông qua bệnh phẩm họng. Tất cả các kết quả của 8 lần xét nghiệm đều là âm tính.

Cập nhật COVID-19 ngày 27/2: Người phụ nữ mắc COVID-19 sau 8 lần xét nghiệm âm tính - 1

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản đang kiểm tra cho bệnh nhân vào ngày 3/2. Ảnh:ChinaDaily

Được biết từ ngày 2/2 đến ngày 6/2, cô Tang không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và các triệu chứng hô hấp chỉ xuất hiện vào ngày 7/2. Khi đó, cô mới bắt đầu được thực hiện xét nghiệm axit nucleic. Bốn xét nghiệm axit nucleic đã được thực hiện vào ngày 7, 8, 11 và 13/2 và chụp CT được thực hiện vào ngày 12 và 15/2 đã cho thấy trên phổi có bóng mờ. Mặc dù các kết quả lúc này đều cho âm tính nhưng các triệu chứng hình ảnh và lâm sàng của cô Tang không giảm.

Bệnh viện tiếp tục tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho cô Tang vào các ngày 17, 20, 22 và 23 nhưng kết quả vẫn tương tự. Mãi cho đến ngày 24/2,  xét nghiệm axit nucleic lần thứ 9 mới cho kết quả dương tính. 

Điều này cho thấy thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn hai tuần do cô Tang đã được cách ly gần ba tuần và đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus. 

Tính đến 15h chiều ngày 27/2, bệnh COVID-19 đã giết chết ít nhất 2.808 người và lây nhiễm hơn 82.419 người trên thế giới. Hồ Bắc, nằm ở miền trung Trung Quốc, chiếm hơn 80% các trường hợp được xác nhận và 95% các ca tử vong trên toàn thế giới.

Virus Corona gây dịch COVID-19 có đột biến gien giống virus HIV

Theo SCMP, các nhà khoa học ở Trung Quốc và châu Âu đã có những phát hiện đột phá, không chỉ giải thích vì sao virus lây lan mạnh, mà có thể chỉ ra cách tốt nhất để đối phó với virus này.

Các nhà khoa học cho biết, virus SARS xâm nhập tế bào người bằng cách bám vào một protein thụ thể gọi là ACE2 trên màng tế bào. Nghiên cứu ban đầu cho thấy virus Corona mới giống virus SARS tới 80%, tức là có con đường lây nhiễm tương tự.

Nhưng protein ACE2 không tồn tại với số lượng lớn trong cơ thể người khỏe mạnh và điều này ngăn virus SARS lây lan rộng giai đoạn 2002-2003. Virus SARS chỉ lây nhiễm cho khoảng 8.000 người trên toàn cầu.

Ngược lại, virus như HIV hay Ebola lại đặc biệt dễ lây lan. Chúng nhắm đến một loại enzyme có tên là furin, hoạt động như một chất kích hoạt protein trong cơ thể người.

Cập nhật COVID-19 ngày 27/2: Người phụ nữ mắc COVID-19 sau 8 lần xét nghiệm âm tính - 2

Các bác sĩ Trung Quốc đánh giá lá phổi của người bệnh nghi nhiễm virus Corona.

Khi xem xét trình tự bộ gien của virus Corona, giáo sư Ruan Jishou và cộng sự tại Đại học Nankai ở Thiên Tân, Trung Quốc, tìm thấy một phần các gene đột biến không có ở virus SARS, nhưng lại tương tự virus HIV và Ebola.

“Phát hiện này cho thấy virus Corona mới có thể khác biệt đáng kể so với virus SARS về con đường lây nhiễm”, các nhà khoa học viết trong một báo cáo công bố trên diễn đàn nghiên cứu khoa học Chinaxiv.org của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Nói cách khác, virus Corona mới có khả năng kích thích enzyme furin để tạo ra protein phù hợp trong quá trình bám vào tế bào. Kết quả là virus Corona mới có khả năng xâm nhập tế bào trên cơ thể người gấp 1.000 lần so với virus SARS, theo nhóm nghiên cứu.

Trong một nghiên cứu sau đó, giáo sư Li Hua cùng các cộng sự từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, cũng xác nhận phát hiện trên. Đây có thể là “lý do tại sao virus Corona mới dễ lây nhiễm hơn các chủng virus Corona khác”, giáo sư Li viết.

Điều này có thể lý giải vì sao các bác sĩ ở nhiều nước trên thế giới điều trị cho người nhiễm Covid-19 bằng thuốc kháng virus HIV và trong một số trường hợp đã cho kết quả tích cực.

Mỹ sắp thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người

Loại vắc-xin do Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) và hãng dược Moderna phát triển để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) đã sẵn sàng được thử nghiệm trên người.

Ông Anthony Fauci, Viện trưởng NIAID, cho biết vắc-xin này dự kiến được thử nghiệm trên 20 tình nguyện viên từ 20-25 tuổi và có sức khỏe tốt vào tháng 4-2020.

Cập nhật COVID-19 ngày 27/2: Người phụ nữ mắc COVID-19 sau 8 lần xét nghiệm âm tính - 3

Viện trưởng Anthony Fauci. Ảnh: Kavei Rozaei

Cuộc thử nghiệm nhằm xác định xem liệu 2 liều vắc-xin có an toàn và và tạo ra phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ lây nhiễm. Dự kiến kết quả thử nghiệm sẽ có trong tháng 7 hoặc tháng 8-2020.

Ông Fauci nhận định việc đi vào cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 trong vòng 3 tháng sau khi có được trình tự gien của chủng mới virus corona gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2) là nhanh chưa từng có.

Dù vậy, hiện không có gì bảo đảm loại vắc-xin trên hoạt động hiệu quả bởi công nghệ di truyền được NIAID và Moderna sử dụng vẫn chưa dẫn đến một loại vắc-xin cho người nào được cấp phép sử dụng.

Cũng theo ông Fauci, ngay cả khi cuộc thử nghiệm thành công, vắc-xin trên còn phải được tiếp tục nghiên cứu thêm cũng như vượt qua rào cản về pháp lý. Điều này đồng nghĩa vắc-xin sẽ chỉ có thể được sử dụng rộng rãi sớm nhất là vào năm tới.

COVID-19: Quảng Châu phát hiện 14% bệnh nhân tái nhiễm
Khoảng 14% bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chữa khỏi và cho xuất viện tại tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc cho kết quả dương tính trở lại trong những lần...
Hoàng Dương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19