Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, trong 9 tháng đầu năm 2019, TP.HCM có 9 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết gồm 2 trẻ em và 7 người lớn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong tháng 9, địa bàn TP.HCM ghi nhận 8.237 ca mắc sốt xuất huyết, tương đương với số ca mắc trong tháng 8. Tích lũy trong 9 tháng đầu năm 2019, TP. HCM có 48.458 ca mắc sốt xuất huyết (cả nhập viện và điều trị ngoại trú), tăng 124% so với cùng kỳ năm 2018. Trung bình mỗi tuần có khoảng 1.800 ca mắc mới. Tính đến tháng 9, toàn thành phố ghi nhận 9 ca tử vong do sốt xuất huyết, chủ yếu ở người lớn.
Theo đó, những trường hợp tử vong đều do tự điều trị ở nhà, chỉ đến cơ sở khám chữa bệnh khi đã muộn; một số người còn có tiền sử bệnh lý mãn tính; một số có thể trạng béo phì. Sở Y tế TP.HCM nhận định mùa dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn do thời tiết thay đổi phức tạp.
Một trường hợp bệnh nhân đang được điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Trong khi đó, bệnh tay chân miệng cũng đang trên đà tăng nhanh. Trong 9 tháng năm 2019, thành phố ghi nhận hơn 16.000 ca mắc bệnh tay chân miệng (cả nhập viện và điều trị ngoại trú). Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nhóm trẻ 0-3 tuổi (chiếm 90%). Từ đầu năm đến nay, thành phố có 85 ổ dịch tay chân miệng phát sinh trong trường học.
Một dịch bệnh khác đáng lưu tâm là bệnh sởi. Trong tháng 9, TP.HCM ghi nhận 136 ca mắc sởi được báo cáo. Tích lũy 9 tháng năm 2019, thành phố có 6.192 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ 99 ca. Trong hơn 6.000 ca mắc sởi, chỉ có 4 trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi, 15 trẻ tiêm 1 mũi vắc-xin, còn lại 51% chưa được tiêm chủng và 48% chưa rõ tiền sử tiêm chủng.
Khu vực khoa Nhiễm- thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi điều trị cho bệnh nhi tay chân miệng và sởi
Những dấu hiệu khi bị sốt xuất huyết cần lưu ý
Nói về những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, theo BS CK II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành Phố, trong 1- 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao, tuy nhiên dấu hiệu khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường. Chính vì vậy, người bệnh cần xét nghiệm máu để xác định có mắc sốt xuất huyết không.
Ở giai đoạn tiếp theo, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 có dấu hiệu hạ sốt, nhưng xuất hiện những vết xuất huyết trên cơ thể, phụ huynh không nên chủ quan, trẻ cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên để tránh bệnh chuyển biến nặng.
“Đối với trẻ có cơ địa thừa cân béo phì, khi mắc bệnh sốt xuất huyết thường bệnh diễn tiến nặng hơn. Để tránh những biến chứng do sốt xuất huyết gây ra, nếu trẻ sốt liên tục 3 ngày kèm dấu hiệu mệt mỏi, có nhiều nốt xuất huyết bất thường ngoài da, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, chán ăn, mệt mỏi… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, gia đình cần thông báo cho trạm y tế để khoanh vùng, phun xịt không để bệnh lây lan trên diện rộng”, BS Tiến khuyến cáo.
Bệnh sốt xuất huyết dễ diễn tiến nặng với trẻ béo phì và có sẵn bệnh nền.
Các bác sĩ khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Do đó, mọi người trong vùng sốt xuất huyết lưu hành cần chủ động diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt; khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cao đột ngột, có thể kèm theo nhức đầu, đau sau hốc mắt, hoặc có dấu hiệu xuất huyết… nên đến khám tại các bệnh viện, phòng khám để được chẩn đoán và điều trị đúng. Nếu được chỉ định điều trị ngoại trú, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, nếu thấy mệt nhiều, xuất huyết nhiều, đau bụng… phải đến ngay bệnh viện để được cấp cứu.