Theo con số thống kê, hiện nay ở Việt Nam, 100% số tỉnh và 99% số quận huyện có người nhiễm HIV, với 260 ngàn người nhiễm đang sống trong cộng đồng.
Theo thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), kể từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1990, tính đến tháng 6 năm 2015, số người nhiễm HIV ở Việt Nam còn sống được báo cáo là 227.144 người, trong đó có 71.115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, và đã có 74.442 người tử vong do HIV/AIDS.
Điều đáng nói, HIV đã có mặt ở 100% tỉnh, thành phố, 99% số quận, huyện và hơn 80% số xã, phường, thị trấn. Theo ước tính của các chuyên gia, hiện có tới 260 ngàn người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng.
Dịch HIV ở Việt Nam thực sự tăng nhanh từ những năm 2000 với khoảng 10.000 người mắc. Tuy nhiên, đến năm 2006-2007, con số này đã tăng lên 30.000 người, với 15.000 người tử vong do AIDS.
Phần lớn số người nhiễm HIV là ở lứa tuổi trẻ, tuổi lao động, trụ cột của gia đình. HIV/AIDS đã trở thành đại dịch vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đa số những trường hợp nhiễm HIV ở Việt Nam đang ở trong độ tưởi lao động.
Trước tình trạng trên, Cục Phòng chống HIV đã đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV với nhiều mô hình khác nhau tại các cơ sở y tế và triển khai lưu động tại cộng đồng.
Hiện có hơn 1.300 cơ sở xét nghiệm HIV, mỗi năm tiến hành xét nghiệm hàng triệu mẫu xét nghiệm, tăng gấp đôi so với 5 năm trước đây. Cả nước đã có 95 phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.
Trước những nỗ lực không mệt mỏi trong 10 năm qua, công tác phòng chống HIV đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Theo đó, công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đang được tích cực mở rộng, lồng ghép vào hệ thống y tế chung và phân tuyến về y tế cơ sở nhằm đảm bảo tính bền vững, tăng khả năng tiếp cận, giảm chi phí đi lại, tăng cường tuân thủ điều trị của người bệnh.
Hiện nay, 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS và trên 500 trạm y tế xã đã cấp phát thuốc ARV cho người bệnh. Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công Sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị ARV (thuốc điều trị HIV) về các trạm y tế xã.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS những năm tới còn rất nhiều thách thức to lớn. Dịch HIV/AIDS đã giảm nhưng chưa giảm sâu, chưa ổn định, số người nhiễm HIV được phát hiện tiếp tục gia tăng và vẫn có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại.
Các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các nguồn viện trợ nước ngoài cho phòng, chống HIV/AIDS đang giảm nhanh chóng. Trong khi đó, các chỉ tiêu được giao về can thiệp giảm hại, điều trị Methadone, điều trị ARV… tiếp tục tăng cao.
Giải pháp nào cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cũng là câu hỏi lớn cho các cấp quản lý và các cán bộ phòng, chống HIV/AIDS.