‘Bà mẹ của nghìn con’ và chuyện cả đời không quên về một nữ bệnh nhân hiếm muộn

Ngày 27/02/2019 10:00 AM (GMT+7)

Ngày trở về sau chuyến tu nghiệp tại nước ngoài, bác sĩ hăm hở gọi cho nữ bệnh nhân và giục hai vợ chồng đến để tiến hành xin trứng, thụ tinh. Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu rồi thút thít trả lời: “Bác sĩ ơi, ly dị rồi”.

Là con của GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một trong những tên tuổi đầu ngành trong lĩnh vực sinh sản tại Việt Nam, người đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về ứng dụng tại nước nhà, tuổi thơ của cô bé Vương Thị Ngọc Lan gắn liền với việc rong chơi chốn hành lang bệnh viện và ánh đèn nơi phòng mổ.

Lớn lên, theo mỗi nấc thang trưởng thành, cô bé từng lon ton nơi hành lang bệnh viện ngày ấy đã lấy chính những kỉ niệm thời thơ ấu để nuôi dưỡng tình yêu của mình với y học. Với Lan, việc gắn bó theo đuổi ngành Sản khoa là một lẽ tự nhiên. Sau mấy chục năm, cô con gái bé bỏng của bác sĩ Phượng ngày nào giờ đã trở thành Tiến sĩ - Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - Phó Chủ nhiệm bộ môn Phụ sản, ÐH Y Dược TP.HCM.

“Hồi nhỏ, mỗi lần nhìn qua cửa sổ, bên trong là hình ảnh một em bé chào đời, em bé khóc òa, người mẹ cười, cả gia đình hạnh phúc, cảm giác đó nó thiêng liêng mà không có gì diễn tả được.”, bác sĩ Lan bồi hồi nhớ lại.

Thất bại nối tiếp thất bại, vỡ òa sung sướng vì lần đầu tiên thành công

Những ngày đầu tiên tiếp xúc với lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm, là bác sĩ nhưng chính bản thân Ngọc Lan lại là người hay chạy ra hành lang mà khóc thút thít. “Bệnh nhân thụ tinh thất bại, họ buồn, tôi cũng buồn. Họ khóc, tôi cũng khóc. Có đôi lúc bệnh nhân tới gặp tôi, cả hai mắt sưng húp, đôi bàn tay thì run run: Bác sĩ ơi, bác sĩ nói còn làm được, tôi sẽ còn cố gắng. Vì dừng lại đồng nghĩa với việc ký vào đơn ly dị, tôi mất chồng, mọi thứ sẽ vỡ tan”, bác sĩ Lan ngậm ngùi.

‘Bà mẹ của nghìn con’ và chuyện cả đời không quên về một nữ bệnh nhân hiếm muộn - 1

Sau 14 ca thụ tinh ống nghiệm thất bại, ca thứ 15, cả e-kip, trong đó có bác sĩ Lan vỡ òa hạnh phúc vì thành công. Mỗi lần cầm một hộp phôi, bên trong là phôi thai bé tí, ai nấy đều hy vọng, sau này cái phôi nhỏ bé ấy sẽ phát triển thành một con người hoàn chỉnh, biết nói, biết cười, sẽ trưởng thành và biết yêu thương.

Những năm 1998-1999, lúc ấy danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế không hề có danh mục chọc hút trứng hay kỹ thuật chuyển phôi. “Đồng nghĩa với việc tôi có làm cũng không được trả lương, trong khi một ca thụ tinh phải theo đuổi tận hàng tháng trời. Tốn nhiều thời gian, vất vả, tỉ lệ thất bại cao, ngày nào cũng chứng kiến cảnh bệnh nhân khóc vì thụ tinh không thành, nhiều bác sĩ thời ấy buộc phải từ chối công việc vì họ không chịu nổi áp lực”, nữ bác sĩ cho biết.

"Có một bệnh nhân nữ mà cả đời tôi sẽ không bao giờ quên"

Ngày trở về sau chuyến tu nghiệp thạc sĩ tại Singapore, bác sĩ Lan gói ghém cẩn thận, chăm chút từng quyển sách, xếp gọn gàng vào chiếc vali. Về đến Việt Nam, chị hăm hở gọi ngay cho một cặp vợ chồng mà trước khi đi du học, chị tự hứa là sẽ học bằng được những kỹ thuật mới nhất để giúp họ có con.

“Ấy thế mà không kịp, mặc cho tôi hào hứng nói liên tục, đầu dây bên kia hoàn toàn im lặng, lát sau, người phụ nữ thở dài: Bác sĩ ơi, ly dị rồi. Chồng tôi cũng đã có vợ mới, vợ anh cũng vừa sinh con”, bác sĩ Lan kể lại.

Buông điện thoại, chị bần thần hồi lâu. Hóa ra không phải cặp vợ chồng nào cũng có nhiều hơn một cơ hội. Những đứa con không chỉ là kết tinh cho tình yêu, sự hy sinh, mà đôi lúc còn là sợi dây vô hình níu giữ hạnh phúc đang trên bờ vực tan vỡ. Hoặc họ sung sướng nắm tay nhau từ bệnh viện trở về nhà, hoặc bước ra khỏi cổng, mỗi người đi một nơi.

‘Bà mẹ của nghìn con’ và chuyện cả đời không quên về một nữ bệnh nhân hiếm muộn - 2

“Có những lúc dù muốn dù không, khi một trong hai người đã buông tay bỏ cuộc, mọi cố gắng, hy vọng đều chỉ là vô nghĩa. Từ đó, tôi tâm niệm mỗi khi thực hiện phải hết sức chắt chiu, phải làm sao học nhiều kỹ thuật hơn, tay nghề phải giỏi hơn… để giúp họ giữ được hạnh phúc gia đình”, bác sĩ Lan tâm sự.

Ghi tên Việt Nam vào bản đồ Y khoa quốc tế

Cuộc phỏng vấn bác sĩ Lan được diễn ra vào thời điểm vừa tròn 1 năm sau khi bài nghiên cứu của nữ bác sĩ được đăng trên tạp chí NEJM, một tạp chí đứng hàng đầu về y khoa thế giới, gây chấn động cả ngành y tế Việt Nam.

Bác sĩ Lan cho biết, khi mới bắt đầu làm thụ tinh ống nghiệm, mỗi lần thụ tinh sẽ cho khoảng 5-7 phôi. Lúc đó kỹ thuật đông lạnh phôi chưa phát triển nên các bác sĩ trên thế giới tiến hành chuyển phôi tươi. Nếu sử dụng số phôi quá ít thì tỉ lệ có thai sẽ không cao, do đó các bác sĩ chuyển tăng số phôi tươi vào buồng tử cung cho bệnh nhân, tỉ lệ thành công tăng lên, nhưng đồng nghĩa với nguy cơ đa thai cũng cao hơn.

Cho đến khi kỹ thuật đông lạnh hoàn chỉnh, nhiều trung tâm trên thế giới nhận thấy kỹ thuật này giúp tăng tỉ lệ mang thai nên không thực hiện chuyển phôi tươi nữa mà đông lạnh toàn bộ số phôi có được và chuyển phôi rã đông sau đó. Thế nhưng, việc dùng phôi đông lạnh vô tình kéo dài thêm thời gian chờ đợi của các cặp vợ chồng, chi phí cũng tăng theo.

‘Bà mẹ của nghìn con’ và chuyện cả đời không quên về một nữ bệnh nhân hiếm muộn - 3

Nhóm của bác sĩ Lan đã nghiên cứu ngẫu nhiên 782 phụ nữ vô sinh (không do buồng trứng đa nang) đang thụ tinh ống nghiệm. Kết quả cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh mang lại kết quả thành công tương đương như chuyển phôi tươi khi thụ tinh ống nghiệm. Đây là nghiên cứu có thể góp phần làm thay đổi phác đồ chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm trên thế giới hiện nay.

Mới đấy mà đã trải qua chặng đường 20 năm, kể từ những ngày đầu cô bác sĩ trẻ cùng hai đồng nghiệp (một trong hai người đó sau này đã trở thành người bạn đời của bác sĩ Lan) quyết tâm theo đuổi lĩnh vực mà nhiều người ngày xưa hay gọi là “kỹ thuật xa xỉ”.

Bác sĩ Ngọc Lan bảo, mỗi khi nhìn thấy những sinh linh nhỏ bé đang dần thành hình, nhìn thấy hạnh phúc gia đình bệnh nhân rơi xuống bờ vực mong manh rồi lại được hàn gắn, chứng kiến những giọt nước mắt lăn trên má những người cha, người mẹ đã trải qua biết bao gian nan trên hành trình cùng cực đi tìm con, chị biết rằng mình đã lựa chọn đúng đắn.

Hiện tại, ngoài tham gia giảng dạy bộ môn Phụ sản tại ÐH Y Dược TP.HCM, bác sĩ Lan còn công tác tại Đơn vị Thụ tinh Ống nghiệm thuộc một bệnh viện khác ở TP.HCM. Dù ở cương vị nào, hướng dẫn cho các sinh viên hay những bác sĩ lành nghề, chị luôn nhắc đi nhắc lại bài học vỡ lòng của người bác sĩ thụ tinh ống nghiệm. Đó là bài học về ý thức, về trách nhiệm, làm sao để mọi thứ phải đúng đến tuyệt đối. “Có những cái sai mãi mãi không bao giờ có cơ hội sửa chữa”, bác sĩ Ngọc Lan nhấn mạnh.

Niềm vui bất ngờ của vợ chồng hiếm muộn nhặt được trẻ sơ sinh bị bỏ rơi
Sau bao năm chạy chữa hiếm muộn, vợ chồng anh Duy tưởng chừng đang tuyệt vọng thì bất ngờ người mẹ đẻ của anh đã nhặt được bé gái sơ sinh bỏ rơi. Sau...
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động