Hai năm sau ngày quyết định hiến tạng mẹ cho y học để cứu người, cuộc sống của ba chị em Nguyễn Thị Sáng (21 tuổi) đã có nhiều thay đổi...
Dù cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ba chị em Nguyễn Thị Sáng (21 tuổi), Nguyễn Thị Lương (19 tuổi) và Nguyễn Thị Thùy (4 tuổi, ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn quyết tâm không đầu hàng số phận.
Dù phía trước vẫn còn nhiều chông gai nhưng chị em Sáng vẫn quyết tâm vươn lên, chạm vào mơ ước
Những ngày gian khó khi không còn mẹ
Tháng 3/2017, chị Nguyễn Thị Liễu (SN 1976, quê xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, mẹ ruột của ba chị em Sáng) không may bị TNGT và được chẩn đoán khó qua khỏi.
Trước tình cảnh ấy, ba chị em Sáng tuy còn ít tuổi nhưng đã có quyết định dũng cảm và đầy tính nhân văn là “hiến tạng mẹ cho y học” để cứu sống 4 người khác. Hành động của em đã làm lay động hàng vạn trái tim, được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi.
Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi có dịp quay trở lại ngôi nhà tình nghĩa do Báo Giao thông kêu gọi và trích 150 triệu đồng từ Quỹ Chung tay vì ATGT xây dựng cho ba chị em Sáng, ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Nếu như cách đây hai năm, khu dân cư mới quy hoạch còn thưa thớt thì nay nhà cửa đã mọc lên san sát, mọi ngõ vào đều được đổ bê tông sạch sẽ. Nhìn ngôi nhà khang trang, bên trong đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, ít ai biết rằng ba chị em Sáng đã có những ngày cơ cực.
Bi kịch đến với các em vào những ngày giữa tháng 3/2017 (khi đó Sáng 19 tuổi, còn em út mới lên 2), trong lúc bế em Thùy đi ngoài đường ở Bình Dương, mẹ của ba em không may bị TNGT qua đời.
Có đến hai người bố nhưng người thì bỏ đi theo người đàn bà khác, người thì thường xuyên đánh đập, hắt hủi vợ con. Bơ vơ, không nơi nương tựa nơi xứ người, chị em Sáng được cậu Nguyễn Tiến Đường đón về quê mẹ (ở xã Cẩm Nhượng). Nhưng hoàn cảnh của cậu cũng không khấm khá là bao, trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, bốn cậu cháu rau cháo nuôi nhau qua ngày.
Vừa chịu nỗi đau mất mẹ, các em đã phải tập sống tự lập. Chưa kể việc do lớn lên ở miền Nam nên khi được cậu đón về quê, mọi thứ đều khá lạ lẫm với cả ba chị em Sáng. Quỹ đất nông nghiệp vùng ven biển hạn hẹp, khó canh tác bởi toàn cát trắng hoặc ngập mặn, nên ba chị em muốn xin một mảnh đất để cắm dùi cũng không có. Trong khi đó, ở làng chài nghèo khó này, xin được một việc làm ổn định là điều không ai dám nghĩ tới.
“Cuộc sống không còn mẹ vất vả lắm ạ. Ba chị em phải lo từ cái ăn đến cái mặc cho đến chuyện kiếm tiền. Em Thùy còn nhỏ dại, có hôm em ốm, hai chị em sang trạm y tế xã kiểm tra. Các bác sỹ đề nghị người nhà đưa em lên bệnh viện tuyến trên nhưng đang lúc đêm hôm, lại không biết làm thế nào nên chị em đành đưa nhau về nhà… rồi ôm nhau khóc”, Sáng tâm sự.
Cảm phục trước hoàn cảnh khó khăn nhưng lại có việc làm cao cả, đầy tính nhân văn - hiến tạng mẹ khi mẹ qua đời vì TNGT để cứu người, các cấp chính quyền, nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ ba chị em Sáng vượt qua khó khăn. Trong đó, Báo Giao thông kêu gọi và trích 150 triệu đồng từ Quỹ Chung tay vì ATGT xây một ngôi nhà cho ba chị em.
Không ngừng vươn lên, từng bước chạm vào ước mơ
Em Thùy không còn là cô bé khóc nhè, bắt chị bế đi tìm mẹ mà đã tự một mình tắm rửa, ăn uống và chơi với gấu bông
Những tưởng cuộc sống bĩ cực sẽ khiến ba cô gái bé nhỏ gục ngã. Nhưng bằng nghị lực và quyết tâm không đầu hàng số phận cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng, ba chị em Sáng đã từng bước vươn lên. Sáng kể: “Bước sang năm 2018, em Thùy đã dần quen với cuộc sống mới và bắt đầu đi học thì em cũng đi xin việc làm. Qua một người giới thiệu, em xin vào làm phục vụ tại một quán ăn ở Khu du lịch bãi biển Thiên Cầm cách nhà không xa".
“Ở miền Trung, khách du lịch chỉ tập trung về ba tháng mùa hè, còn lại quán cũng vắng khách. Tuy vậy, làm ở đây em được ông bà chủ yêu thương, em được học nhiều điều bổ ích. Mỗi tháng em còn được trả 1,5 - 2 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng cùng với khoản trợ cấp 1,3 triệu đồng nữa cũng đủ cho ba chị em trang trải tằn tiện. Những lúc ở nhà, ngoài trông em Thùy, em còn lên mạng tự học tiếng Trung để khi có cơ hội dùng đến”, Sáng cho biết.
Về phần Lương, lúc mới về quê, em không dám nghĩ đến việc đi học tiếp. Phần vì nhà nghèo không có tiền, phần vì em Thùy còn nhỏ quá, chị Sáng đi làm thì Lương phải ở nhà trông em. Nhưng khi được thầy cô ở Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) đến nhà động viên, em lại tiếp tục việc đến trường.
Ngoài miễn giảm toàn bộ học phí, mỗi tháng Lương còn được nhà trường hỗ trợ thêm 500.000 đồng. Không phụ công thày cô, Lương chăm chỉ học hành và nuôi ước mơ vào đại học.
Lương tâm sự: “Bình thường, một buổi em đi học, buổi còn lại trông em Thùy. Nhà chẳng có tiền đi học thêm ở ngoài, nên em chỉ học thêm ở trường vào năm lớp 12, còn cơ bản là tự học ở nhà”.
Ông trời cũng không phụ lòng người, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Lương đạt 23,85 điểm 3 môn Toán - Văn - Anh. Và bây giờ, Lương đã là cô sinh viên năm nhất, ngành ngôn ngữ Trung Quốc - Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.
“Vào học ở trường, biết hoàn cảnh em khó khăn nên nhiều thày cô, bạn bè và người dân đã giúp đỡ em hết mình. Một ông bà ở gần trường cho em ăn, ở miễn phí; khoa cũng hứa sẽ hỗ trợ khoản học phí kỳ 2 cho em. Em hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ công sinh thành và sự cưu mang của mọi người. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này ra trường làm một hướng dẫn viên du lịch…”, Lương chia sẻ.
Chị đi học xa, ở nhà em Thùy cũng bắt đầu học cách tự chăm sóc mình. Thùy giờ đã bắt đầu biết đọc, biết đếm và biết vẽ hoa… Em cũng không còn khóc nhè, đòi chị bế đi tìm mẹ, mà đã biết tự tắm rửa, tự xúc cơm ăn và một mình chơi với những chú gấu bông. Thùy thỏ thẻ: “Cháu ước sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo”.
Một mùa xuân nữa lại về, ba chị em Sáng lại tất bật lo toan bộn bề để có một cái Tết xum vầy. Thắp nén hương lên bàn thờ mẹ, Sáng hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để hai em được ăn học thành người. Tết năm nay, em Thùy có thêm quần áo mới… để em không thấy tủi thân với bạn bè cùng trang lứa. Nghe những lời gan ruột của Sáng, chúng tôi tin rằng em sẽ làm được.