Theo TS. Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 VABIOTECH (Bộ Y tế), Công ty đã bước đầu thành công trong việc nghiên cứu dự tuyển vắc xin phòng bệnh COVID-19 và tiêm thử nghiệm trên chuột.
TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết, ngay từ khi Việt Nam ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên, các nhà khoa học của Công ty đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc xin phòng bệnh COVID-19 dựa trên công nghệ vector virus.
Đến nay, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 trong thành phần vắc xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vắc xin.
Cùng với việc bước đầu phát triển thành công dự tuyển vắc xin phòng COVID-19 ở quy mô phòng thí nghiệm, dự tuyển vắc xin đã được tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Việc tiêm thử nghiệm vắcxin này trên chuột đã được thực hiện 2 tuần nay.
Dự kiến, trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2.
Sau giai đoạn này, vắc xin phòng COVID-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vắc xin này.
Ảnh minh họa.
Trước đó, tại cuộc họp cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số đơn vị nghiên cứu về vấn đề tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin phục vụ phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng, chống dịch COVID-19. Tuy đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng chúng ta đã có những thành quả nghiên cứu trước đó như: phân lập được virus, sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm… do vậy, các nhà khoa học bày tỏ tin tưởng chúng ta sẽ có những hướng nghiên cứu khả quan.
Là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá sinh phẩm xét nghiệm nhanh “Made in Vietnam” có nhiều ưu điểm như dễ sử dụng cho tất cả các tuyến; các cơ sở y tế tuyến huyện có thể xét nghiệm được do sử dụng hệ thống máy xét nghiệm sẵn có; độ an toàn cao (xét nghiệm qua mẫu máu); đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%.
Bên cạnh đó, qua đánh giá ban đầu, giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm);… Hiện, Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt.
Tính tới 6h ngày 3/5, đã 17 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện, cả nước ghi nhận 270 ca mắc COVID-19.Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 219 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện.51 bệnh nhân còn lại đang được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 8 cơ sở khám, chữa bệnh. Đa số bệnh nhân có sức khoẻ ổn định, 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus này.
Dương Hải